Thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Canada nói riêng và CPTPP nói chung hiện chưa tới 10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. |
9 tháng, 2 lần bay Canada
Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex đã dẫn đầu đoàn gồm hơn 10 doanh nghiệp lớn tới Canada trong Chương trình Xúc tiến thương mại tại thị trường này từ ngày 11 - 19/5/2019.
Đoàn đi xúc tiến thương mại, tìm kiếm nhà nhập khẩu tại Canada tập trung giới thiệu không chỉ sản phẩm may mặc, mà còn đem tới các sản phẩm vải từ dệt kim đến dệt thoi, vải len của 10 doanh nghiệp sản xuất trong nước, bao gồm đồ dệt kim lót của Đông Xuân, đồ dệt kim trung bình và nặng của Hanosimex, vải Yarn Dyed của Đông Phương, vải len của Liên Phương, denim và kaki của Quốc tế Phong Phú…
Những cuộc gặp gỡ nhà nhập khẩu được diễn ra gần như liên tục, tận dụng tối đa thời gian có mặt tại thị trường Bắc Mỹ còn rất mới mẻ với ngành dệt may. Rất nhiều nhà nhập khẩu có doanh số lên tới 1 tỷ CAD như Tập đoàn VF, Atlantic sportwear, Giant Tiger, Moose Knuckles, Dynamite, Reitmans, Penningtons, Lululemon… đã tiếp xúc với doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Ông Lê Tiến Trường cho biết: “Tháng 8/2018, đoàn doanh nghiệp của Vinatex cũng đã tới Canada tìm kiếm khách hàng, nay chúng tôi trở lại để triển khai những kế hoạch cụ thể với các nhà nhập khẩu. Hàng hóa để tiếp thị cũng được các doanh nghiệp chuẩn bị rất kỹ lưỡng trong 4 tháng trước đó, với đích đến cuối cùng là có được khách hàng”.
Lượng khách tham dự sự kiện xúc tiến thương mại dệt may năm nay cao hơn các buổi xúc tiến thương mại năm 2018 trên 40%, hầu hết các khách hàng đều quan tâm đến hiệp định CPTPP, cũng như phương thức tự công nhận hàng hóa đạt tiêu chuẩn theo cam kết.
Thị phần của hàng dệt may Việt Nam tại Canada nói riêng và CPTPP nói chung hiện chưa tới 10%, trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn lớn. Việt Nam chiếm 5% trong tổng 13-14 tỷ USD nhu cầu hàng dệt may tại Canada. Tỷ lệ thị phần này chỉ tương đương với Campuchia. Năm 2019 được xem là thời điểm vàng để Việt Nam đẩy mạnh khai thác thị trường Bắc Mỹ này.
“Thị phần này hoàn toàn chưa tương xứng với vị thế của một nước xuất khẩu dệt may đứng thứ hai thế giới như Việt Nam. Chúng ta đang có thị phần tại Mỹ lên tới 14%, thì việc thị phần tại Canada còn thấp thực sự là một tiềm năng cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu, nhất là khi Canada và Việt Nam đã phê chuẩn CPTPP”, ông Trường nói.
Theo ông, tất cả doanh nghiệp đều có cơ hội tiếp cận với chính sách thuế quan tốt hơn nếu thỏa mãn được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Ông Trường hy vọng với CPTPP, Việt Nam có thể tăng thị phần tại Canada lên 12-14%, tương đương tại các thị trường lớn khác.
Biến cơ hội thành đơn hàng
Thực tế cho thấy, trong năm 2018, ngay cả khi CPTPP chưa có hiệu lực, xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sang Canada đã tăng 19,7%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam. Theo cam kết của Canada khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực từ đầu năm 2019, 42,9% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có thuế 0% từ năm đầu tiên và 57,1% kim ngạch có thuế 0% vào năm thứ 4. Mức chênh lệch thuế nhập khẩu sẽ là động lực thúc đẩy dệt may xuất khẩu sang thị trường Canada.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, trong số các thị trường CPTPP, có nhiều tín hiệu mạnh nhất hiện nay là Canada và Mexico. Cụ thể, quý I/2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng của Việt Nam sang các nước thuộc thị trường CPTPP tăng tới 22,5% (trong đó có tới 90% là sang Canada và Mexico).
“Trong tổng số khoảng 500 giấy chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi về thuế cho sản phẩm xuất khẩu vào CPTPP mà Bộ Công thương cấp cho doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm 2019, có tới 90% là hàng hóa xuất sang 2 thị trường Canada và Mexico. Điều đó cho thấy, thị trường CPTPP đang mở ra cơ hội, tiềm năng rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Chuyến khảo sát thị trường Canada đã đạt được kết quả tốt, khi một số nhà xuất khẩu lớn như Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú, Tổng công ty cổ phần Dệt May Hòa Thọ,… đã có những thỏa thuận xuất khẩu bước đầu với nhà nhập khẩu của Canada.