Lúc khó khăn, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn, chứ không thể vừa lo rủi ro thị trường, vừa lo rủi ro chính sách. |
Kêu cứu khẩn cấp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lại nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp, lần này là từ một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất ống đồng điều hòa phục vụ ngành lạnh.
Trong đơn kêu cứu khẩn cấp gửi ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Tổng giám đốc doanh nghiệp này viết: “Với tỷ suất lợi nhuận khoảng 1% trên doanh thu, việc áp thuế xuất khẩu 5% trực tiếp đóng cánh cửa xuất khẩu của Công ty, khiến doanh nghiệp đang rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản… Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều nơi (Bộ Tài chính, Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan), nhưng đến nay chưa nhận được thông tin phản hồi chính thống nào về việc này”.
Tình cảnh mà người đứng đầu doanh nghiệp buộc phải nhắc đến là, sản lượng sụt giảm nghiêm trọng, đến trên 50%, số lượng nhân sự cắt giảm cũng khoảng 50%, nợ ngân hàng chuẩn bị đến hạn… Lý do là, mức thuế xuất khẩu ống đồng đã tăng từ 0% lên 5% theo quy định tại Nghị định 57/2020/NĐ-CP.
Cũng phải nhắc lại, khi thảo luận sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu vào năm ngoái, Tổng cục Hải quan cũng đưa ra quan điểm, biểu thuế đã phù hợp với nguyên tắc thuế suất thuế xuất khẩu tăng dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô. Nếu đồng nguyên liệu như quặng đồng có mức thuế suất là 40%, thì đồng ở dạng thanh, que có thuế suất 5%, các loại ống và ống dẫn bằng đồng… hưởng mức 0%.
Sự thay đổi mức thuế suất trong Biểu thuế xuất khẩu mới được lý giải là để chấm dứt hiện tượng lợi dụng để chuyển đổi đồng nguyên liệu thành sản phẩm đơn giản bằng đồng, với bản chất là xuất nguyên liệu, song được hưởng thuế suất thấp hơn. Thực tế, một số mặt hàng như ống dẫn, ống đồng, dây đồng, đồng ở dạng thanh, que đều là các sản phẩm yêu cầu gia công đơn giản, chi phí thấp, giá trị gia tăng không lớn…
Bình luận về nhận định này, vị tổng giám đốc cho rằng, doanh nghiệp của ông đã đầu tư hơn 700 tỷ đồng để xây dựng và vận hành hai nhà máy, chi phí để sản xuất ra sản phẩm lên tới hàng ngàn USD/tấn, không phải là sản phẩm đơn giản, chi phí thấp, giá trị gia tăng không lớn.
“Công ty nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài với tỷ trọng chiếm trên 80% tổng lượng nguyên liệu sản xuất. Năm 2019 và các tháng đầu năm 2020, tỷ trọng này còn lên tới gần 90%. Trong khi đó, tỷ lệ xuất khẩu của Công ty khoảng 70%. Điều này khẳng định Công ty không dùng nguyên liệu sản xuất trong nước để xuất khẩu”, ông này giải trình trong thư gửi VCCI.
Nhưng các con số trên không đến được Ban soạn thảo sửa đổi Biểu thuế xuất khẩu, vì mãi đến khi Nghị định 57/2020/NĐ-CP có hiệu lực ngày 10/7/2020, Công ty mới biết về sự thay đổi của biểu thuế.
Hơn thế, trong số các nhà sản xuất ống đồng điều hòa phục vụ ngành lạnh của Việt Nam, phần lớn là các doanh nghiệp có vốn trực tiếp nước ngoài, hoạt động trong khu chế xuất, được hưởng chính sách miễn thuế xuất khẩu, nên doanh nghiệp nội 100% đang rơi vào thế đơn độc do tác động bất lợi khi một chính sách thuế thay đổi.
Doanh nghiệp cần được an tâm
Các doanh nghiệp trong ngành thép không gỉ vừa gửi thư cám ơn tới Văn phòng Chính phủ và VCCI, những nơi đã cùng doanh nghiệp tìm phương án giải quyết khi hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất của họ bị ngưng trệ do tác động tiêu cực của Thông tư 15/2019/TT-BKHCN ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ (QCVN20:2009/BKHCN). Bộ Khoa học và Công nghệ đã chấp nhận lùi hiệu lực của Thông tư đến ngày 31/12/2021 để có đánh giá cẩn trọng hơn.
Ông Trần Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Inox Hòa Bình
Trong thư, các doanh nghiệp đã viết: “Việc này thực sự có ý nghĩa lớn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của những doanh nghiệp ngành thép không gỉ chúng tôi, bước đầu giúp chúng tôi giải tỏa được những khó khăn, vướng mắc do một số nội dung quy định của Thông tư 15 mang lại, giúp chúng tôi tiếp tục dồn mọi nguồn lực để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Dù phải đợi đến ngày 23/9, các doanh nghiệp mới được thông quan các lô hàng thép không gỉ không bị giới hạn bởi QCVN20:2009/BKHCN, nhưng họ đã nhìn thấy lộ trình phía trước.
Quan trọng là, theo ông Trần Việt Cường, Phó tổng giám đốc Công ty Inox Hòa Bình, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong tham gia ý kiến vào các văn bản có liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình, để tiên liệu sự thay đổi của chính sách.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, lúc khó khăn này, doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn, chứ không thể vừa lo rủi ro thị trường, vừa lo rủi ro chính sách. “Nhưng thực tế là, nửa đầu năm 2020, do tác động của Covid-19, việc triển khai thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh có phần chững lại. Các giải pháp về cải cách quy định, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có xu hướng chậm lại và ít được quan tâm, chú ý”, bà Thảo lo ngại.
Khuyến nghị về định hướng cải cách môi trường kinh doanh tại Tọa đàm đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam, bà Thảo cho rằng, mục tiêu phải đạt được vẫn là thúc đẩy tự do kinh doanh, đảm bảo an toàn kinh doanh.
“Cải cách môi trường kinh doanh không chỉ là giảm chi phí kinh doanh, mà còn phải được kinh doanh an toàn, trong môi trường chính sách minh bạch, tiên liệu được”, bà Thảo nói.