Ngày 28/3, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2024. Hội nghị là dịp để doanh nghiệp, hợp tác xã phản ánh những vướng mắc, khó khăn đến lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nhằm tìm hướng tháo gỡ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giải đáp thắc mắc của một số doanh nghiệp |
Vấn đề mà các doanh nghiệp, hợp tác xã lo lắng nhất hiện nay là thời gian qua nhiều có nhiều văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và TP. Biên Hòa yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động bên ngoài phải di dời vào khu, cụm công nghiệp trong thời gian từ năm 2023 đến 2025.
Thay mặt cho nhiều doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai nêu lên bất cập hiện nay là muốn di dời thì tỉnh phải thành lập các cụm công nghiệp mới, có đất sạch, có cơ sở hạ tầng để doanh nghiệp di dời thuận lợi và nhanh chóng.
Hơn nữa các cụm công nghiệp phải nằm ở những vị trí thuận lợi phù hợp với ngành nghề để doanh nghiệp tận dụng nguồn lao động và phù hợp điều kiện sản xuất.
Vẫn liên quan đến việc di dời, đại diện của Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng nêu những khó khăn khi phải di dời các trang trại chăn nuôi theo chủ trương của UBND tỉnh Đồng Nai.
Vị này cho biết, các xã viên đều đầu tư số vốn rất lớn vào trang trại chăn nuôi và mất nhiều thời gian để làm thủ tục, trong khi các trang trại hiện nay phần lớn là đầu tư ở các khu đất ở xa nơi sinh sống của người dân.
"Việc bắt buộc phải di dời các trang trại sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung làm đứt gãy chuỗi cung ứng ghực phẩm. Do người chăn nuôi vay vốn ngân hàng nên trong thời gian di dời sẽ không có nguồn thu để trả ngân hàng. Hơn nữa, khi các trang trại chăn nuôi chuyển đi mà chưa tìm được nhà đầu tư thì đất bỏ hoang rất lãng phí" đại diện của Hiệp hội chăn nuôi nêu khó khăn.
Cả Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai và Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đều kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét lại các quyết định di dời làm sao để phù hợp với thực tế và cần có lộ trình để doanh nghiệp chuẩn bị.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho biết, do tình hình kinh doanh 3 năm vừa qua hết sức khó khăn, nguồn lực tài chính doanh nghiệp gần như cạn kiệt, chỉ hoạt động cầm chừng.
"Nếu tình hình kinh tế tốt lên trong năm nay thì doanh nghiệp cần ít nhất 3 năm để ổn định sản xuất và tích lũy nguồn lực. Sau đó thì vừa ổn định sản xuất, vừa di dời từ từ sẽ mất từ 2 đến 3 năm nữa (tùy vào quy mô). Như vậy, để đạt mục tiêu vừa ổn định, vừa di dời thì doanh nghiệp cần ít nhất 5 năm" ông Hưng dự tính.
Vì vậy, Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai hỗ trợ giảm tiền thuê đất, kinh phí di dời và các chính sách ưu tiên khác cho doanh nghiệp phải di dời.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai kiến nghị một số vấn đề liên quan đến việc di dời vào các cụm công nghiệp |
Trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, chủ trương của UBND tỉnh là không khuyến khích doanh nghiệp sản xuất ngoài khu công nghiệp và sẽ chọn lọc lại các ngành nghế sản xuất cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cũng thừa nhận rằng, thời gian qua do kinh tế khó khăn việc đầu tư các cụm công nghiệp cũng bị ảnh hưởng, việc lựa chọn các nhà đầu tư các cụm công nghiệp còn chậm do vấn đề thủ tục.
Tuy nhiên, thời gian tới sẽ có những lối mở khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 32/2024/NĐ-CP về quản lý phát triển cụm công nghiệp.
"Nghị định này có nhiều điểm mới với các thủ tục gọn hơn trước đây nên việc lựa chọn nhà đầu tư các cụm công nghiệp sẽ nhanh hơn. Đây là điều kiện để Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp để cho các doanh nghiệp bên ngoài chuyển vào", ông Trần Vũ Hoài Hạ thông tin.