Bài 4: Chuyên gia “hiến kế” để việc di dời khả thi
Để tránh lặp lại thất bại như đợt lên kế hoạch di dời cách đây 10 năm, Chính phủ và tỉnh Đồng Nai cần xem xét hỗ trợ tài chính, trợ cấp, ưu đãi cho doanh nghiệp và người lao động, thì mới có thể đảm bảo di dời hiệu quả và nhanh chóng.
Bà Meir Tlebadle, CEO Sunwah Kirin Việt Nam
Để di dời thành công Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, Chính phủ và chính quyền tỉnh Đồng Nai cần xem xét hỗ trợ tài chính, trợ cấp và ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện di dời, bởi các doanh nghiệp di dời thường phải đối mặt với nhiều chi phí như mua đất, xây dựng nhà máy và di chuyển. Hỗ trợ tài chính từ phía Chính phủ và chính quyền địa phương có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính này, làm cho quá trình chuyển đổi trở nên khả thi hơn.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cần cải thiện hạ tầng, tiện ích và hệ thống xử lý nước thải tại các KCN lân cận nhằm tạo tính hấp dẫn và thuận tiện cho doanh nghiệp di dời.
Địa phương cũng cần tổ chức các cuộc thảo luận và giải quyết các vấn đề liên quan với tất cả các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, cộng đồng địa phương và các nhóm bảo vệ môi trường. Sự tương tác, thảo luận sẽ giúp xây dựng niềm tin, thúc đẩy sự minh bạch và đảm bảo để các mối quan ngại của tất cả các bên được giải quyết một cách thỏa đáng. Đây là việc rất quan trọng để di dời thành công.
Với những doanh nghiệp khi di dời đến địa điểm mới, nếu áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và bền vững như tiết kiệm năng lượng, giảm chất thải và kiểm soát ô nhiễm, thì Chính phủ và địa phương cần có ưu đãi và trợ cấp thuế.
Điều quan trọng nữa là, các cơ quan nhà nước cần đơn giản hóa và cấp phép nhanh chóng cho các doanh nghiệp chuyển đến vị trí mới. Điều này giúp tăng tốc quá trình di dời và giảm thiểu nguy cơ gián đoạn sản xuất cho doanh nghiệp.
Ông Alex Crane, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Knigh Frank
Tác động trực tiếp của việc di dời KCN Biên Hòa 1 đã được dự báo trước. Đối với doanh nghiệp, việc tìm địa điểm thay thế, thiết kế nhà máy mới và mua sắm máy móc mới (trong khi nhà máy hiện tại vẫn tiếp tục hoạt động) là một quá trình rất tốn kém. Khi chuyển đến địa điểm mới, nhà sản xuất cần hạ tầng hậu cần, tiếp cận nguồn lao động, chính sách xuất khẩu sản phẩm và bảo đảm nguồn năng lượng ổn định.
Đây là những thách thức rất lớn cho cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Do vậy, Chính phủ và địa phương xem xét các ưu đãi hoặc trợ cấp cho doanh nghiệp di dời.
Trong đó, có thể xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp di dời các khoản vay ưu đãi “xanh” hoặc tương tự để xây dựng các nhà máy mới đáp ứng với các tiêu chí về môi trường “xanh”.
Đương nhiên, sẽ mất một thời gian để có thể di dời và xây dựng lại chuỗi sản xuất. Điều quan trọng là phải vừa triển khai di dời, vừa khuyến khích được nhà sản xuất đầu tư, tái tạo nhà máy, vừa hỗ trợ những doanh nghiệp phải di dời.
Doanh nghiệp hy vọng được tiếp tục hoạt động trong môi trường tốt hơn, trong khi Chính phủ triển khai được kế hoạch xây dựng các khu đô thị mới, mang lại việc làm, nhà ở và giảm thiểu tác động đến môi trường. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng phải thực hiện để phát triển khu vực thành thị một cách bền vững. Hy vọng rằng, việc chuyển đổi công năng của KCN tiên phong này sẽ mang lại lợi ích cân bằng giữa doanh nghiệp di dời và chính quyền địa phương.
Ông Phạm Hồng Phú, Tổng giám đốc Casumina
Các doanh nghiệp trong KCN Biên Hòa 1 đều đồng ý với chủ trương di dời của Đồng Nai và mong muốn chính quyền tỉnh Đồng Nai đền bù thỏa đáng để doanh nghiệp không bị thiệt thòi.
Đối với Casumina, khi chọn KCN Biên Hòa 1 làm nơi đặt nhà máy, doanh nghiệp xác định sẽ làm ăn lâu dài, nên đầu tư máy móc, thiết bị. Sau thời gian hoạt động hơn 20 năm, hiện là thời điểm doanh nghiệp có lợi nhuận, nhưng lại phải di dời, nên ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất. Do vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh Đồng Nai hỗ trợ đền bù thỏa đáng để doanh nghiệp yên tâm di dời.
Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Công ty Luật TNHH HM&P
Việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 khiến doanh nghiệp hoạt động tại đây phải di dời giữa chừng, gây nên khó khăn và tốn kém chi phí rất lớn cho nhà đầu tư.
Từ câu chuyện di dời của KCN Biên Hòa 1, Nhà nước cần có những chính sách phù hợp, mang tầm nhìn lâu dài hơn trong quy hoạch KCN, khu kinh tế. Có thể thấy, việc phát triển KCN tất yếu sẽ dẫn đến sự phát triển của các khu đô thị lân cận. Đây là điều dễ hiểu, bởi nhu cầu được sinh sống gần nơi làm việc là chính đáng.
Do đó, để tránh tình trạng phải chuyển đổi công năng giữa chừng như KCN Biên Hòa 1, những KCN sau này cần được thực hiện với tầm nhìn dài hạn hơn và đặt tại những vị trí phù hợp. Trong đó, việc xây dựng các KCN mới cần chú ý đầu tư đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là vấn đề xử lý nước thải để đảm bảo môi trường, đồng thời bảo đảm để người lao động có thể dễ dàng di chuyển đến nơi làm việc.
Việc di dời KCN Biên Hòa 1 cần được xem xét như một nghiên cứu tình huống điển hình mà các cơ quan có thẩm quyền cần rút kinh nghiệm trong giai đoạn sắp tới, khi xây dựng Luật Khu công nghiệp, Khu kinh tế hoặc các văn bản pháp luật liên quan.