Giá mua điện sẽ giảm mạnh
Công ty Mua bán điện (EPTC) vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc tính toán khung giá phát điện nhập khẩu từ Lào.
Theo đề xuất của EPTC, thì mức giá mới cho điện gió sau năm 2025 sẽ là 5,51 UScent/kWh. Con số này giảm mạnh so với mức giá trần 6,95 UScent/kWh đang áp dụng cho một số dự án bán điện trước khi bước sang năm 2026.
Căn cứ để tính toán giá điện này của EPTC dựa trên một báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) vào năm 2022. Trong báo cáo này nêu suất đầu tư đối với loại hình nhà máy điện gió giảm 3,46%/năm.
Cũng cần nhắc lại là đầu năm 2023, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT, quy định giá trần của khung giá phát điện áp dụng cho các dự án điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh (tương đương 6,42 UScents/kWh - theo tỷ giá 24.730 đồng/USD cuối tháng 10/2023).
Theo đó, việc EPTC đưa ra những căn cứ để mức giá trần mua điện gió từ Lào sau năm 2025 giảm mạnh so với trước cũng là dễ hiểu, nhất là trong bối cảnh việc rà soát về điều kiện để các dự án điện gió nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung được hưởng giá tốt vẫn chưa đến hồi kết.
Lẽ dĩ nhiên, đề xuất về mức giá mua điện gió từ Lào sau năm 2025 giảm mạnh, ngay lập tức được các nhà đầu tư rất quan tâm, bởi nhiều dự án đã lên kế hoạch triển khai để bán điện về Việt Nam trong thời gian tới.
Để nhập khẩu điện gió từ Lào, EVN đề nghị Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch Điện VIII và Kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII các công trình lưới điện liên kết phục vụ đấu nối nhập khẩu điện ở khu vực Quảng Trị.
Cụ thể, bổ sung đường dây 220 kV mạch kép từ biên giới về Trạm biến áp 220 kV Lao Bảo, tiến độ hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2025 và sẽ chuyển đấu nối về Trạm biến áp 500 kV Lao Bảo (Hướng Hóa) sau khi Trạm biến áp 500 kV đi vào vận hành.
Triển khai đường dây 500 kV mạch kép từ biên giới về Trạm biến áp 500 kV Lao Bảo (Hướng Hóa), tiến độ triển khai 2026 - 2030 (thay cho cụm Nhà máy điện Xebanghieng - 500 kV Lao Bảo được phê duyệt trong Quy hoạch Điện VIII).
Thống kê của EVN cho hay, tính đến hết tháng 10/2023, EVN nhận được đề xuất bán điện từ các dự án điện gió đầu tư tại Lào về riêng khu vực tỉnh Quảng Trị với tổng công suất 4.149 MW. Thậm chí, nhiều dự án điện gió tại Lào đang đề nghị được chủ động đầu tư đường truyền tải tới điểm đấu nối của phía Việt Nam.
Chẳng hạn, Dự án Nhà máy Điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW tại tỉnh Bolikhamxay, kế hoạch vận hành vào quý IV/2025, sẵn sàng đầu tư bằng nguồn vốn tự có của Dự án để làm đường dây 220 kV mạch kép, với chiều dài 75 km đấu nối vào ngăn lộ 220 kV tại Trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An).
Hay cụm Nhà máy Điện gió Savan 1&2 đặt tại Savannakhet, quy mô công suất 2 x 495 MW, do Công ty Vinacom Invest and Trading đầu tư, cũng đề nghị Bộ Công thương giao đầu tư toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ cụm Nhà máy Điện gió Savan vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây 220 kV từ biên giới Lào - Việt Nam về trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa và các ngăn lộ 220 kV phục vụ đấu nối.
Tại Dự án Điện gió AMI Savannakhet quy mô 187,2 MW của Công ty Ami Renewable, nhà đầu tư đề nghị tự đầu tư toàn bộ công trình lưới điện phục vụ đấu nối vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây từ biên giới Lào - Việt Nam về trạm 500 kV Hướng Hóa.
Đối với Dự án Điện gió RT Savannakhet V1 (880 MW) của Công ty RT Energy Pte.Ltd và Dự án Điện gió Saravane ARL1 (380 MW) của Công ty Adani Renewable, để đáp ứng tiến độ về đích (quý IV/2025), nhà đầu tư cũng đề xuất tự đầu tư xây dựng toàn tuyến đường dây 500 kV từ Xebahieng đến trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa, gồm cả phần trên lãnh thổ Việt Nam (khoảng 20 km)…
Gió có lặng?
Trước thông tin giá mua điện gió giảm từ năm 2026, theo chuyên gia năng lượng Phan Xuân Dương, nếu không kịp về đích trước ngày 1/1/2026 để có cơ hội hưởng giá điện với trần ở mức 6,95 UScent/kWh, thì “sẽ là thách thức cho các nhà đầu tư khi giá điện giảm như đề xuất mới đây của EPTC”.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đ.L., người đang tham gia đầu tư một số dự án điện gió tại Lào cho hay, nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư đường truyền tải về đến trạm đấu nối của Việt Nam là bởi nhìn thấy cơ hội kiếm tiền nếu tính giá trần 6,95 UScent/kWh và được bao tiêu điện trong 20 năm.
“Ở các khu vực làm điện gió, tốc độ gió trên 7,5 m/s đã là tốt rồi. Riêng khu vực Savan khá tốt, tốc độ trên 8 m/s và đều, nên hiệu suất lên tới 40-48%. Như vậy, mỗi năm, các dự án điện gió ở đây có thể vận hành được 3.800-4.200 giờ, là mức rất tốt”, ông Đ.L. chia sẻ.
Ngoài ra, chi phí đầu tư điện gió cũng không còn cao “ngất ngưởng” như trước, nhất là với thiết bị đến từ Trung Quốc.
Theo một số nhà đầu tư làm điện gió, giai đoạn 2019-2020, giá thiết bị điện gió đến từ các nước châu Âu lúc cao nhất được chào khoảng 1 triệu USD/MW, khi rẻ cũng khoảng 870.000 USD/MW. Ngay cả thiết bị của một số hãng Trung Quốc ở giai đoạn cao điểm để về đích hưởng giá FIT trước ngày 1/11/2021 cũng là 600.000 USD/MW.
Nhưng từ cuối năm 2023, nhiều dự án điện gió tại Lào đã nhận được lời chào mời của các nhà cung cấp thiết bị điện gió đến từ Trung Quốc với mức chỉ khoảng 380.000 USD/MW. Không những vậy, nhà cung cấp thiết bị còn chào các điều kiện kèm theo rất hấp dẫn như: chỉ cần đặt cọc 15%, đến lúc lấy hàng trả tiếp 10% nữa và sẵn sàng cho trả chậm trong 2 năm với lãi suất rất thấp.
Vì thế, chuyện nhà đầu tư chủ động xin làm đường truyền tải để nhanh về đích trước khi bước sang năm 2026 là có thể hiểu được.
Nói về câu chuyện giá điện gió được EPTC đề xuất giảm gần đây, ông Đ.L cũng cho hay, mức này thì vẫn có những doanh nghiệp làm được, nhưng phải có điều kiện đi kèm. Đó là tỷ lệ vốn tự có/vốn vay thấp nhất cũng phải là 40/60. Nếu vốn tự có cao hơn nữa thì càng tốt và làm ăn bài bản.
“Những chủ đầu tư định chơi bài tay không bắt giặc, mỡ nó rán nó, hoặc chỉ theo kiểu bỏ tiền chạy dự án rồi nâng giá hợp đồng EPC để vay được nhiều, sau đó bán dự án, sống chết kệ người mua sau sẽ không dễ tham gia”, ông Đ.L nói.
Cũng theo đánh giá của Bộ Công thương, khi nhập khẩu điện gió từ Lào, phía Việt Nam sẽ giảm được nguồn vốn cần đầu tư ban đầu, cũng như không phải có giải pháp giảm thiểu tác động môi trường đối với địa điểm dự án, nhưng ở khía cạnh khác, việc gia tăng mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo như điện gió được cho là gây áp lực cho hệ thống điện trong quá trình vận hành.