Hoạt động sản xuất tại Công ty Canon Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Khó tuân thủ quy định
29 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong đó có Canon Việt Nam, Honda Việt Nam, Foxconn… vừa cùng ký một bản góp ý cho Dự thảo Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai (thay thế Nghị định 83/2019/NĐ-CP và Nghị định 94/2014/NĐ-CP).
Văn bản được gửi đến Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Lo ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp nêu là trách nhiệm thu quỹ và xây dựng kế hoạch thu Quỹ của doanh nghiệp. Cụ thể, Điều 16.2 của Dự thảo quy định: “Thủ trưởng cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, nhân viên trong lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý và chuyển vào tài khoản của Quỹ cấp tỉnh hoặc vào tài khoản của quỹ ở cấp huyện do UBND cấp tỉnh ủy quyền”.
Vấn đề là, Nghị định hiện hành cũng quy định trách nhiệm này và doanh nghiệp đang rất khó thực hiện. Thậm chí, trong văn bản gửi các cơ quan, các doanh nghiệp cho biết, họ chưa có cách nào để thu khoản này từ người lao động.
Hơn nữa, do các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nên không thể tổ chức được hệ thống, cơ cấu nhân sự để thu, quản lý quỹ, nếu như thu bằng tiền mặt. Nếu doanh nghiệp không cung cấp biên lai, khi người lao động chuyển việc, họ sẽ không có bằng chứng là đã đóng quỹ ở công ty cũ, khiến họ phải đóng nhiều lần.
Cũng phải nói thêm, không phải người lao động nào cũng tự giác tuân thủ các khoản nộp phải thu, nên việc này gây khó cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp có tâm lý cần giữ người cho sản xuất, nên không thể quá thúc ép người lao động, nếu họ không hợp tác.
Lo vi phạm pháp luật
Các doanh nghiệp FDI hiểu rõ ý nghĩa của Quỹ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai diễn biến thất thường hiện nay. Nhưng các quy định khiến họ bị rơi vào tình thế rủi ro.
Mặc dù chế tài xử lý nếu người lao động không đóng Quỹ đã có, được ghi trong Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; đê điều, nhưng doanh nghiệp không thể xử phạt người lao động. Bản thân các doanh nghiệp cũng có thể là đối tượng bị phạt nếu không thu được từ người lao động.
“Chỉ riêng việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã khó khăn rồi, một sơ suất nhỏ cũng có thể gây hậu quả đáng tiếc. Việc quy định doanh nghiệp có trách nhiệm thu quỹ từ người lao động và áp dụng chế tài phạt là tăng thêm trách nhiệm và gây áp lực hơn cho doanh nghiệp”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Thực tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật bản (JCCI) đã từng có công văn trình bày khó khăn về việc này trong quá thực hiện Nghị định 94/2014/NĐ-CP, Nghị định 83/2019/NĐ-CP. Nhưng, khi Dự thảo nghị định này được công bố, hầu như những khó khăn và đề xuất mà doanh nghiệp đã nêu trong các văn bản trước đây đều chưa được giải quyết và tiếp thu.
Trong đề xuất phương án giải quyết, các doanh nghiệp kiến nghị không quy định trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu, lập kế hoạch thu quỹ từ người lao động. Thay vào đó, chuyển trách nhiệm về một đầu mối là UBND cấp xã nơi người lao động đăng ký thường trú, tạm trú. Trường hợp không thay đổi trách nhiệm của doanh nghiệp, thì cần làm rõ cách xử lý đối với các vướng mắc, khó khăn trên.
Về việc này, VCCI đã có đề nghị sửa đổi quy định theo hướng doanh nghiệp chỉ nộp phần nghĩa vụ của mình, còn phần đóng góp của người lao động thì do người lao động tự đóng.
“Theo quy định của Bộ luật Lao động và Nội quy lao động, doanh nghiệp không thể khấu trừ lương của người lao động. Việc thu trực tiếp từ cá nhân bằng tiền mặt là không thể thực hiện được trong doanh nghiệp, bởi việc xử lý tiền mặt tại doanh nghiệp gây nhiều rủi ro, nguy hiểm và phức tạp”.
- Văn bản của 29 doanh nghiệp FDI gửi các bộ, ngành