Hành động để thúc đẩy tăng trưởng xanh là xu hướng hiện nay. Trong ảnh: Taxi Xanh SM tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh. |
Yêu cầu bắt buộc
Doanh nghiệp Việt không thể đứng ngoài “cuộc chơi” ESG (môi trường - xã hội - quản trị), bởi đứng ngoài đồng nghĩa với việc tự tước đi cơ hội tăng trưởng của mình, trong điều kiện các quốc gia toàn cầu đang coi trọng yếu tố phát triển bền vững, cắt giảm phát thải và đề ra nhiều tiêu chí bắt buộc phải đáp ứng với các nhà sản xuất hàng hóa.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Thị Bích Ngọc tại Hội thảo Tìm động lực tăng trưởng từ ESG, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống và Giải pháp WBS tổ chức cuối tuần qua.
Theo bà Ngọc, trong hành trình tăng trưởng xanh, ESG là bộ tiêu chuẩn đo lường, đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đại dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu ESG liên tục tăng trưởng tốt.
“Cái khó là các doanh nghiệp không có nguồn lực”
- Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT)
Bộ KH&ĐT nỗ lực hợp tác với các nhà tài trợ quốc tế như kết hợp với USAID công bố doanh nghiệp thực hành ESG. Trong 2 năm triển khai đã tăng cường nhận thức cho khoảng 10.000 doanh nghiệp, sàng lọc 300 doanh nghiệp để hỗ trợ nâng cao năng lực, kiểm kê khí nhà kính, xây dựng lộ trình chuyển đổi mô hình kinh doanh thông thường sang kinh doanh bền vững.
Song, cái khó là các doanh nghiệp không có nguồn lực, hiện chỉ doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp lớn là có khả năng đầu tư cho ESG.
“Chúng tôi nhận được nhiều lợi ích từ việc thực hành ESG”
- Ông Nguyễn Giang Nam, Phó tổng giám đốc BCG Energy
Cuối năm 2023, BCG Energy tiến hành M&A Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa - đơn vị đã được cấp phép đầu tư xử lý tồn đọng rác thải sinh hoạt, từ đó tạo ra nguồn năng lượng sạch. Hiện nay, Tâm Sinh Nghĩa đang hoạt động dưới hình thức nhà máy xử lý, phân loại và đốt rác tại TP.HCM, Long An, Kiên Giang.
Trước đó, trong tháng 8/2023, BCG Energy ký kết hợp tác với một công ty công nghệ về dữ liệu ESG hàng đầu châu Á. Điều đó cho phép Công ty minh bạch lượng phát thải của Tập đoàn, các công ty thành viên, bởi việc thực thi ESG trong thực tế vận hành của doanh nghiệp tạo ra uy tín với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thông qua việc này, BCG Energy đã thu hút được 60 triệu USD từ các quỹ đầu tư nước ngoài, cũng như có được niềm tin của các nhà đầu tư, đối tác tại Việt Nam. Có thể nói, chúng tôi đã nhận được nhiều lợi ích từ việc thực hành ESG.
“Mong muốn nhân rộng mô hình giao thông xanh”
- Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Di chuyển xanh và thông minh
Thương hiệu “Xanh SM” ra đời và được định vị như một bước đi tiên phong trong lĩnh vực giao thông xanh. Việc này phù hợp với xu thế chung của thế giới cũng như định hướng của Chính phủ.
Mong muốn của Xanh SM là tạo ra thật nhiều giá trị cho khách hàng và đối tác. Sau 1 năm hoạt động, chúng tôi đã có 33 đối tác, hơn 50.000 phương tiện điện tại 40 tỉnh, thành phố, giảm trên 52.000 tấn CO2.
Với những nỗ lực ban đầu, Xanh SM mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ, góp sức từ các cơ quan chính phủ, ban, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, để có thể nhân rộng mô hình giao thông xanh và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
“Thực tế đã chứng minh, doanh nghiệp nào dám chi tiền đầu tư cho ESG, thực hành hiệu quả sẽ dễ dàng lọt vào ‘tầm ngắm’ của đối tác trong và ngoài nước trong các hoạt động thương mại, kinh doanh và thu hút vốn đầu tư”, bà Ngọc nói.
Tăng trưởng xanh hướng đến thịnh vượng về kinh tế đang được Việt Nam thực hiện như một quốc gia tiên phong, nhằm cụ thể hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trong hành trình đó, bà Ngọc chia sẻ: “Việt Nam luôn đặt câu hỏi, làm thế nào để vừa duy trì được tốc độ tăng trưởng, nhưng vẫn đảm bảo phát triển bền vững, giữ gìn môi trường. Đây là bài toán vô cùng hóc búa”.
Đồng quan điểm, PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, đầu tư, thực hành ESG không dừng ở việc khuyến khích doanh nghiệp, mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc. Hy vọng, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ tiếp cận theo hướng thực hành ESG là một cuộc chiến sống còn, buộc phải chiến đấu để tồn tại.
Nhận diện thách thức và rào cản
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Có không ít thách thức và rào cản khác nhau trong việc thúc đẩy thực hành ESG tại Việt Nam, bao gồm thiếu kiến thức, nguồn nhân lực và quy định của Nhà nước”.
Do đó, Việt Nam cần một chương trình toàn diện, bao gồm nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, hỗ trợ họ tiếp cận với các nhà đầu tư ESG và tác động, xây dựng khung pháp lý rõ ràng cho doanh nghiệp và tổ chức tài chính, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện ESG đúng cách.
“Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng là xuất khẩu. Khi động lực phát triển của kinh tế dựa trên xuất khẩu cũng đồng nghĩa đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến phát triển bền vững, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn như Mỹ, EU… đều tăng yêu cầu về ESG với các nhà cung ứng”, ông Patrick Haverman khẳng định.
Trong hành trình kinh doanh để có tăng trưởng, doanh nghiệp nào thực sự quan tâm đến yếu tố ESG sẽ thắng. Giá trị lâu dài của việc dám đầu tư thực hành ESG giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa, tham gia vào chuỗi cung ứng.
Vốn để đầu tư cho ESG được cho là trở ngại lớn nhất với các doanh nghiệp, nhất là Việt Nam với đặc thù 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Một tin vui, theo UNDP, các kênh tài trợ vốn cho ESG sẽ rộng mở hơn, doanh nghiệp có thể tiếp cận với các dịch vụ tài chính và đầu tư quốc tế.
Báo cáo ESG tại Việt Nam do PwC công bố cho thấy, 80% doanh nghiệp đưa ra cam kết về thực hiện ESG hoặc có kế hoạch thực hiện ESG trong vòng 2 - 4 năm tới.
Phân tích thêm về đầu tư cho ESG trong doanh nghiệp và giải pháp thu hút vốn cho ESG, ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn, mà chúng trở thành yếu tố thiết yếu. Một công ty duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao hơn sẽ được nhìn nhận tích cực hơn.
“Nhà đầu tư có xu hướng xem các doanh nghiệp có thực hành ESG sẽ ít rủi ro hơn, đồng nghĩa sẽ dễ lựa chọn những doanh nghiệp này để rót vốn”, ông Matthew Smith nói.
Việc đầu tư cho ESG trong hệ thống doanh nghiệp Việt dù đã có những tín hiệu tích cực hơn, số doanh nghiệp đưa ra cam kết về ESG hoặc có kế hoạch thực hiện ESG gia tăng, nhưng theo UNDP, 70% doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về các dữ liệu được yêu cầu, 76% thiếu cơ chế quản lý rõ ràng, 70% không có báo cáo ESG hoặc rất hạn chế. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng khai khống về các thành tựu ESG.
Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) cho hay, trong 3 yếu tố của ESG, yếu tố G (quản trị ) là khó khăn nhất. G mà chưa đạt thì nói gì đến E (môi trường) và S (xã hội).
“Chúng tôi đánh giá, doanh nghiệp đã có nhận thức về ESG, hiện nay chính sách có rồi, nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi triển khai và chưa biết tận dụng. Thực tế, chương trình hành động của các bộ, ngành vẫn chưa rõ ràng, để doanh nghiệp nhìn vào biết mình cần phải làm gì. Từ cấp vĩ mô tới vi mô còn nhiều điều cần phải làm để cụ thể hóa thực hiện mục tiêu đề ra nhằm đạt được Net Zero vào năm 2050”, bà Thủy nói.
Hiện, Bộ KH&ĐT đang làm phân ngành kinh tế xanh để trình Chính phủ, từ đó có tiêu chí xây dựng chính sách ưu đãi (chẳng hạn, Chính phủ có hỗ trợ Vingroup xây dựng trạm sạc hay không). Nếu Chính phủ không định hướng thì doanh nghiệp rất khó tiến hành.
Nêu thêm trở ngại của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn cho thực hành ESG, bà Thủy cho biết, quy trình tiếp cận để được hỗ trợ cũng rất phức tạp, nhiều tầng nấc. Thành thử, nếu có các tổ chức nước ngoài hỗ trợ, các doanh nghiệp thích tham gia hơn là vốn tài trợ từ Nhà nước.
Tín hiệu tích cực là thời gian gần đây, dòng vốn ESG đang chuyển hướng sang châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Theo thống kê của Morningstar, trong năm 2023, các quỹ đầu tư bền vững ở khu vực Đông Nam Á thu hút được vốn ròng là 325 triệu USD, cao hơn 11,2% so với con số 292 triệu USD của năm 2022.
Những doanh nghiệp tiên phong
Đầu tư cho ESG đòi hỏi nguồn vốn lớn, cần sự thống nhất cao của tổ chức doanh nghiệp. Trong hành trình đó, mỗi doanh nghiệp tự chọn cho mình mô hình triển khai phù hợp với điều kiện tài chính, quy mô hoạt động.
Công ty cổ phần Én Vàng quốc tế (Hải Phòng), kinh doanh dịch vụ vận tải cho hay, các cổ đông quyết định từ năm 2024 không đầu tư xe xăng, chuyển sang đưa xe điện vào vận hành kinh doanh.
“Chúng tôi làm vận tải, đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường hàng ngày, nên việc thay đổi phương tiện từ xăng sang điện, giúp môi trường tốt hơn là cấp thiết”, ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty Én Vàng quốc tế chia sẻ.
Theo ông Định, Hải Phòng luôn vận động doanh nghiệp tiên phong trong phát triển xanh, bền vững, nhưng đến nay chưa có hỗ trợ. Doanh nghiệp cố gắng lấy giá cước xe điện như xe xăng, hy vọng thời gian tới sẽ có những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp có niềm tin hơn, mạnh dạn thay đổi.
“Hiện nay, những doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vinasun chưa dám đầu tư xe điện vì câu chuyện tồn tại. Chúng tôi tin tưởng vào lựa chọn của mình và hoàn toàn không ân hận khi chuyển sang xe điện”, ông Định nhấn mạnh.
Một doanh nghiệp trong mảng năng lượng tái tạo là BCG Energy cũng đang đi đúng định hướng của Chính phủ về phát triển năng lượng tái tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. BCG Energy vừa ký kết thỏa thuận với SK Ecoplant để cùng hợp tác phát triển 700 MW năng lượng tái tạo tại Việt Nam, bao gồm 300 MW điện gió trên bờ, 300 MW điện mặt trời trên mái nhà và 100 MW điện mặt trời trên mặt đất. Sắp tới, với việc phát triển thêm điện sinh khối, sản xuất điện từ rác thải sinh hoạt, công suất có thể nâng lên 2 GW.