Đầu tư
“Đi công trường” để thúc đầu tư công
Hà Nguyễn - 05/12/2019 08:50
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2019, nhưng giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm trễ. Sốt ruột, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải “đi công trường, đi kiểm tra, tháo gỡ”.
Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm sao đạt mức cao nhất trong tháng 12 này. Trong ảnh: Đường Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội) kéo dài vừa được đưa vào sử dụng. Ảnh: Đức Thanh

Giải ngân chậm trễ, 11 tháng mới đạt 58% kế hoạch

Một thông tin quan trọng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, đó là giải ngân vốn đầu tư công dù đã có chuyển biến, song chưa thực rõ nét và “vẫn chậm hơn” so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước trong 11 tháng qua ước mới đạt hơn 231.600 tỷ đồng, bằng 58,16% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 53,96% dự toán năm. Con số này thậm chí còn thấp hơn mức đạt được của cùng kỳ năm 2018 (đạt 65,54% kế hoạch giao và bằng 64,27% dự toán năm), năm được cho là cũng “khá chậm trễ” trong giải ngân vốn đầu tư công.

Điều đáng nói là, ngoại trừ giải ngân vốn trong nước đạt kha khá, đạt 61,82% kế hoạch, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài rất thấp, tương ứng chỉ đạt 33,17% và 30,89% kế hoạch.

Tất nhiên, nếu so sánh giữa giá trị thực hiện và giá trị vốn giải ngân, thì vẫn còn khoảng 67.700 tỷ đồng giá trị khối lượng thực hiện chưa làm thủ tục thanh toán. Song báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận: “Cả tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm 2019 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhất là nguồn vốn trái phiếu chính phủ và vốn nước ngoài”.

Điều này khiến Thủ tướng Chính phủ sốt ruột. Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần giải quyết ngay. Một trong số đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm trên thực tế đã diễn ra từ nhiều năm nay và năm nay, tình trạng lại tiếp diễn. Dù Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm cả việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư công, song như một điểm nghẽn của nền kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công chưa có nhiều biến chuyển.

Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi một số bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao trên 80-90% kế hoạch, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên…, thì cũng còn nhiều bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp.

Danh sách các bộ, ngành, địa phương giải ngân thấp đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ, gồm Bộ Ngoại giao (5,62%), Bộ Y tế (26,7%), Bộ Tư pháp (26,3%), Ngân hàng Nhà nước (9,29%), Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam (11,17%), Đồng Nai (27,67%)…

Sự chênh lệch lớn trong tỷ lệ giải ngân đã nhiều lần được Thủ tướng Chính phủ chỉ ra là “có nguyên nhân chủ quan”, bởi không thể cùng thể chế, chính sách, có nơi giải ngân cao, có nơi giải ngân rất thấp.

“Đi công trường” để thúc đầu tư công

Nền kinh tế đã đi qua gần hết chặng đường của năm 2019. Tới thời điểm này, gần như chắc chắn có thể khẳng định, tăng trưởng GDP của cả nước sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra (6,8%). 11 chỉ tiêu kinh tế - xã hội khác cũng vậy. Tuy nhiên, chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11, Thủ tướng vẫn lưu ý, các cấp, các ngành không được chủ quan, mà phải tiếp tục thực hiện các giải pháp để hoàn thành “trọn vẹn” các mục tiêu đề ra, phấn đấu đạt cao nhất kế hoạch 2019 ở tất cả các lĩnh vực, ngành, địa phương.

“Địa phương nào chưa hoàn thành tốt thì phải thúc đẩy để hoàn thành tốt, để tăng trưởng năm 2019 không chỉ 6,8% - ngưỡng trên được Quốc hội giao, mà phấn đấu đạt 7%”, Thủ tướng chỉ đạo.

Và để làm được điều đó, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, làm sao đạt mức cao nhất trong tháng 12 này. “Các đồng chí phải đi công trường, đi kiểm tra, tháo gỡ”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải làm sao để không xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả trong sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và  Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát việc phân bổ vốn đầu tư, tránh tình trạng để dư nguồn, không phân bổ hết khá lớn như hiện nay.

Chỉ đạo này có lẽ không chỉ có ý nghĩa trong tháng cuối của năm 2019, mà còn cho cả năm 2020, trong bối cảnh năm mới sắp bắt đầu và Nghị quyết số 01 để thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đang được dự thảo.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Cuối tháng 10, Thủ tướng đã có Nghị quyết số 94/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019. Các biện pháp cắt, điều chuyển vốn đầu tư từ các bộ ngành, địa phương, dự án chậm triển khai cũng đã được mạnh tay thực hiện.

Với các giải pháp này, theo ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tình hình giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

“Từ ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công sửa đổi có hiệu lực, nên việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được cải thiện hơn. Năm 2020 là năm chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới, việc cải thiện có thể chưa rõ nét, nhưng hy vọng từ năm 2021, việc đẩy nhanh tiến độ giao kế hoạch vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu đầu tư công sẽ tích cực hơn nhiều”, ông Phương nhấn mạnh.

Tích cực triển khai các giải pháp đã đề ra

 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công mạnh mẽ là rất quan trọng để tạo ra động lực mới thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian còn lại của năm 2019, các bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 94/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tập trung chỉ đạo chủ đầu tư chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu..., đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án. Lựa chọn nhà thầu có đầy đủ năng lực (kỹ thuật và tài chính), kinh nghiệm để triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, hàng hóa, dịch vụ...

Tin liên quan
Tin khác