Doanh nghiệp
Doanh nghiệp chọn M&A hay tăng trưởng tự thân?
Nhã Nam - 07/04/2018 09:26
Nhiều doanh nghiệp gia đình sau khi ăn nên làm ra, muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh. Nhưng chọn phương án nào, thông qua mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp hay qua tăng trưởng tự thân là cả một vấn đề.

Thị trường M&A Việt Nam đang trong giai đoạn sôi động, khi liên tiếp các thương vụ được thực hiện. Từ thương vụ đại gia Thái Lan SCG, thông qua công ty con là The Nawaplastic Industries (Saraburi), quyết tâm mua thêm cổ phần của Nhựa Bình Minh, đến Metro Pacific Investments Corporation (MPIC), thông qua công ty con MetroPac Water Investments Corporation (MPW) ký thỏa thuận mua 49% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc.

Chưa kể, Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) đã chi 47 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Giao dịch này giúp nâng tỷ lệ sở hữu của Itochu tại Vinatex lên gần 15%. Trước đó, Itochu đã sở hữu gần 5% cổ phần Vinatex, sau khi doanh nghiệp được IPO năm 2014.

Ông Trần Hữu Đoàn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Giáo dục Gia Cá ngồi vị trí CEO

Các kế hoạch mua cổ phần liên tục được thực hiện, nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường và tầm ảnh hưởng trên thương trường.

Tuy nhiên, trong khi không ít doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền để mua thêm sở hữu ở các doanh nghiệp khác, thì cũng rất nhiều công ty, nhất là các công ty gia đình chọn cách tự thân phát triển. Có thể kể hàng loạt cái tên Việt Nam đình đám như Trung Nguyên, hay Minh Long… đã đi lên từ một doanh nghiệp gia đình cỡ nhỏ.

Chọn chiến lược phát triển thế nào, thông qua M&A, hay thông qua tăng trưởng organic (tăng trưởng hữu cơ, tăng trưởng tự thân) là một câu hỏi không dễ trả lời. Vì thế, không ít doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.

Giống như vấn đề của một doanh nghiệp gia đình chuyên sản xuất - kinh doanh thức ăn gia súc, có bề dày phát triển hơn 20 năm. Thời kỳ đầu, doanh nghiệp chỉ tập trung sản xuất thức ăn gia súc và phân phối ra thị trường thông qua hệ thống đại lý. Nhưng nay, doanh nghiệp đã lớn mạnh, tiềm lực dư giả. Và đây chính là lúc các thành viên HĐQT nhất trí mở rộng sản xuất - kinh doanh ra các lĩnh vực tiềm năng liên quan như vắc xin, thuốc thú y…

Câu chuyện nằm ở chỗ, mặc dù đồng lòng về chủ trương mở rộng các lĩnh vực kinh doanh mới, nhưng giữa CEO và các thành viên còn lại trong HĐQT lại mâu thuẫn quan điểm về phương pháp mở rộng và đầu tư.

CEO cho rằng, để có thể gia tăng quy mô một cách nhanh chóng, doanh nghiệp nên mua lại một số công ty thuộc các lĩnh vực có nhu cầu mở rộng như vắc xin, thú y hay công nghệ thực phẩm... Việc này sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội kịp thời và chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, các thành viên HĐQT đã phản đối và cho rằng, doanh nghiệp đã có bề dày 20 năm, am hiểu thị trường, vững vàng bộ máy. Vì vậy, nên dựa vào nguồn lực sẵn có này để tiếp tục mở rộng và phát triển. Cách làm này mặc dù chậm nhưng chắc. 

Hai bên, không bên nào chịu “nhường” bên nào và mỗi bên đều có những lý lẽ riêng của mình. Và điều đó là đúng, bởi thực tế kinh doanh cho thấy, có doanh nghiệp đã phát triển bằng cách tự thân, nhưng cũng có doanh nghiệp phát triển thông qua hàng loạt thương vụ M&A. Thành Thành Công khởi đầu là một doanh nghiệp gia đình, nhưng lớn mạnh như hôm nay cũng một phần là nhờ các hoạt động M&A. Bởi thế, khó có thể nói đâu là chiến lược đúng. Không có mẫu số chung cho tất cả doanh nghiệp. Lời giải đúng cho bài toán này phụ thuộc vào thực tế của doanh nghiệp và phụ thuộc vào tài thao lược của CEO.

Chứng kiến CEO và các cổ đông tranh luận với nhau về việc nên M&A hay chọn tăng trưởng organic có thể sẽ giúp các doanh nghiệp lựa chọn được cho mình một con đường đi đúng đắn. Cuộc tranh biện này sẽ được phát sóng trên Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - tăng trưởng organic hay M&A”. Tình huống của Chương trình chính là câu chuyện của doanh nghiệp chuyên kinh doanh thức ăn gia súc nói trên. CEO của Chương trình là ông Trần Hữu Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, kiêm Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Giáo dục Gia Cá.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Novaland, PwC Việt Nam và Hội đồng doanh nhân và gia đình Việt Nam (VEFC).

Chương trình CEO - Chìa khóa thành công được phát sóng vào lúc 10h sáng Chủ nhật (8/4) và phát lại vào 8h sáng thứ Hai (9/4) trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam.
Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Tin liên quan
Tin khác