Bà Đỗ Lê Thu Ngọc, Trưởng phòng Phát triển bao trùm, UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Dũng Minh |
Theo bà Ngọc, liên quan đến chuyển đổi xanh, hiện đã có các cơ chế như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon - CBAM, Quy định chống phá rừng - EUDR… Các thị trường khác cũng đang phát triển các cơ chế điều chỉnh carbon tương tự, là áp lực lớn cho doanh nghiệp khi xuất khẩu phải đáp ứng các yêu cầu về báo cáo phát triển, tác động xã hội môi trường. “Nếu doanh nghiệp không thay đổi sẽ không tham gia vào sân chơi này, không nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Đỗ Lê Thu Ngọc nhấn mạnh.
Nếu như EU có lộ trình vài năm trước khi áp dụng cơ chế carbon thì gần đây những cơ chế sau này không có thời gian để chuẩn bị như Đạo luật cạnh tranh sạch của Hoa Kỳ.
Bà Ngọc cho biết, với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam cùng các tổ chức phát triển về Chuyển đổi kép, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, mới chỉ có các doanh nghiệp lớn có khả năng tiếp cận thích ứng nhanh hơn, có nhận thức chuyển thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa thì đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt. Còn nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hay khối kinh doanh như các Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thì gần như chưa có nhận thức, hay có các hành động thay đổi hướng tới Chuyển đổi kép.
Trong bối cảnh Việt Nam có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa, để phát triển bền vững không thể chỉ có doanh nghiệp lớn tiên phong, mà cần đảm bảo doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nhóm yếu thế làm chủ không bị để lại phía sau.
"Hiện có nhiều thách thức trong câu chuyện chuyển đổi xanh, cần có nhân sự để hiểu được vấn đề chuyển đổi là gì, cách làm như thế nào. Ngoài ra, còn áp lực vừa tuân thủ quy định của nhà nước và địa phương, vừa làm ra sản phẩm đủ rẻ để người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, áp lực sẽ trở thành động lực nếu doanh nghiệp biết hóa giải thách thức thành cơ hội", bà Ngọc nhấn mạnh.
Ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger. Ảnh: Dũng Minh |
Từ góc độ của công ty tư vấn chiến lược cho các tập đoàn hàng đầu Việt Nam và các tổ chức chính quyền địa phương trong việc hoạch định chính sách, ông Trường Bùi, Tổng giám đốc Công ty Roland Berger cho biết, việc chuyển đổi kép bao gồm hai yếu tố chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi số, sẽ tạo ra nhiều thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội, động lực mới cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp lớn, việc chuyển đổi số thuận lợi hơn bởi dành ngân sách nhất định cho hạng mục này và chiến lược doanh nghiệp rõ ràng; còn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi kép vẫn là một thách thức.
Tuy nhiên, theo ông Trường Bùi, doanh nghiệp không nên nghĩ chuyển đổi năng lượng là vấn đề quá lớn mà tận dụng nguồn năng lượng trong chuỗi giá trị để thực hiện. Đối với chuyển đổi số, nên tiếp cận theo hướng nghiên cứu lại đâu là điểm nghẽn doanh nghiệp đang gặp phải, tìm ra chìa khóa giải quyết từ những điều nhỏ nhặt nhất. Chuyển đổi tận dụng nguồn năng lượng tái tạo và đưa chuyển đổi số để doanh nghiệp chuyển mình.
“Cần có tư duy, định hướng tầm nhìn rõ nét trong việc chuyển đổi số, sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn các cơ hội”, ông Trường Bùi nhận định.
Cụ thể hơn, khi doanh nghiệp FDI vào Việt Nam sẽ cần diện tích lớn để đầu tư sản xuất. Để thu hút đầu tư cần có chính sách phù hợp, nhà xưởng, khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh, chuyển đổi số. Nếu đáp ứng tốt, Việt Nam sẽ đón đầu được làn sóng xanh chuyển đổi số.