Một số doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn tại Đà Nẵng đã chủ động đầu tư nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của TPP |
Theo ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, tham gia TPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng lên 307 tỷ USD vào năm 2025, 3 ngành có mức tăng cao nhất là ngành dệt may, giày dép và máy móc cơ khí.
Tuy nhiên, để có thể hưởng được thuế suất ưu đãi 0% khi xuất khẩu sản phẩm vào các nước TPP, các doanh nghiệp may phải vượt qua nhiều hàng rào kỹ thuật và yêu cầu khắt khe, trong đó, việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu là rất quan trọng. Theo yêu cầu của TPP, các doanh nghiệp dệt may phải sử dụng nguồn nguyên liệu có xuất xứ từ các nước trong khối TPP. Và đây là vấn đề rất nan giải hiện nay đối với ngành dệt may Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng.
Không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, việc gia nhập TPP còn đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mở cửa thị trường dệt may và sẽ có nhiều “ông lớn” trong ngành này từ bên ngoài cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.
Ngoài ra, với việc TPP đưa giá trị hàng xuất khẩu vào các thành viên tham gia hiệp định bằng 0%, các doanh nghiệp dệt may từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kong cũng sẽ nhân cơ hội này “đổ bộ” ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Với việc đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp dệt may của các quốc gia này sẽ vừa bán được nguyên liệu may mặc, vừa làm đơn hàng xuất khẩu sang các nước tham gia TPP với mức thuế suất 0%. Do vậy, nếu các doanh nghiệp dệt may Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt thì nhiều khả năng sẽ phải thua ngay trên sân nhà hoặc sẽ trở thành đầu mối xuất khẩu hộ các doanh nghiệp dệt may nước ngoài.
Ý thức được những thách thức này từ rất sớm, một số doanh nghiệp dệt may có quy mô lớn tại Đà Nẵng đã chủ động đầu tư nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của TPP như Tổng công ty cổ phần Dệt may Hòa Thọ. Từ năm 2012, đơn vị này đã đầu tư 2 vạn cọc sợi và chủ động khai thác nguồn sợi từ các nước tham gia TPP… Nhờ vậy, sản lượng sợi của Hoà Thọ đã đạt 15.000 tấn trong năm 2015 và cơ bản đã đáp ứng nhu cầu dệt vải làm nguyên liệu cho sản phẩm may mặc xuất khẩu. Ngoài ra, do thị trường truyền thống lâu năm của Hoà Thọ là Mỹ, Nhật Bản, EU, đều là những đối tác có yêu cầu rất khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, nên nhiều năm qua doanh nghiệp đã có nhiều cải tiến, điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu từ đối tác, nên dự báo khi tham gia TPP, doanh nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi để tăng thị phần xuất khẩu.
Đối với Công ty cổ phần Dệt may 29-3, mỗi năm đơn vị này sử dụng khoảng 600 - 700 tấn sợi cho công đoạn dệt. Nắm được yêu cầu của TPP, những năm qua, Công ty Dệt may 29-3 đã chủ động hợp tác lâu dài với các đơn vị cung cấp sợi trong nước, nên đã có nguồn hàng ổn định.
Một số doanh nghiệp dệt may khác cũng cho biết, họ đã có kế hoạch tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế nguồn hàng của Trung Quốc bằng việc liên doanh liên kết để sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu. “TPP đặt ra nhiều thách thức, nhưng ngồi đó than vãn sẽ không giải quyết được gì, mà cần chủ động tìm giải pháp để đáp ứng yêu cầu”, một giám đốc doanh nghiệp dệt may chia sẻ.