Ngay trước Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã liên tục gửi các kiến nghị tới cơ quan quản lý nhà nước góp ý cho các bản dự thảo liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Gần nhất, ngay tuần trước là tập hợp các lo ngại từ doanh nghiệp khi Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân mà Bộ Công thương đang chắp bút và lấy ý kiến lại gần như chỉ có dấu ấn của Bộ Công thương và EVN. Trong khi, theo VCCI, quan hệ mua bán điện, có sự tham gia của bên bán điện, bên mua điện và Nhà nước, bên mua rất mờ nhạt.
“Bên mua lẻ điện bao gồm hai thành phần chính là hộ gia đình và các doanh nghiệp sử dụng điện, họ cần sự minh bạch để đảm bảo giá điện thực sự được kiểm soát”, văn bản của VCCI viết, chứa đựng nhiều gửi gắm từ cộng đồng kinh doanh.
Vài ngày trước đó là góp ý vào Dự thảo Thông tư quy định về trạm thu phí sử dụng đường bộ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông – Vận tải), vì các doanh nghiệp không hiểu tại sao Tổng cục Đường bộ lại can thiệp quá sâu vào việc phân công và trách nhiệm của từng người lao động, trách nhiệm, trang phục, thái độ phục vụ…
“Sau khi thực hiện chính sách thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện, các trạm thu phí của Nhà nước đã được xóa bỏ, mà hiện nay, chỉ còn tồn tại các trạm thu phí được giao cho doanh nghiệp thực hiện dưới hình thức hợp đồng BOT hoặc hợp đồng nhượng quyền thu phí. Đây là việc của doanh nghiệp, do doanh nghệp tự chủ sao cho phù hợp với thực tiễn kinh doanh và bảo đảm an toàn, thuận tiện cho phương tiện giao thông, chứ không còn là việc của cơ quan quản lý nhà nước nữa”, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế của VCCI lý giải.
Có vẻ như tư duy nghĩ hộ, làm hộ doanh nghiệp vẫn khá nặng nề. Điều này đang làm khó cho doanh nghiệp trong giai đoạn họ cần phải tái cơ cấu, điều chỉnh để phù hợp với những đòi hỏi mới của nền kinh tế, xu hướng hội nhập và các tiêu chuẩn mới của thị trường thế giới.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng từng nói, trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ có thể tạo môi trường, chỉ có thể là bà đỡ, là hậu phương. “Hãy để cho doanh nghiệp chủ động trong cuộc chơi của thương trường. Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp cần một không gian chính sách an toàn, cần sự ủng hộ và chia sẻ của giới công chức, các cơ quan công quyền”, ông Đoàn nói.
Cũng phải nói thêm, đây không phải là lần tiên doanh nghiệp đặt vấn đề này, nhưng năm nay, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, yêu cầu này căng thẳng hơn.
Sau vài năm vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhìn thấy con đường mới phải đi, cách thức làm ăn mới, quản trị doanh nghiệp mới phải thay đổi. Nhiều người đang kỳ vọng về một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân thế mới đang được hoài thai.
Tuy nhiên, để có thể chuyển dịch được, họ buộc phải trả các phí tổn, phải có các khoản đầu tư mới để chọn lại lĩnh vực, ngành nghề, thậm chí là thay máu cả bộ máy nhân sự.
“Nhưng sự chuyển dịch này chỉ thuận khi có cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để hướng dòng vốn đầu tư vào những ngành nghề đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi lao động có đào tạo. Môi trường kinh doanh phải thuận lợi cho các kế hoạch thay đổi, chuyển dịch, mua bán – sáp nhập của doanh nghiệp... Điều quan trọng là các cơ chế, chính sách này không thể chậm trễ hơn nữa”, ông Lộc nói..
Ý kiến - Nhận định
Chuẩn hóa thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn hội nhập.
Bà Tiêu Yến Trinh |
Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kết nối Nhân Tài
Từ xưa đến nay, chúng ta thường dựa vào nguồn lao động giá rẻ hay dân số đông, nhưng điều cần chú trọng hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Doanh nghiệp thành lập mới cũng nhiều, nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng lao động và vốn, giá trị lợi nhuận thu được rất nhỏ. Vì vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có chiến lược đầu tư bài bản, có công nghệ tiên tiến để cùng song hành với các hành động thiết thực của Chính phủ.
Chúng ta cần hướng đến việc chuẩn hóa thủ tục hành chính theo tiêu chuẩn hội nhập, loại bỏ những giấy phép con, giảm thiểu và chuẩn hóa thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp nhỏ có hiệu quả hoạt động hay lợi nhuận chưa cao nhưng lại gặp khó khăn do các loại chi phí lãi suất, chi phí vận tải…, hay những loại chi phí không tên, không hóa đơn, chứng từ… Những điều này nếu không được cải thiện trong thời gian tới sẽ dần triệt tiêu ý chí và tinh thần của các doanh nghiệp.
Sự đồng hành của tất cả các giới.
Ông Nguyễn Thu Phong |
Ông Nguyễn Thu Phong, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA)
1 triệu doanh nghiệp hiệu quả vào năm 2020 là mục tiêu đầy thách thức. Khi đưa ra con số này, chúng ta phải thực sự quyết tâm và cần có sự đồng hành của tất cả các giới. Doanh nghiệp không thể tự thân sinh ra, tự thân phát triển, nếu không có môi trường, chính quyền hỗ trợ và liên kết tốt. Doanh nhân là phải hành động, nên YBA cũng suy nghĩ và cùng với chính quyền TP.HCM cụ thể hóa các chương trình hành động.
Kể cả các thành phố lớn cũng có khoảng 85% doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy đây là đối tượng cần chăm sóc và quan tâm nhất. Nhưng chúng ta cũng không thể chăm lo cho từng doanh nghiệp, mà cần kiến thiết những chương trình của Chính phủ, của địa phương, để chính người lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy ngành nào, nghề nào được hỗ trợ thuế suất, vốn… Khi nhìn thấy đòn bẩy, đường dẫn tốt và mạnh, họ sẽ sà vào đó để đầu tư.
Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nguyên Thanh Hương
Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tôi mong là Chính phủ nên tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính. Chính phủ cũng cần chỉ đạo sát sao để công cuộc cải cách hành chính trở nên thực chất hơn. Đa phần các doanh nghiệp đều vướng mắc vấn đề này. Cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi luôn kỳ vọng và luôn cần một Chính phủ hành động.
Năng suất lao động của Việt Nam còn chưa cao. Nếu doanh nghiệp tăng trưởng chỉ dựa vào việc tăng vốn hay nhân công giá rẻ, mà không phải dựa vào năng suất lao động, công nghệ, quản lý, sáng tạo,thì chắc chắn không thể phát triển bền vững được. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần nghiêm túc nhìn lại và thay đổi những sai sót trong quá trình đào tạo để có nguồn nhân lực chuẩn hơn.
Hình thành mô hình đàn sếu bay.
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh |
Ông Nguyễn Ngọc Thịnh, giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ Thương mại Tiến Thịnh
Ngành công nghiệp phụ trợ kỹ thuật cao ở Việt Nam chưa phát triển tốt, vì vậy Chính phủ cần có nhiều chính sách hơn để hỗ trợ ngành này. TP.HCM cũng đã có quyết định về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng phụ lục của quyết định này chưa thực sự phù hợp.
Bên cạnh đó, cần cải thiện chất lượng nguồn lao động của Việt Nam. Họ chưa được đầu tư bài bản để trở thành một công nhân lành nghề. Chính phủ muốn cải thiện môi trường kinh doanh thì phải bắt đầu từ doanh nghiệp. Tức là Chính phủ giao một bộ, ban, ngành cụ thể để họ đến tìm hiểu xem thực sự là doanh nghiệp muốn gì, cần gì, từ đó dần dần tạo thành mô hình đàn sếu bay, doanh nghiệp mạnh kéo những doanh nghiệp nhỏ sau.
Phát triển nhờ nội lực.
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh |
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh,Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa sách Sài Gòn
Thời gian qua, chúng ta đã thấy nhiều hành động cụ thể của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp. Điều doanh nghiệp cần là chính sách phải ngày càng rõ ràng và cụ thể hơn.
Doanh nghiệp cần hủ trương chính sách phù hợp. Họ cũng cần môi trường kinh doanh minh bạch để phát triển nhờ nội lực, không phải bằng mối quan hệ cá nhân. Ngoài ra, họ cần hạ tầng và nguồn nhân lực tốt, mà nhân lực là hệ quả của nền giáo dục.