Chiều 24/1, UBND TP.HCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM. Tại hội nghị, nhóm công tác chung TP.HCM – World Bank (HWG) đã trình bày đề xuất kêu gọi đầu tư Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM.
Theo đề xuất, dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 250 triệu USD. Trong đó vốn vay ngân hàng thế giới là 170 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại từ chính phủ Hà Lan là 50 triệu USD, còn lại 30 triệu USD là vốn đối ứng của TP.HCM.
Dự án sẽ được chuẩn bị trong giai đoạn 2024 – 2025, và giai đoạn 2025 – 2030 sẽ tiến hành thực hiện.
Đại diện HWG trình bày dự án, ông Macrc Forni, chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của World Bank nhìn nhận quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của Thành phố.
Trong khi đó, các nhãn hàng ở các quốc gia phát triển đang đứng trước áp lực về giảm dấu chân carbon, và đặt ra ngày càng nhiều cam kết phát thải ròng bằng không. Do đó, chuỗi cung ứng sản phẩm của họ cũng cần được xanh hóa.
“Thay vì đặt hàng tại Việt Nam, rất nhiều nhãn hàng nước ngoài đang chuyển hướng sang Bangladesh, nơi có những cam kết về xanh hóa ngành công nghiệp, hướng tới bền vững, thân thiện với môi trường”, ông nói đồng thời cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tiếp tục rời đi và đơn hàng sẽ tiếp tục giảm nếu TP.HCM không có những nỗ lực vượt bậc trong việc xanh hóa nền kinh tế, bao gồm các ngành công nghiệp.
Ông Macrc Forni, chuyên gia trưởng Năng lực thích ứng đô thị của World Bank bày đề xuất kêu gọi đầu tư Dự án Đô thị carbon thấp tại TP.HCM. |
Trong bối cảnh đó, Dự án đô thị carbon thấp tại TP.HCM trong các lĩnh vực ưu tiên đã được xây dựng trong 18 tháng qua trên cơ sở phân tích APEX được thực hiện trong giai đoạn đầu của nhóm công tác chung, với mục tiêu giúp Thành phố giảm phát thải carbon trên quy mô lớn thông qua thực hiện các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng và thực hiện trên quy mô lớn đối với tài sản công và tài sản tư nhân.
Dự án sẽ tạo ra một hệ thống do Thành phố quản lý nhằm hỗ trợ việc tiếp cận thị trường carbon tự nguyện quốc tế cho cả khu vực công và khu vực tư nhân, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính của các giải pháp giảm phát thải của Thành phố.
“Dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng, có thể thực hiện trên quy mô lớn, và đã được chứng minh hiệu quả qua kinh nghiệm quốc tế”, ông nói đồng thời cho biết các giải pháp bao gồm: Nâng cấp lên đèn đường LED, lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trang bị thêm các thiết bị tiết kiệm năng lượng, và chuyển đổi sang xe điện.
Cụ thể, với giải pháp nâng cấp lên đèn đường LED, việc chuyển đổi sang đèn đường LED đã được chứng minh là mô hình khả thi về mặt thương mại. Mức tiêu thụ điện của đèn đường khi nâng cấp lên đèn LED có thể giảm được 50 - 60%, đồng thời tuổi thọ dài gấp 4 lần so với công nghệ chiếu sáng truyền thống.
Tuổi thọ dài của đèn LED sẽ giảm đáng kể chi phí lắp đặt và bảo dưỡng, giúp tối ưu hóa chi tiêu cho Thành phố. Trên toàn cầu, các khoản đầu tư vào đèn đường thường chiếm đến 5 - 20% ngân sách và chi phí tiêu thụ điện của đèn đường chiếm tới 65% chi phí tiêu thụ điện của Thành phố. Vì vậy, việc nâng cấp lên đèn đường LED trên quy mô lớn vừa giúp tiết kiệm chi phí đáng kể vừa giảm lượng lớn phát thải carbon.
Với giải pháp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, TP.HCM có tiềm năng phát triển và ứng dụng điện mặt trời trên mái nhà rất lớn khi có lượng bức xạ cao hơn mức trung bình. Số giờ nắng trung bình trong tháng dao động từ 100 - 300 giờ, duy trì liên tục xuyên suốt năm và không gặp bất kỳ gián đoạn nào như miền Bắc. Số giờ nắng có thể lên tới 300 giờ vào mùa khô và chỉ giảm xuống khoảng 150 giờ vào mùa mưa.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà sử dụng cho mục đích tự sản tự tiêu có thể được triển khia ngay tại các trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, khu công nghiệp Thành phố, nhà máy xử lý nước thải, kho lạnh, trên quy mô lớn để có thể tiếp cận thị trường tài chính carbon nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về mặt tài chính cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Với giải pháp trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng, nhóm chuyên gia cho rằng trong các toà nhà, thành phần tiêu thụ điện năng bao gồm hệ thống điều hoà không khí và các thiết bị phụ trợ, hệ thống chiếu sáng, hệ thống thiết bị văn phòng, hệ thống thang máy.
Các công trình xây dựng như văn phòng, khu thương mại, khách sạn… nếu đầu tư xây dựng tòa nhà sử dụng hệ thống tiết kiệm năng lượng sẽ phát sinh chi phí đầu tư xây dựng tăng khoảng 3%, nhưng chi phí vận hành giảm từ 14-36% do tiết kiệm năng lượng.
Đồng thời, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho tòa nhà/nhà máy xử lý nước thải sẽ giúp tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện cho các đơn vị sở hữu tòa nhà/nhà máy, giảm đáng kể lượng khí thải carbon, đồng thời tạo ra sự ổn định trong khâu cung cấp điện và giá điện.
Giải pháp cuối cùng là chuyển đổi sang xe điện sẽ góp phần tiết kiệm chi phí vận hành và đóng góp vào công cuộc giảm phát thải, và cải thiện chất lượng không khí của Thành phố.
Giải pháp này có thể bổ sung cho Nghiên cứu thí điểm về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành mà TP.HCM đang xây dựng nhằm hạn chế số lượng xe máy quá hạn. Cần tích hợp thêm cơ chế tài chính, thông qua việc tiếp cận thị trường carbon, để tạo ra nguồn thu từ tín chỉ carbon là khoản khuyến khích về mặt tài chính đối với các chủ phương tiện ngừng sử dụng xe máy chạy bằng động cơ đốt trong, đặc biệt là xe cũ, sớm hơn dự định và chuyển sang sử dụng xe máy điện thân thiện với môi trường.
Đồng thời thúc đẩy tiết kiệm điện trong khu vực tư nhân trung bình 2.015 tỷ đồng/năm, tương đương 84,2 triệu USD/năm. Ngoài ra, nguồn thu từ tín chỉ carbon trong 10 năm là 1.602 tỷ đồng, tương đương 67 triệu USD (giả định tín chỉ carbon là USD 20/tín chỉ).
Trong đó, 645,9 tỷ đồng sẽ đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách Thành phố, và 957 tỷ đồng được tạo ra từ tổng lượng giảm phát thải của các giải pháp triển khai bởi khối tư nhân và đóng vai trò tạo khích lệ tài chính cho khối tư nhân.