Sáng 7/12, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND Thành phố Hà Nội khóa XVI, UBND Thành phố Hà Nội đã trình tờ trình đề xuất điều chỉnh một số nội dung về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách Thành phố.
Đề xuất điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế công chức
Trình bày Tờ trình về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách; định mức phân bổ ngân sách Thành phố Hà Nội và tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2023-2025, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu cho biết: Tại Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hà Nội về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực kinh tế-xã hội trên địa bàn Hà Nội quy định phân cấp đầu tư và quản lý sau đầu tư 8 lĩnh vực tăng thêm cho cấp huyện;
Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 20 quy định, UBND Thành phố Hà Nội tập trung hoàn thiện, báo cáo và trình HĐND Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách của Thành phố Hà Nội đảm bảo phù hợp quy định, nhiệm vụ phân cấp quản lý Nhà nước trên địa bàn.
Khảo sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND Thành phố Hà Nội về phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách trên địa bàn Thành phố Hà Nội chobiết, qua hơn 9 tháng thực hiện, về cơ bản phân cấp đã tạo sự chủ động cho các cấp ngân sách triển khai kịp thời các nhiệm vụ phát sinh trên địa bàn theo phân cấp. Tuy nhiên, có một số quận, huyện đề xuất tăng phân cấp nguồn thu tương ứng với nhiệm vụ chi cho cấp huyện, xã để đảm bảo cân đối.
Do đó, việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách và định mức phân bổ ngân sách là cần thiết để tạo sự chủ động và đảm bảo nguồn lực cho các cấp chính quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã được phân quyền, phân cấp; chịu trách nhiệm trong phạm vi được phân quyền, phân cấp.
Tại Tờ trình, trên cơ sở số liệu kinh phí thực hiện của các sở chuyên ngành năm 2022, xác định dự toán chi cân đối năm 2023 tăng thêm của từng quận, huyện.
Về các tiêu chí, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất giữ nguyên 4 tiêu chí chính và 6 tiêu chí bổ sung để tính định mức phân bổ đầu tư xây dựng cơ bản cho cấp huyện trong giai đoạn 2023-2025 tương tự như các tiêu chí trong định mức năm 2022.
Liên quan đến định mức phân bổ chi thường xuyên, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất giữ nguyên các định mức quy định tại Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND. Đồng thời, căn cứ kiến nghị của một số Sở, ngành và quận, huyện việc thực hiện định mức chi hoạt động thường xuyên còn có một số nội dung chưa phù hợp tình hình thực tế, do đó, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.
Đề xuất tăng định mức chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế cán bộ, công chức thêm 14 triệu đồng/người/năm
Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế công chức chia thành các bậc khác nhau theo tiêu chí quy mô biên chế với bậc đầu tiên là 30 biên chế trở xuống (đã được điều chỉnh tăng theo dự kiến tăng chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn 2023 – 2025, cập nhật bổ sung chế độ, chính sách mới ban hành năm 2022 và đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vi, tạo nguồn thực hiện tăng thu nhập cho cán bộ công chức).
Đối với biên chế dưới 30 tăng thêm 16 triệu đồng; Đối với biên chế từ 30 đến dưới 50 tăng thêm 14 triệu đồng; Đối với biên chế từ 50 đến dưới 100 tăng thêm 12 triệu đồng; Đối với biên chế từ 100 đến dưới 200 tăng thêm 10 triệu đồng.
Bổ sung định mức phân bổ dự toán chi hoạt động thường xuyên đối với các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành, phục vụ được cấp có thẩm quyền giao (định mức bao gồm chi tiền lương, tiền công lao động và chi hoạt động thường xuyên).
Trong đó, chi tiền lương, tiền công lao động và các khoản đóng góp theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn...) được xác định trên cơ sở bình quân mức lương hiện hưởng của các cơ quan, đơn vị;
Chi hoạt động thường xuyên được tính toán, xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi khác của đối tượng là công chức loại trừ một số nội dung chi phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Về định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách cấp quận, huyện, thị xã tương tự như đối với cấp Thànhphố, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh tăng định mức chỉ hoạt động thường xuyên đối với biên chế công chức thêm 14 triệu đồng;
Bổ sung thêm định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các đối tượng hợp đồng lao động làm công việc thừa hành, phục vụ được cấp có thẩm quyền giao.
Điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn thêm 14 triệu đồng/người/năm.
Đối với định mức phân bổ cho sự nghiệp quốc phòng, an ninh, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh định mức phân bổ ngân sách cho các quận, huyện, thị xã có số dân từ 200.000 người trở lên. Đối với khu vực đô thị là 58.000 đồng/người/năm (tăng 12.000 đồng/người/năm); khu vực còn lại 38.000 đồng/người/năm (tăng 4.000 đồng/người/năm).
Đối với định mức chi an ninh, điều chỉnh định mức phân bổ ngân sách cho các quận, huyện, thị xã có số dân từ 200.000 người trở lên, đối với khu vực đô thị là 41.000 đồng/người/năm (tăng 10.000 đồng/người/năm); khu vực còn lại 32.000 đồng/người/năm (tăng 3.000 đồng/người/năm).
Theo báo cáo đề xuất của UBND thị xã Sơn Tây, trên địa thị xã có nhiều đơn vị quân đội đóng quân (khoảng 50.000 người), quân số này lại không được xác định trong niên giám thống kê địa bàn.
Tuy nhiên, Thị xã vẫn phải bố trí ngân sách để thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến các đơn vị quân đội (như bảo vệ môi trường, an ninh trật tự...).
Do đó, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất tính tăng thêm 20% so với các định mức phân bổ theo dân số đối với các địa bàn có nhiều đơn vị quân đội đóng quân (trên 40.000 người).
Về định mức chi thường xuyên ngân sách xã, thị trấn, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất tăng định mức chi thường xuyên khác ngân sách xã, thị trấn bậc 1 (đối với các xã, thị trấn có dân số dưới 5.000 dân) từ 260.000 đồng lên 300.000 đồng để đảm bảo các chế độ đối với lực lượng dân 260.000 đồng lên 300.000 đồng để đảm bảo các chế độ đối với lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và các hoạt động sự nghiệp khác theo phân cấp.
Tương tự như cấp Thành phố và cấp huyện, điều chỉnh tăng định mức chi hoạt động thường xuyên đối với biên chế cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn thêm 14 triệu đồng/người/năm.
Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của một số quận, huyện, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh tỷ lệ điều tiết một số khoản thu phân chia như sau:
Về tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất đề xuất nâng tỷ lệ điều tiết khoản thu đấu giá quyền sử dụng đất do quận, huyện tổ chức đấu giá và giao đất có thu tiền sử dụng đất cho các huyện (trừ 5 huyện có đề án lên quận gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng) từ 70% lên 100% và các quận từ 35% lên 40%; các khoản thu tiền sử dụng đất còn lại giữ nguyên theo Nghị quyết số 28/NQ-HĐND.
Về điều tiết khoản thu thuế thu nhập cá nhân: Đối với 5 huyện có đề án lên quận được phân chia thuế thu nhập cá nhân nộp thông qua các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
UBND Thành phố Hà Nội đề xuất phân chia do Cục thuế Hà Nội, Cục Thuế doanh nghiệp lớn và Chi cục thuế quản lý thu. Đối với quận, huyện còn lại được phân chia thuế thu nhập cá nhân do Chi cục Thuế quản lý thu.
Đối với các khoản thu phân chia (thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền và các loại tài sản khác) được xác định cụ thể trên cơ sở tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương phân chia cho Thành phố Hà Nội được hưởng và dự toán thu, chi của từng quận, huyện để đảm bảo cân đối ngân sách với tỷ lệ tối đa không quá tỷ lệ Quốc hội quy định cho Thành phố Hà Nội.
Tại Kỳ họp, Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất cao và đề nghị HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết sau khi UBND Thành phố Hà Nội điều chỉnh, bổ sung các nội dung theo ý kiến thẩm tra của Ban nêu trên (nếu được HĐND Thành phố Hà Nội thống nhất) và theo ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội tại Kỳ họp này.