Doanh nghiệp
Doanh nghiệp dệt may Việt: Chọn đường hẹp để tiến, quyết không buông thị trường trong nước
Thế Hải - 06/06/2019 08:46
Áp lực không nhỏ khi cạnh tranh với các nhãn hàng thời trang quốc tế tràn vào Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn quyết tâm giữ thị phần tại thị trường nội, có quy mô tới 4,5 tỷ USD/năm.
Các doanh nghiệp dệt may nội chọn thị trường ngách để chiếm lĩnh. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty May 10. Ảnh: Đức Thanh

Liên tiếp mở showroom

Showroom thời trang mới nhất, cũng là showroom đầu tiên tại đô thị có mức tiêu dùng lớn nhất nước của Tổng công ty Đức Giang vừa được mở tại địa chỉ 81A - Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1, TP.HCM). Đây là showroom thứ 21 trong hệ thống của Đức Giang.

Toàn bộ thương hiệu thời trang bán tại hệ thống showroom đều được đội ngũ thiết kế của Đức Giang làm riêng cho thị trường nội địa, với những thương hiệu Paul Downer, DGC, S.PEARL, HeraDG… dành cho cả nam và nữ, đánh vào phân khúc khách hàng trung lưu.

Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc Đức Giang cho biết, thị trường nội địa rộng lớn, nhưng kinh doanh không hề dễ dàng, khi thời gian qua có quá nhiều thương hiệu lớn đã đến Việt Nam, chiếm giữ các mặt bằng bán lẻ hoành tráng nhất như Zara, H&M, Pull & Bear...

“Chúng tôi xác định khó mấy thì cũng phải làm. Đức Giang có tiếng về xuất khẩu từ nhiều năm nay, nhưng với thị trường trong nước lại bắt đầu từ số 0, vì thế cách đi phải bài bản, bắt đầu bằng việc phát triển đội ngũ thiết kế, một tuần cho ra hàng trăm mẫu thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”, ông Lâm nói.

Mục tiêu của Đức Giang đến cuối năm 2019 sẽ có 24 showroom trên cả nước. Các showroom tiếp theo dự kiến mở tại Đà Nẵng, Nha Trang.

Nhiều năm phát triển xuất khẩu, Tổng công ty Phong Phú là doanh nghiệp đầu tư rất lớn cho thị trường nội địa. Nằm trong chiến lược phủ sóng thị trường, Phong Phú đã mở hai phòng trưng bày rộng hơn 1.200 m2 để giới thiệu các sản phẩm khăn bông và các sản phẩm jeans cao cấp (quần áo, vải denim và denim dệt kim). Tại đây, khách hàng có thể tận mắt thấy những sản phẩm mới nhất vừa sản xuất của công ty.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Phong Phú cho biết, quyết không buông thị trường trong nước dù vốn của doanh nghiệp mở hệ thống bán lẻ rất lớn.

Mang về doanh thu tại thị trường nội địa hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2018, Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex đã mở lại Trung tâm thời trang chuyên bán hàng Việt tại 25 - Bà Triệu (Hà Nội).

Với tiêu chí 100% là hàng dệt may Việt Nam, toàn bộ sản phẩm bày bán tại Trung tâm thời trang Vinatex đều được sản xuất trong nước bởi những thương hiệu thời trang uy tín như Việt Tiến, Hòa Thọ, Nhà Bè, Việt Thắng, Tân Phú, Phong Phú, Kico…

Bà Phạm Minh Hương, Giám đốc điều hành Vinatex cho biết, Trung tâm thời trang được mở để hiện thực hóa sứ mệnh phục vụ người tiêu dùng Việt với những sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Theo kế hoạch, Vinatex sẽ mở tiếp một trung tâm thời trang nữa tại Hà Nội trong năm 2019.

Chọn đường hẹp để tiến

Thị trường nội địa với quy mô 4,5 tỷ USD, dân số lớn, mức tăng trưởng bình quân 15-17%/năm, là sân chơi đáng kể cho các doanh nghiệp dệt may thỏa sức vẫy vùng.

Dù vậy, trước áp lực cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu thời trang ngoại, nhiều doanh nghiệp đã tự mở lối đi riêng để có thể bám trụ.

Vinatex cho biết, đóng góp trên 10% trong tổng doanh thu nội địa của tập đoàn này đến từ mảng may đồng phục cho các bộ, ngành.

“Từ những năm trước, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Vinatex đã bắt tay với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để sử dụng sản phẩm của nhau, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam”, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết.

Lãnh đạo Vinatex cũng khẳng định, dù có liên kết thì chất lượng sản phẩm vẫn phải là yếu tố hàng đầu. Với mỗi khách hàng doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp của Vinatex không chỉ cung cấp đồng phục có chất lương, mà còn phải thấu hiểu đặc thù của ngành sản xuất đó để thiết kế sản phẩm có mẫu mã hợp lý, chất liệu thân thiện, đảm bảo tính thẩm mỹ và sự hài lòng khi sử dụng.

Nhiều doanh nghiệp thì chuyển hướng tập trung vào phân khúc thị trường ngách  (phân khúc thị trường có tính chuyên biệt cao) để tiếp cận người tiêu dùng trong nước và tăng cường sử dụng thương mại điện tử. Tổng công ty May 10 khá thành công trên thị trường nội địa với dòng sản phẩm, như: May 10 M Series, May 10 Series, May 10 Expert, May 10 Prestige, May 10 Classic, Pharaon Series, Pharaon Advancer, Pharaon Classic, Pharaon EX, Cleopatre, Eternity GrusZ…

Theo báo cáo Thương mại điện tử năm 2018 của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, có đến 98% trong số người tiêu dùng truy cập vào Internet đã mua hàng trực tuyến, trong đó, thời trang là mặt hàng được mua online nhiều nhất ở Việt Nam. Vị trí tiếp theo là đồ công nghệ và mỹ phẩm.

Đây là một kênh tiêu thụ đáng kể để các doanh nghiệp đầu tư khai thác. Tín hiệu này đã được các nhà sản xuất dệt may Việt Nam đón lõng và kịp thời ra mắt các trang thương mại điện tử phục vụ cho người tiêu dùng mua sắm trực tuyến như May10.vn, Tng.vn, mayducgiang.com...

Tin liên quan
Tin khác