Doanh nghiệp
Môi trường kinh doanh và cam kết không đẩy khó cho doanh nghiệp
Khánh Linh - 01/01/2020 09:06
Môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2020 sẽ có những thay đổi tích cực và quan trọng là thực chất. Chính phủ đã đặt ra những yêu cầu cụ thể để đảm bảo việc này. Cộng đồng kinh doanh đang chờ đợi để không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào.
TIN LIÊN QUAN
Trong quý I/2020, các bộ, cơ quan ngang bộ phải hoàn thành việc công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá...

1. Những ngày đầu năm 2020, công chức nhiều bộ, ngành có thể sẽ không có thời gian thả lỏng, ngay cả khi Tết Canh Tý rất cận kề.

Trong quý I/2020, việc cập nhật và công bố các thủ tục hành chính liên quan đến cấp các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; công khai bảng so sánh các điều kiện kinh doanh trước và sau khi bãi bỏ, đơn giản hoá phải hoàn tất.  Để làm được việc này, họ sẽ phải rà soát và gọi tên từng điều kiện kinh doanh, từng thủ tục hành chính đã thay đổi, trên cơ sở đó công khai trên cổng thông tin của các bộ, ngành.

Đây là yêu cầu mới trong Nghị quyết 02/2020/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 được Chính phủ ban hành ngay ngày đầu tiên của năm mới 2020.

“Tôi mừng vì Chính phủ đã chấp nhận đề xuất này, đưa vào Nghị quyết. Bức tranh đầy đủ về điều kiện kinh doanh sẽ có trong quý I này”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) hồ hởi.

Lâu nay, câu hỏi việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính có thực chất không luôn được đặt ra, nhưng hầu như không có câu trả lời thỏa đáng. CIEM trong vai trò là cơ quan được giao nhiệm vụ đầu mối tổng hợp tình hình thực hiện các nghị quyết về môi trường kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tìm kiếm, công bố, nhưng thường bị rơi vào thế đối đầu với các bộ, ngành khi không tính cách cắt giảm số lượng nhân sự hay giảm quy mô cơ sở vật chất mà nhiều bộ, ngành thực hiện là đạt yêu cầu. 

Ngay trong cuộc họp lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết 02 cách đây vài tuần, đại diện của Bộ Tài chính đã không đồng tình việc đưa nhiệm vụ bãi bỏ yêu cầu về tài khoản ngân hàng khi thực hiện đăng ký kinh doanh vào phần việc của bộ mình. Lý do là Bộ Tài chính không có văn bản nào quy định như vậy.

Vấn đề là khi thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh, đây là yêu cầu phải có. Thậm chí, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách phối hợp với các ngân hàng, cho phép doanh nghiệp chọn ngân hàng để đăng ký tài khoản ngay khi nộp hồ sơ.

“Thực tế đang diễn ra như vậy. Nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước là phải tìm ra quy định này ở đâu, cấp nào quy định để có giải pháp bãi bỏ, chứ không thể nói là không ban hành thì không động đến. Yêu cầu này sẽ buộc các cơ quan liên quan phải rà soát tổng thể hệ thống văn bản để đạt mục tiêu cuối cùng là không còn thủ tục trên trong thực tế. Đây chính là cách mà Nghị quyết 02/2020/NQ-CP thúc đẩy các bộ, ngành vào cuộc thực chất”, bà Thảo chia sẻ quan điểm.

Cũng phải nói thêm, lần đầu tiên, Nghị quyết 02/2020/NQ-CP xác định cải cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh là một trong 7 nhóm nhiệm vụ Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương.

Cùng yêu cầu công khai bảng so sánh trên, các bộ, ngành phải nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật sửa đổi các luật có liên quan để bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt. Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tăng cường chất lượng thẩm định ban hành điều kiện đầu tư, kinh doanh trong quá trình thẩm tra các dự thảo luật, nghị định bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư và các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Chủ tịch UBND các tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo thực thi đúng, đầy đủ những quy định đơn giản hóa về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh...

2. Có thể cũng sẽ không có khoảng thời gian nào để các công chức và lãnh đạo các bộ, ngành nghỉ ngơi trong năm nay, nhất là khi những nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 02/2019/NQ-CP tiếp tục được yêu cầu thực hiện đầy đủ, hiệu quả.

Mục tiêu vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh vẫn đang ở phía trước. Theo Xếp hạng Năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đang ở vị trí thứ 6 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines. Trong Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

Bởi, trong vài năm qua, các quốc gia này đã tăng tốc rất nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Malaysia hai năm gần đây tăng 12 bậc; Thái Lan tăng 26 bậc trong 3 năm liên tiếp; Philippines tăng 29 bậc năm 2019...

Trong khi đó, khi phân tích kết quả khảo sát việc thực hiện Nghị quyết 02/2019/NQ-CP,  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhận thấy sự cải cách không đồng đều trong các lĩnh vực.

“Nói cách khác, có cơ quan rất nỗ lực cải cách thực chất, nhưng cũng có  nơi thực hiện một cách đối phó, hình thức”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) nói.

Những nhận định trên là tương đồng với đánh giá về Việt Nam của WB trong 13 báo cáo về môi trường kinh doanh gần đây, từ 2009 đến 2020. Theo đó, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Hai năm có nhiều cải cách nhất là 2016 và 2018 với 5 cải cách mỗi năm. Gần đây nhất, Báo cáo Môi trường kinh doanh 2020 chỉ ghi nhận cải cách duy nhất của Việt Nam ở lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng. Lĩnh vực đăng ký tài sản (đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất) của Việt Nam không có cải cách nào trong 13 năm qua. Các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thương mại qua biên giới đang ở thứ hạng thấp.

Đặc biệt,  trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật năm 2009, VCCI tiếp tục nhắc tới 25 điểm chồng chéo, thiếu nhất quán liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư, tập trung tại các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, khoáng sản, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước...

“Những thông tin này không mới, chúng tôi đã phát hiện ra khi thực hiện đánh giá thực hiện các phiên bản nghị quyết 19 trước đó.  Điều đáng nói là sự chồng chéo này tạo ra rủi ro lớn cho doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp  nhiều khi từ hợp pháp sẽ thành vi phạm, tùy theo áp dụng văn bản pháp luật nào”, ông Tuấn phân tích.

Rõ ràng, dư địa cải cách còn nhiều, nhưng sẽ không có kết quả khi các bộ, ngành, địa phương không cùng vào cuộc và cùng chung mục tiêu cải cách. Đặc biệt, những đòi hỏi cải cách không chỉ giới hạn ở thông tư, nghị định mà còn ở các văn bản luật,  pháp lệnh...

3. 3 ngày sau Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019, ngày 26/12/2019, giám đốc một doanh nghiệp (xin giấu tên) quyết định ký và gửi đơn kiến nghị đến Chi cục thuế một quận ở Hà Nội, để tìm cách bảo vệ mình.

“Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có mắc bệnh thờ ơ trong việc phát triển này. Thủ tướng đã nhấn mạnh như vậy và chúng tôi tin vào cam kết này”, vị giám đốc doanh nghiệp nói.

Trong thông báo của Chi cục thuế quận gửi cho doanh nghiệp, họ đang bị nêu tên trong nhóm nợ thuế. Tuy nhiên, theo doanh nghiệp, đây là lỗi do việc chuyển đổi hệ thống quản lý của Chi cục thuế vào năm 2015, dẫn đến tình trạng dữ liệu của bộ phận quản lý nợ không chính xác.

“Ngay từ thời điểm đó, chúng tôi đã được hướng dẫn thực hiện đối chiếu với bộ phận quản lý nợ và công việc vẫn đang được tiến hành Trong 3 năm qua, 3 lần đoàn kiểm tra liên ngành đến làm việc tại doanh nghiệp, quan điểm thống nhất là phải làm đối chiếu số liệu trước khi kết luận nợ thuế. Chúng tôi kiến nghị Chi cục thuế quận không xếp doanh nghiệp vào diện nợ thuế khi chưa làm rõ cơ sở phát sinh số liệu tại bộ phận quản lý nợ”, doanh nghiệp viết trong đơn.

Phải nói rõ, khi bị đưa vào diện nợ thuế, cho dù vì bất cứ lý do gì, doanh nghiệp bị treo trên đầu các biện pháp cưỡng chế và hệ lụy của nỗi khổ này sẽ kéo dài rất lâu, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động bình thường của doanh nghiệp.

“Chúng tôi cần môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng, nhất quán giữa các bộ, ngành cũng như các công chức, để tin chắc mình được bảo vệ. Khi đó, sẽ không có lý do gì cản trở doanh nghiệp bước ra ánh sáng, cản trở doanh nghiệp làm lớn. Chúng tôi vẫn đang chờ đợi điều này”, vị giám đốc giấu tên thừa nhận.

Một số nhiệm vụ cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh:

- Bộ Tài chính trong Quý I/2020 kiến nghị sửa đổi Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài; đẩy mạnh việc sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu bãi bỏ quy định yêu cầu về tài khoản ngân hàng khi thực hiện đăng ký kinh doanh.

- Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng Hệ thống thông tin khai trình lao động trực tuyến kết nối với Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) theo hướng bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục không cần thiết, không phù hợp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí gia nhập thị trường.

Nguồn: Nghị quyết 02/2020/NQ-CP
Tin liên quan
Tin khác