Tiêu dùng
Dệt may thiếu đơn hàng, giá gia công giảm sâu
Hải Yến - 29/06/2023 15:32
Nhu cầu hàng dệt may toàn cầu thấp, giảm 15% so với năm 2022. Không chỉ thiếu đơn hàng trầm trọng, mà giá gia công còn giảm thê thảm. Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 khó chạm ngưỡng 40 tỷ USD, đồng nghĩa không hoàn thành mục tiêu.
Ngành dệt may đang rất khó khăn khi sức cầu thị trường cả trong nước và quốc tế đều giảm Ảnh: Đức Thanh

Phải nhận cả đơn hàng chỉ vài trăm sản phẩm

Ngành dệt may trải qua nửa đầu năm 2023 vô cùng trầm lắng với hoạt động sản xuất và xuất khẩu suy giảm rất sâu. Việt Nam là nước giảm sâu nhất trong số các quốc gia xuất khẩu dệt may, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thậm chí bán đi một phần tài sản.

Theo Bộ Công thương, 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành mới đạt 14,35 tỷ USD (dệt may 12,32 tỷ USD, giảm 17,8%; xơ sợi 1,73 tỷ USD, giảm 27%; vải mành, vải kỹ thuật khác giảm 20,7% so với cùng kỳ).

Còn số liệu mới nhất đến ngày 15/6 được Tổng cục Hải quan công bố, xuất khẩu dệt may 5 tháng rưỡi giảm 15,3%, tương đương giảm gần 2,5 tỷ USD về con số tuyệt đối, đạt 14,12 tỷ USD.

Khó là khó chung với mọi ngành xuất khẩu, bởi kinh tế thế giới không thuận lợi, cầu tiêu dùng xuống thấp. Từ đầu năm đến nay, có tới 6/7 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị giảm, trong đó giảm sâu nhất là lắp ráp điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, dệt may, da giày.

Theo ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng HĐQT Vinatex, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam (năm 2022, riêng dệt may sang Mỹ đạt 17,4 tỷ USD) thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt suốt 16 tháng qua, hệ quả của chính sách này dẫn tới đình lạm. Cùng với đó là tình trạng đơn hàng dịch chuyển về gần nơi tiêu thụ, khi các nhà mua hàng EU tăng đặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ để giảm chi phí logistics. Bởi thế, doanh nghiệp dệt may đã khó càng thêm khó.

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thị trường hiện còn khó hơn so với lúc cao điểm dịch Covid-19. Dù đã dự báo trước tình hình này từ quý IV/2022, nhưng diễn biến thực tế còn khốc liệt gấp bội phần.

“Đơn hàng nhỏ lẻ, manh mún, giá gia công thấp. Chưa bao giờ có tiền lệ doanh nghiệp may quy mô vài ngàn lao động phải nhận đơn hàng đơn vị 500, 700 đến 1.000 áo jacket, nhưng bây giờ phải làm, vì nếu không làm, khách không biết đến mình và doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng", ông Hiếu nói.

Đơn giá gia công hàng may cũng giảm rất sâu. Đại diện Vinatex cho hay, có những mã hàng giá gia công tại một số doanh nghiệp giảm đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, một sản phẩm trước đây có giá gia công là 1,7 - 1,8 USD,  hiện giảm còn 85-90 UScents.

Khó khăn chồng chất khó khăn. Theo phản ánh của không ít doanh nghiệp, có những đơn hàng gia công xong rồi, nhưng khách lùi thời gian nhận hàng, gây khó cho doanh nghiệp về dòng tiền, rồi phải lo kho bãi để lưu trữ sản phẩm khi mà hàng chưa xuất được ngay.

Không chỉ may mặc, mà ngành sợi cũng gặp khó khi nhu cầu rất thấp, giá sợi xuất khẩu “tuột dốc không phanh”. Khó khăn kéo dài từ quý III/2022, đỉnh điểm là quý IV/2022 và tiếp tục đến tháng 6/2023 vẫn khó. Nguyên nhân là do cầu thấp, giá giảm do giá bông (nguyên liệu chính của ngành kéo sợi) biến động liên tục và hiện giờ giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp sợi lỗ, tồn kho lớn, trong khi vẫn phải duy trì sản xuất.

Với các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt kim, từ tháng 4/2022 đến nay gần như không có đơn hàng.

Mục tiêu khó chạm tay

Theo dự báo, ngành dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023, với mức tăng trưởng doanh số tương đối chậm, từ âm 2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường châu Âu (dự kiến chỉ còn 1 - 4%).

Ngoài ra, tổng cầu dệt may thế giới ước tính chỉ đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra Covid-19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…

Đồng nghĩa, dệt may tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi, trong khi đó, cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.

Đầu năm 2023, ngành dệt may đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng. Theo đó, kịch bản tích cực có thể đạt kim ngạch 47 tỷ USD, kịch bản kém tích cực hơn đạt khoảng 45 tỷ USD.

Tuy nhiên, với thực tế thị trường lúc này, dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm nay chỉ đạt 36-37 tỷ USD, toàn ngành đang nỗ lực ở mức cao nhất để đạt 40 tỷ USD, với kỳ vọng cầu hồi phục vào quý III, đặc biệt cao điểm quý IV/2023.

Năm ngoái, ngành đã thành công khi cán đích 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, trong đó hàng dệt may đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7%; xơ sợi dù giảm 16% nhưng vẫn mang về 4,7 tỷ USD, còn lại là xuất khẩu nguyên liệu, vải địa kỹ thuật.

Tin liên quan
Tin khác