Các khu công nghiệp xanh ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Trong ảnh: Khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) |
Tầm quan trọng của các khu công nghiệp xanh
Việt Nam đang ở trong giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển công nghiệp. Trong bối cảnh thế giới đối mặt với những thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, Việt Nam đang rất nỗ lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Một trong những xu hướng tất yếu trong lộ trình phát triển là gia tăng các công trình xanh tại các KCN.
Trong bối cảnh nhận thức về biến đổi khí hậu trên toàn cầu ngày càng gia tăng, các KCN truyền thống, với lượng tiêu thụ năng lượng cao và tác động môi trường lớn, ngày càng bị nhìn nhận là không bền vững. Do đó, doanh nghiệp có nhu cầu ngày càng lớn về các phương thức hoạt động công nghiệp thân thiện hơn với môi trường.
Với mục tiêu đạt lượng phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang ở những giai đoạn đầu trong lộ trình chuyển dịch xanh. Việc áp dụng các công trình xanh trong KCN là một bước quan trọng hướng tới mục tiêu này.
Nhiều yếu tố thúc đẩy xu hướng công trình xanh
Xu hướng áp dụng các công trình xanh trong KCN ở Việt Nam đang được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố.
Một là, các chính sách và sáng kiến của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy phát triển bền vững. Trong đó, Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích phát triển các KCN xanh. Những chính sách này thể hiện rõ ràng các khung chính sách và khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các thực tiễn xanh.
Hai là, lợi ích về mặt kinh tế. KCN xanh ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư. Các KCN này cung cấp chi phí hoạt động thấp hơn thông qua việc sử dụng tài nguyên hiệu quả và tích hợp sử dụng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong KCN xanh có thể hưởng lợi từ các khoản ưu đãi thuế và hỗ trợ từ Chính phủ.
Ba là, các tiến bộ công nghệ. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến là một yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng các công trình xanh. Hệ thống tiết kiệm năng lượng, quy trình tái chế chất thải và nguồn năng lượng tái tạo... là những công nghệ đang được tích hợp vào các KCN xanh. Những công nghệ này không chỉ giảm tác động môi trường, mà còn tăng cường năng suất và tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp triển khai xanh hóa.
Gia tăng mạnh mẽ công trình công nghiệp xanh tại Việt Nam
Kể từ khi bắt đầu được giới thiệu tại thị trường Việt Nam cách đây hơn 10 năm, số lượng công trình xây dựng xanh đã gia tăng nhanh chóng, trong đó có các công trình công nghiệp. Đáng chú ý, công trình công nghiệp chính là loại hình công trình đầu tiên được cấp chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam, bắt nguồn từ các dự án mang vốn đầu tư nước ngoài vào những năm 2010.
Theo ước tính của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), tính đến hết tháng 6/2024, nhóm các công trình công nghiệp dẫn đầu về tổng số mét vuông sàn được cấp chứng nhận xanh, với 4,346 triệu m2, chiếm 38% tổng diện tích sàn đạt chứng nhận xanh trên cả nước.
Trong 5 năm 2018 - 2022, tỷ trọng diện tích sàn công trình công nghiệp xanh trung bình chiếm dưới 35% tổng diện tích sàn đạt chứng nhận xanh tại Việt Nam. Nhưng trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024, tỷ lệ diện tích sàn công trình công nghiệp đạt chứng nhận xanh đã tăng vọt, chiếm tới hơn 50% tổng diện tích sàn đạt chứng nhận xanh cùng thời điểm. Điều này thể hiện rõ nhu cầu phát triển hạ tầng công nghiệp xanh đang gia tăng mạnh mẽ, nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển của ngành công nghiệp sản xuất, phụ trợ và đặc biệt là kho vận, theo xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.
Lợi ích của công trình xanh đối với các khu công nghiệp
Chuyển dịch theo hướng công trình xanh mang lại nhiều lợi ích về môi trường, kinh tế, xã hội và giảm thiểu rủi ro.
Về môi trường, các công trình xanh giảm đáng kể lượng phát thải carbon và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Các giải pháp quản lý chất thải hiệu quả giúp giảm thiểu tác động môi trường của hoạt động công nghiệp.
Về kinh tế, bằng cách giảm chi phí hoạt động và thu hút đầu tư, các công trình xanh tăng hiệu quả đầu tư của KCN. Việc sử dụng công nghệ tiên tiến và thực tiễn bền vững cũng dẫn đến năng suất, hiệu suất cao hơn.
Về xã hội, các công trình xanh cung cấp môi trường làm việc lành mạnh cho nhân viên, với chất lượng không khí trong nhà tốt hơn cùng ánh sáng tự nhiên. Điều này không chỉ cải thiện sức khỏe của người lao động, mà còn tăng cường tinh thần và năng suất làm việc.
Về giảm thiểu rủi ro, các công trình xanh được thiết kế để chống chịu tốt hơn trước tác động của biến đổi khí hậu, giảm nguy cơ thiệt hại do thời tiết cực đoan. Ngoài ra, việc áp dụng thực tiễn xanh giúp doanh nghiệp tuân thủ yêu cầu quy định và tránh các khoản phạt liên quan do ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Thách thức đối với việc áp dụng các thực tiễn xanh
Dù có lợi ích rõ ràng, việc chuyển đổi sang các thực tiễn xanh cũng đối mặt với không ít thách thức.
Trước tiên, phải kể đến chi phí ban đầu cao, bởi việc triển khai công nghệ và hạ tầng xanh đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn. Điều này có thể là rào cản đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số dự án thực sự hướng đến công nghệ cao, đồng nghĩa chi phí đầu tư cao, song mô hình này không phổ biến, vì hầu hết các tòa nhà công nghiệp có thể chuyển sang xanh mà không tăng thêm chi phí, hoặc chỉ tăng thêm một phần nhỏ (ít hơn 2%).
Tiếp đến, là rào cản về công nghệ. Đến nay, nhiều công nghệ xanh vẫn đang trong giai đoạn phát triển và có thể không sẵn sàng, hoặc phải trả giá đắt để sử dụng. Đây là trở ngại cho việc áp dụng rộng rãi thực hành xanh.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng để thiết kế, triển khai và quản lý các dự án xây dựng xanh có thể làm chậm quá trình chuyển đổi sang các thực tiễn xanh.
Ngoài ra, quy định và chính sách cũng là thách thức không nhỏ. Sự thiếu phù hợp giữa chính sách tăng trưởng kinh tế và các sáng kiến về biến đổi khí hậu khiến việc thực hiện giải pháp xanh trở nên khó khăn.
Công cụ hỗ trợ triển khai công trình công nghiệp xanh
Theo thống kê, tại Việt Nam, các công trình công nghiệp thường lựa chọn 2 hệ thống chứng nhận công trình xanh phổ biến là EDGE hoặc LEED để áp dụng.
EDGE là hệ thống chứng nhận công trình xanh do IFC phát triển riêng cho các thị trường mới nổi, tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước của công trình, giảm lượng phát thải carbon của công trình xây dựng.
LEED được phát triển và ban hành bởi Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ. Ngoài những yếu tố cơ bản như năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, hệ thống chứng nhận LEED còn xem xét thêm các yếu tố như sức khỏe, tiện nghi, giao thông… trong công trình công nghiệp.
Với sự hỗ trợ của các công cụ này, các công trình công nghiệp, như nhà máy, nhà xưởng được xây sẵn để cho thuê hoặc tự vận hành đều có thể tiếp cận và triển khai công trình xanh một cách dễ dàng, nhanh chóng, thông qua các giải pháp thiết thực như tối ưu lớp vỏ công trình, đầu tư vào thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng nước hiệu quả nhằm giảm chi phí vận hành, song song với việc tuân thủ các yếu tố kỹ thuật về sử dụng tài nguyên hiệu quả.
Các yếu tố áp dụng mang tính thực tiễn cao và dễ lồng ghép vào thiết kế công trình như giảm bức xạ mặt trời đi vào trong công trình thông qua cách nhiệt mái, cách nhiệt tường, chọn màu sơn sáng để tăng phản xạ, lựa chọn thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, giảm sử dụng nước thông qua thiết bị... Các giải pháp trên đều dễ thực hiện với chi phí triển khai thấp, khả năng nhân rộng cao.
Xu hướng xây dựng xanh tại các KCN ở Việt Nam không phải là nhất thời trong một giai đoạn chuyển dịch, mà là một bước quan trọng trong lộ trình phát triển bền vững. Bằng cách áp dụng các công nghệ và thực tiễn xanh, Việt Nam có thể nâng cao tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp và đóng góp vào mục tiêu môi trường toàn cầu. Hành trình hướng tới bền vững có thể gặp một số thách thức, nhưng lợi ích dài hạn mang lại khiến cho việc xanh hóa trở thành một hành trình đáng để nỗ lực.