Doanh nhân
Định giá phù hợp để gọi vốn thành công
Đức Thọ - 02/12/2022 16:20
Muốn gọi vốn thành công, start-up cần “biết mình, biết ta”, nắm vững các phương pháp để định giá phù hợp, tránh đưa ra mức giá “trên trời”.

Định giá quá cao là một trong những lý do khiến start-up gặp thất bại khi đi gọi vốn. 

Quỹ đầu tư Thinkzone Ventures chia sẻ ba phương pháp định giá phổ biến tại Việt Nam để các start-up có thêm kinh nghiệm khi gọi vốn.

Thứ nhất, định giá theo tài sản. Với phương pháp này, nhà đầu tư nhìn vào giá trị của tổng số tài sản mà công ty đã và đang sở hữu, bao gồm: vốn góp của các nhà sáng lập, các tài sản cố định và một số dạng tài sản khác.

Đây là phương pháp định giá dựa trên quá khứ, nhìn vào tổng giá trị tài sản đã được đổ vào công ty. Con số định giá vì thế không thể chính xác, vì chưa tính bất kỳ tiềm năng nào của công ty trong tương lai. Ngoài ra, start-up công nghệ thường không có nhiều tài sản cố định, nên phương pháp này thường không phù hợp để định giá, bởi con số thu được sẽ cực kỳ thấp, không phản ánh chính xác giá trị công ty.

Thứ hai, phương pháp so sánh. Trong phương pháp này, start-up tìm một công ty tương tự doanh nghiệp của mình, rồi lấy giá trị của công ty đó làm “thước đo” cho việc định giá. Một vài chỉ số sẽ được lấy ra so sánh, như Chỉ số Người dùng tích cực, Tổng giá trị hàng hóa bán ra hay Doanh thu định kì hàng tháng...

Ví dụ, start-up X và start-up Y có mô hình kinh doanh và sản phẩm tương tự nhau. Start-up X được định giá 4 triệu USD (tại vòng gọi vốn gần nhất) và có 50.000 người dùng tích cực. Start-up Y có 100.000 người dùng tích cực, so sánh theo Chỉ số Người dùng tích cực, ta được định giá của Y là 8 triệu USD.

Phương pháp so sánh giải quyết được vấn đề của phương pháp định giá theo tài sản (chưa cân nhắc tiềm năng tương lai), bởi dựa trên điểm chuẩn của các công ty đi trước, đã được chứng minh bởi thị trường. Phương pháp này cũng mang tính thuyết phục cao, đơn giản, dễ hiểu, không dựa vào tính toán phức tạp và tránh được các thủ thuật gian lận khi định giá.

Tuy nhiên, phương pháp so sánh cũng có một số điểm hạn chế, như các công ty không thực sự giống nhau hoàn toàn, nên định giá thu được thường chỉ là tương đối. Nếu start-up là mô hình đầu tiên trên thị trường, sẽ không có công ty tương tự để so sánh. Trong một số trường hợp, nếu thị trường đang trong tình trạng “bong bóng” (định giá cao hơn giá trị thực), thì định giá của start-up cũng sẽ như vậy.

Thứ ba, phương pháp dòng tiền chiết khấu. Đây là phương pháp định giá doanh nghiệp thông qua việc dự báo dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp đó, rồi chiết khấu về thời điểm hiện tại, với giả định rằng, giá trị của doanh nghiệp bằng tổng giá trị hiện tại của dòng tiền mà doanh nghiệp đó kỳ vọng tạo ra trong tương lai.

Trong phương pháp này, công thức tính toán được xây dựng chặt chẽ dựa trên tình hình tài chính doanh nghiệp, nên con số thu được sẽ có cơ sở hơn, dễ thuyết phục được cả start-up và nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, việc dự báo dòng tiền rất khó, bởi nhiều start-up Việt Nam không làm báo cáo tài chính chuẩn chỉnh. Chưa kể, hầu hết start-up ở giai đoạn đầu đều có dòng tiền rất thấp, thậm chí chưa có doanh thu, nên mức định giá thu được từ phương pháp này thường rất nhỏ. Ngoài ra, việc dự báo cũng không hề dễ dàng, bởi không ai có thể dự báo chính xác những số liệu như tỷ lệ lạm phát, khủng hoảng tài chính, hay dịch bệnh, như đại dịch Covid-19.

Theo Thinkzone Ventures, phương pháp so sánh đang được sử dụng phổ biến nhất ở Việt Nam, bởi hầu hết start-up Việt đang ở giai đoạn đầu.

Khi định giá start-up, nhà đầu tư thường định giá bằng nhiều phương pháp, từ đó thu được những con số khác nhau, giúp họ “khoanh vùng” được giá trị của doanh nghiệp nằm trong khoảng nào. Cuộc thương thảo giữa đội ngũ sáng lập với nhà đầu tư sẽ “chốt” con số cuối cùng.

Tin liên quan
Tin khác