Chủ động đối phó
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu cho biết, là sản phẩm “ăn theo” thị trường xây dựng, thị trường địa ốc, nên gạch không nung nói riêng và vật liệu xây dựng nói chung chịu những tác động theo hai thị trường này. Trong khi đang gặp khó khăn do thị trường bất động sản năm vừa qua ảm đạm, xây dựng chậm, thì lại chịu tiếp “con sóng” Covid-19.
Theo ông Minh, những khó khăn này đã làm cho doanh nghiệp gặp muôn vàng khó khăn, công suất sản xuất giảm 60%, dẫn đến việc cắt giảm lao động, giảm doanh thu…
“Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi bó tay. Trong lúc thị trường tạm nghỉ ngơi, doanh nghiệp dừng sản xuất, chúng tôi đã chủ động tìm giải pháp, đánh giá, tái cấu trúc lại doanh nghiệp cho phù hợp hơn với tình hình thực tế”, ông Minh nói và cho biết thêm, vừa qua công ty ông đã cắt, giảm toàn bộ các trưởng bộ phận trung gian như giám đốc điều hành, giám đốc nhà máy, trưởng phòng kinh doanh.
Theo ông Minh, việc cắt giảm ở đây chưa nói về năng lực trình độ, nhưng việc truyền đạt những ý tưởng chỉ đạo, định hướng từ lãnh đạo Công ty xuống nhân viên, thì những cán bộ cấp trung gian vô hình trung là trở thành một rào cản, chưa nói việc phải trả chi phí lớn cho các vị trí này.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây không nung đã chủ động tái cơ cấu doanh nghiệp, chuẩn bị kỹ kế hoạch để nhanh chóng bắt tay vào sản xuất khi đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế. |
Ngoài ra, Toàn Cầu cũng gộp lại các đầu mối, như Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc sẽ kiêm thêm giám đốc điều hành, kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, thực hiện chế độ khoán sản phẩm cho người lao động.
“Trước mắt đã thấy được hiệu quả. Năng suất lao động tăng, các ý tưởng chỉ đạo từ lãnh đạo công ty đến công nhân được nhanh hơn, chính xác hơn, các vướng mắc được tháo gỡ kịp thời. Nhờ vậy, Công ty không chỉ giảm được tối thiểu rủi ro do khó khăn chung, mà còn chủ động đưa ra những phương án tối ưu, mang lại hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động”, ông Minh cho hay.
Còn với Tổng công ty Viglacera, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh chính năm 2020 được xây dựng bằng với kế hoạch năm 2019, do dịch Covid-19 đã, đang diễn ra trên toàn cầu và tại Việt Nam, ảnh hưởng bất lợi trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động sản xuất - kinh doanh của Tổng công ty.
Cụ thể, doanh nghiệp lên kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 9.400 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện 2019. Lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng, giảm 2%. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 528 tỷ đồng, giảm 11,4% so với thực hiện 2019.
Tổng công ty sẽ thực hiện thoái vốn nhà nước về 0% tại công ty mẹ theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đơn vị triển khai thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, công nghệ/thiết bị sản xuất, sản phẩm lạc hậu như Bá Hiến, Viglacera Từ Sơn, Viglacera Hạ Long 1, Viglacera Hợp Thịnh và Viglacera Từ Liêm trong năm 2020.
Ngược lại, Tổng công ty sẽ cơ cấu vốn để triển khai phát triển sản phẩm mới như kính siêu trắng, pin năng lượng mặt trời, tấm trần thạch cao…; mua lại nhà máy sản xuất trong lĩnh vực vật liệu; góp vốn vào liên doanh Sanvig tại Cuba đầu tư lĩnh vực gạch ốp lát, sứ vệ sinh; tăng vốn cho Công ty ViMariel tại Cuba đầu tư khu công nghiệp; góp vốn, liên doanh để đầu tư khu công nghiệp; nhà ở xã hội tại Kim Chung, Tiên Dương (Đông Anh, Hà Nội).
Tương tự, tiết lộ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, là đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, khách hàng là các nhà đầu tư bất động sản, nên Công ty cũng bị ảnh hưởng tương đối nhiều, nhất là bất động sản du lịch. Bởi đây là những đối tác tiêu thụ chính sản phẩm của Công ty.
“Nhưng với năng lực của mình, chúng tôi đã tái cấu trúc nhà máy, nghiên cứu đầu tư thêm máy móc, nâng cao năng suất lao động, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho công nhân”, vị này cho biết.
Nhanh chóng trở lại, nhưng vẫn cần hỗ trợ
Ngay sau khi hết lệnh giãn cách xã hội, cùng với nhiều ngành nghề khác, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung cũng đã hoạt động trở lại.
Ông Nguyễn Cao Thắng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai cho biết, nhờ chủ động trong mọi tình huống, nên Công ty trở lại sản xuất rất nhanh, các đơn hàng cũng đã ký mới với khoảng 50% so với trước dịch, công suất sản xuất khoảng 2.000 m2/ngày.
Tương tự, ông Trần Thanh Minh cho biết, sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch bệnh, hết thời gian giãn cách xã hội, Toàn Cầu đã chủ động tiến hành thực hiện những kế hoạch đề ra trong năm. Từ tháng 3 vừa qua, Công ty đã ký thêm nhiều đơn hàng mới, chỉ đợi hết dịch bệnh là bắt tay vào sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Thắng, do còn gặp khó khăn, nên việc hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất gạch không nung nói riêng. Các thủ tục nên nhanh gọn, tránh rườm rà hoặc chưa được triển khai như chính sách hỗ trợ bảo hiểm. Bên cạnh đó, các chính sách kích cầu thị trường bất động sản sẽ có tác động lớn đến lượng tiêu thụ của thị trường gạch không nung.
Ông Đào Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH MTV Vật liệu không nung Lâm Việt (Phú Thọ) cũng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp luôn chủ động đứng dậy sau đại dịch, nhưng những chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất cần thiết và cần triển khai sớm, minh bạch đến các doanh nghiệp. Ngoài ra, cũng cần đầy nhanh giải ngân các dự án đầu tư công. Đây sẽ là những giải pháp kích cầu hữu hiệu, giúp doanh nghiệp sản xuất vậy liệu xây dựng không nung vượt qua khó khăn hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Minh hy vọng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ là đòn bẩy giúp các lĩnh vực phát triển, trong đó đáng chú ý là thị trường bất động sản, lĩnh vực xây dựng, qua đó kéo nhóm vật liệu xây dựng tăng theo.
Tuy nhiên, theo ông Minh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn chậm và phức tạp. Đơn cử, việc hỗ trợ cho vay vốn để trả lương không lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội rất phức tạp. Công ty đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hòa Bình để làm thủ tục xin vay, nhưng Ngân hàng cho biết, do chủ trương UBND tỉnh Hòa Bình, doanh nghiệp nào được vay phải có danh sách của tỉnh. Tuy nhiên, Công ty không biết liên hệ với đơn vị nào để xin làm thủ tục.
Ở góc độ khác, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, người tiêu dùng đã dần nhìn rõ những lợi thế của gạch không nung, nên họ đã dùng nhiều hơn. Bên cạnh đó, những chính sách của Chính phủ thúc đẩy phát triển loại vật liệu xây này cũng là một lợi thế. Do đó, khi thời cơ phù hợp, tình hình dịch bệnh ổn định, thị trường bất động sản phát triển trở lại, gạch không nung sẽ có được cơ hội thoát khỏi khó khăn chung hiện nay.