Theo thông tin từ UBND huyện Ba Chẽ, từ 8h ngày 26/12 đến hết ngày 27/12/2020, trên địa bàn huyện sẽ diễn ra 3 sự kiện lớn gồm: Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tịch lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà, Hội Trà hoa vàng huyện Ba Chẽ lần III, và Lễ hội Bàn Vương – năm 2020.
Trong đó, chương trình khai mạc Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần thứ III, đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông-Miếu Bà được diễn ra từ 19h40 - 21h30, ngày 26/12/2020, tại sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu Bà.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ba Chẽ cho biết: Trong khuôn khổ Hội Trà hoa vàng Ba Chẽ lần III có điểm mới là hoạt động công bố về công dụng của các hoạt chất có trong Trà hoa vàng. Các hoạt chất này do các chuyên gia Hà Lan cùng với Viện Công nghệ sinh học-Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam nghiên cứu và thực hiện công bố.
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Ba Chẽ thông tin về các sự kiện văn hoá, du lịch của huyện dịp cuối tháng 12/2020. |
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông – Miếu Bà trên địa bàn huyện Ba Chẽ là minh chứng của quá trình chinh phục tự nhiên khai phá vùng đất biên giới phía Bắc Tổ quốc, cũng như công cuộc chống giặc ngoại xâm gìn giữ non sông, bờ cõi của các thế hệ cha ông ta.
Miếu Ông nằm trên ngọn đồi thấp thuộc núi Cái Vồng Ông, được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), là nơi thờ Thành hoàng làng: Thần Tam Trĩ và những anh hùng dân tộc, những vị có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII. Đối diện với Miếu Ông bên kia sông là núi Cái Vồng Bà- nơi Miếu Bà tọa lạc, thờ Mẫu Thượng Ngàn (bà chúa của rừng xanh).
Di tích Miếu Ông tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguồn: baoquangninh.com.vn |
Lễ hội Bàn Vương là một nghi lễ quan trọng của người dân tộc Dao đã được phục dựng và lần đầu huyện tổ chức thành Lễ hội. “Việc tổ chức Lễ hội là một phần trong thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng’ ”, bà Vỹ cho biết.
Lễ hội Bàn Vương mang chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển”, được diễn ra từ từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, ngày 27/12/2020, tại Miếu thờ Bàn Vương và Sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu.
Điểm nhấn của lễ hội này là nghi thức “Hành trình vượt biển” đi từ khu vực Miếu Ông về đến bến thuyền thôn Sơn Hải. mới trên 12 con thuyền tượng trưng cho 12 dòng họ của người Dao…đến lập nghiệp tại vùng đất mới. Nghi lễ tưởng niệm ông tổ Bàn Vương – thủy tổ của người Dao; Trình diễn các nghi lễ đặc sắc của người Dao (lễ nhảy lửa, lễ đón dâu, lễ đăt tên…) và chương trình giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ do các nghệ nhân, nam thanh, nữ tú của các nhánh Dao, ngành Dao thể hiện sẽ tạo nên một lễ hội đầy mầu sắc về trang phục như một lời chào, mời gọi các nhà đầu tư và du khách hãy đến với Ba Chẽ - một vùng đất với khát vọng đi lên đầy hứa hẹn.
Trong khuôn khổ của chương trình còn diễn ra các hoạt động như: Trưng bày cây Trà Hoa Vàng đang ra hoa chính vụ từ ngày 26/12 đến hết ngày 27/12/2020, tại Sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu Bà, trụ sở Huyện ủy – HĐND - UBND huyện Ba Chẽ, Miếu Bàn Vương. Ngoài ra du khách có thể đến thăm các vườn Trà hoa vàng trên địa bàn Thị trấn Ba Chẽ, xã Đồn Đạc, Thanh Sơn và Đạp Thanh.
Du khách đến với huyện Ba Chẽ dịp này còn được tham quan và mua sắm tại khu vực trưng bày giao lưu các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc hữu của địa phương. 25 gian hàng trưng bày được đặt tại sân tổ chức Lễ hội của Di tích Miếu Ông- Miếu Bà. Du khách khi thăm quan các gian hàng ngoài việc được mua sắm các sản phẩm OCOP, còn được dùng thử các sản phẩm từ cây Trà hoa vàng Ba Chẽ và một số sản phẩm đặc trưng của các địa phương, tham quan bằng thuyền trên sông Ba Chẽ, ngắm các cảnh đẹp trên sông như đảo Nu Tôn Chuông...