Du lịch
Doanh nghiệp du lịch giảm giá, nâng chất để hút khách
Hồ Hạ - 16/09/2020 14:37
Khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, nhiều khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã hoạt động trở lại và lập tức giảm giá, nâng chất lượng sản phẩm để hút khách.
Tour khám phá Tây Bắc mùa lúa chín được du khách yêu thích dịp cuối năm.

Giảm giá sâu mới mong có du khách

Hiện, nhiều doanh nghiệp du lịch đang cố gắng cầm cự chờ cơ hội, nên rất cần chính sách hỗ trợ từ Chính phủ thông qua chương trình kích cầu thời điểm này. Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Ngôi sao biển Sài Gòn cho rằng: “Phải kích cầu để xóa tâm lý e ngại của du khách. Chính sách kích cầu đi thẳng vào việc giảm giá tour, giảm chi phí đi du lịch của người dân. Như một tour đi Phú Quốc giá 8 triệu đồng, giờ giảm xuống 6 triệu đồng thì du khách sẽ sẵn sàng đi hơn”, ông Sơn nói.

Ông Phạm Ngọc Hải, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã họp thống nhất sẽ giảm giá sâu, từ 50% trở lên để triển khai kích cầu đợt 2. Ngoài ra, Hiệp hội đã gợi ý các doanh nghiệp xây dựng tour, sản phẩm mới để nâng chất lượng, dịch vụ du lịch, bên cạnh việc giảm giá. “Do thời điểm này bắt đầu mùa du lịch thấp điểm khách nội địa, khách quốc tế chưa đón được, nên phải giảm giá thật sâu mới mong có khách”, ông Hải phân tích.

Nằm trong khu phố cổ sầm uất, nhưng khi chưa đón được khách nước ngoài, nhà hàng Solasta thuộc khách sạn Solaria Hotel Hanoi (số 22 - Bảo Khánh, Hà Nội) đang chấp nhận chịu lỗ, tung ra chương trình khuyến mại suất ăn với giá “huyền thoại” để hút khách nội. Set đồ Âu 3 món tự chọn chỉ 159.000 đồng cho khách đầu tiên và 80.000 đồng cho khách thứ hai.

Giám đốc nhà hàng Solasta, bà Phương Hằng My cho hay: “Thực khách rất thích thú khi được trải nghiệm đồ ăn cao cấp, chất lượng, check-in ở không gian sang chảnh với giá bình dân. Tuy nhiên, về doanh thu, nhà hàng chịu lỗ vì mức giá này chỉ đủ mua thực phẩm và trả một phần lương nhân viên, chứ chưa tính đến các chi phí khác như thuê mặt bằng. Chúng tôi coi đây là chi phí quảng cáo và giữ chân nhân viên”.

Ở góc độ lữ hành, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan khẳng định, những tháng cuối năm là mùa thấp điểm du lịch, học sinh trở lại trường, kinh tế hầu hết các gia đình đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên nhu cầu đi chơi, nghỉ dưỡng sẽ không nhiều như đợt kích cầu trước. Do đó, ngoài giảm giá tour, cần có sản phẩm độc đáo, trải nghiệm khác biệt cho du khách. “Lần này, chúng tôi tung ra những sản phẩm đặc sắc gắn với những điểm đến ấn tượng như: khám phá mùa vàng Tây Bắc, ngắm hoa dã quỳ Tây Nguyên, hay trải nghiệm mùa nước nổi miền Tây... Các tour có giá tốt, nhưng không giảm giá quá sâu, mà chú trọng đến chất lượng mới mẻ, hấp dẫn, ấn tượng cho du khách”, ông Hoan bật mí.

Hầu hết các hãng lữ hành đều cho biết, dù đã rất nỗ lực chào bán nhiều sản phẩm tour hấp dẫn, mới mẻ, nhưng sức bán chỉ bằng khoảng 30% so với thời điểm tháng 6, tháng 7. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, việc mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp du lịch sáng sủa, nhiều triển vọng hồi phục tốt hơn.

Không nên kích cầu du lịch đại trà

Chia sẻ về giải pháp kích cầu trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, đơn vị này vừa họp bàn về kế hoạch kích cầu, khôi phục thị trường du lịch sau đợt dịch Covid-19 bùng phát lần 2 với đại diện Tổng cục Du lịch và cơ quan quản lý du lịch ở TP. HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Tây Ninh. Theo đó, chương trình dự kiến được triển khai đồng thời với 2 mục tiêu: kích cầu du lịch và truyền thông về du lịch an toàn.

Việc kích cầu phải cân nhắc thật kỹ. Trước khi tung ra gói kích cầu nội địa mới, cần khảo sát hành vi cũng như mong muốn của khách du lịch để đưa ra các phương án kịp thời, hiệu quả nhất.

Theo ông Kỳ, để đạt hiệu quả cao, cần xây dựng bản đồ số du lịch an toàn tại từng địa phương, sau đó tích hợp vào một bản đồ chung của quốc gia để du khách có thể truy cập tìm hiểu thông tin trước khi lên kế hoạch đi du lịch.

“Có thể chọn từng cụm điểm đến trọng điểm ở từng vùng, như khu vực Đông Nam bộ gồm TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Tây Ninh làm hạt nhân triển khai kích cầu trước, rồi từ đó lan tỏa ra các địa phương lân cận; cụm Tứ giác sông Hồng gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và Ninh Bình...”, ông Kỳ gợi ý và phân tích, mỗi khu vực có kế hoạch, chính sách, thời gian kích cầu khác nhau phù hợp, trong đó Hà Nội và TP.HCM là 2 thị trường cung cấp nguồn khách lớn cho cả nước. Chọn nhóm để tập trung nguồn lực và địa phương cam kết thực thi, thay vì triển khai đại trà cả nước sẽ dễ loãng, chậm trong khi nguồn lực hạn chế.

Khẳng định việc “hâm nóng” lại các hoạt động của ngành du lịch sau “cú đánh bồi” của Covid-19 lần 2 là cần thiết, song, ông Hoàng Nhân Chính, Tổng thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng, để đạt được hiệu quả cần phải thay đổi cách thức, phương pháp kích cầu mới. Việc kích cầu cũng cần cân nhắc thật kỹ vì có thể sẽ không có lợi cho doanh nghiệp. Bởi thế, ông Chính cho rằng, trước khi tung ra gói kích cầu nội địa mới, cần phải khảo sát hành vi cũng như mong muốn của khách du lịch để đưa ra các phương án kịp thời, hiệu quả nhất.

Tin liên quan
Tin khác