Doanh nghiệp
Doanh nghiệp lại đứng giữa ngã ba
Khánh An - 05/05/2024 08:32
Hàng loạt câu hỏi lại tiếp tục được doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đưa ra, khi các quy định pháp luật có hiệu lực, nhưng không đủ điều kiện thực thi.
Doanh nghiệp gặp khó nhiều khi do chính quy định của các bộ, ngành.   Ảnh: Đức Thanh

Cơ quan nào cũng đồng thuận, mà doanh nghiệp không biết làm sao

Đăng đàn sau những tranh luận của các doanh nghiệp về việc khó tìm kiếm sự đồng thuận 100% khiến nhiều phương án sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định về pháp luật kinh doanh bị ách tắc, thậm chí không được đưa vào kế hoạch triển khai năm 2024, đại diện Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y mang đến một tình huống khác biệt.

“Vấn đề của chúng tôi được tất cả cơ quan liên quan đồng thuận là cần phải sửa đổi, thậm chí đã được lùi thời gian thực hiện từ năm 2016 đến tháng 2/2024 do bất cập. Nhưng đến giờ, sau nhiều cuộc họp, sự đồng thuận vẫn chỉ dừng lại đó”, ông Bạch Quốc Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Sản xuất và Kinh doanh thuốc thú y chia sẻ.

Chuyện là, năm 2015, Luật Thú y được ban hành, với yêu cầu thuốc thú y phải được quản lý chất lượng bằng quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, quy định này nhanh chóng trở nên không cần thiết vì chất lượng sản phẩm thuốc thú y đã được quản lý bởi hai công cụ chính sách mạnh hơn rất nhiều là đăng ký lưu hành và quy trình sản xuất GMP.

Trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh, vừa được công bố cuối tháng 4/2024, các chuyên gia Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, quy định đăng ký lưu hành, kèm với thủ tục khảo nghiệm, giúp bảo đảm rằng, mỗi dòng sản phẩm sẽ an toàn và hiệu quả đối với vật nuôi. Quy định về quy trình sản xuất GMP giúp bảo đảm, mỗi lô sản phẩm cụ thể, mỗi liều thuốc thú y được sản xuất giống như mẫu đã được dùng để khảo nghiệm ban đầu. Ngay cả quy định về thuốc dành cho người trong Luật Dược cũng chỉ cần đăng ký lưu hành và GMP, không cần hợp quy.

Thời điểm đó, các doanh nghiệp đã phản ánh bất cập với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và bộ này đã nhanh chóng nhận ra và ban hành các thông tư để lùi thời hạn áp dụng quy định về hợp quy thuốc thú y đến ngày 14/2/2024. Đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự thảo Thông tư với nội dung tiếp tục lùi thời hạn áp dụng quy định về hợp quy thuốc thú y đến năm 2029.

Đến nay, ông Thắng thông tin, thông tư này chưa được ban hành và dự kiến không ban hành nữa vì đã bị “tuýt còi” là trái thẩm quyền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tuân thủ quy định hợp quy nếu muốn bán hàng.

Thị trường và doanh nghiệp sẽ lại là sân chơi của một số doanh nghiệp nhất định, nếu tư duy quản lý cũ trở lại...

Tuy nhiên, các cơ quan liên quan đang rất chia sẻ với doanh nghiệp. Trong nhiều cuộc họp từ đầu năm, đặc biệt là sau thời hạn tháng 2/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất giải pháp cho phép tạm ngưng hiệu lực quy định hoặc không xử phạt hành chính với trường hợp đã có giấy chứng nhận lưu hành, nhưng chưa thực hiện quy định hợp quy. Về dài hạn, bộ này kiến nghị sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật theo hướng loại trừ thuốc thú y ra khỏi sản phẩm phải công bố hợp quy.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đồng tình với bất cập của doanh nghiệp, nhưng lại cho rằng, không cần sửa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, vì đó là luật khung và đề nghị doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi pháp luật chuyên ngành về chăn nuôi...

Vấn đề là, trong thời điểm này, doanh nghiệp buộc phải tuân thủ quy định về hợp quy nếu không muốn vi phạm pháp luật.

“Để thực hiện việc này, doanh nghiệp sẽ phải đợi nhiều tháng, thậm chí cả năm mới đủ điều kiện để bán hàng. Chúng tôi không biết phải kiến nghị thế nào nữa”, ông Thắng cho biết.

Vì theo quy định, hơn 20.000 dòng sản phẩm sẽ phải thực hiện quy định này, trong khi chỉ có 3 đơn vị đánh giá sự phù hợp có thể thử nghiệm thuốc thú y phục vụ cho thủ tục hợp quy. Trong thời gian này, các lại thuốc trên sẽ không được bán ra, nguy cơ thiếu thuốc cung cấp cho thị trường hiển hiện. Đó là chưa tính chi phí của việc hợp quy này sẽ khiến chi phí sản xuất - kinh doanh tăng khoảng 10%, tuỳ sản phẩm...

Nhưng nhiều doanh nghiệp đã chọn tiếp tục bán hàng, chấp nhận chịu phạt để cung ứng hàng cho thị trường...

Có những quy hoạch rậm rịch quay trở lại

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế (VCCI) dấy lên nhiều lo ngại khi cho biết, đang có sự trở lại quy định có tính chất là quy hoạch ngành trong một số chính sách dự kiến ban hành trong năm nay.

Tình trạng này, theo ông Đức, đang được nhìn thấy lẩn khuất trong nhiều dự thảo, như Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (phiên bản tháng 9/2023) hay Dự thảo Luật Công chứng (phiên bản tháng 10/2023). Các dự thảo này lại quy định trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe phù hợp với quy hoạch, lập tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào dân cư, nhu cầu... Thậm chí, Luật Chăn nuôi có quy định liên quan đến mật độ chăn nuôi...

Mục tiêu được các ban soạn thảo lý giải là “giảm thiểu sự đầu tư xây dựng tràn lan, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động và gây lãng phí của cải xã hội” hay “xuất hiện xu hướng hàng loạt văn phòng công chứng xin chuyển về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã, dẫn đến tình trạng một số tỉnh, thành phố tại một số địa bàn cấp huyện không có văn phòng công chứng hoạt động...”.

“Quan điểm của chúng tôi, dựa vào nhu cầu của thị trường, công chứng viên sẽ thành lập văn phòng công chứng ở những nơi có nhiều khách hàng. Việc chuyển dịch các văn phòng công chứng về đô thị hoặc khu trung tâm của huyện, thị xã là xuất phát từ nhu cầu của thị trường. Điều đó cũng cho thấy, trước đây, việc Nhà nước áp đặt quy hoạch về số lượng văn phòng công chứng theo địa bàn là chưa thực sự phù hợp, là can thiệp vào thị trường”, ông Đức phân tích.

Hơn nữa, theo quy định tại Luật Công chứng, bên cạnh hình thức là văn phòng công chứng do tư nhân thành lập, thì còn có phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp) do Nhà nước thành lập. Để giải quyết sự thiếu vắng văn phòng công chứng ở một số địa bàn dẫn tới việc người dân gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục công chứng, địa phương hoàn toàn có thể thành lập các phòng công chứng.

“Bổ sung quy định trên là chưa hợp lý, tạo rào cản bất hợp lý cho các chủ thể kinh doanh trong lĩnh vực này”, ông Đức bình luận.

Cần phải nhắc lại, Luật Quy hoạch 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch 2018 có hiệu lực, rất nhiều quy định liên quan đến quy hoạch ngành trong nhiều luật đã bị bãi bỏ. Nhìn dưới góc độ cạnh tranh, việc nhà Nhà nước từ bỏ các quy định áp đặt về số lượng chủ thể kinh doanh trên thị trường là bỏ đi các biện pháp can thiệp hành chính bất hợp lý vào thị trường, cản trở các chủ thế kinh doanh đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh có thể gia nhập thị trường.

Thị trường và doanh nghiệp sẽ lại là sân chơi của một số doanh nghiệp nhất định, nếu tư duy quản lý cũ trở lại...

Câu hỏi về trách nhiệm giải trình

Trao đổi với các doanh nghiệp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cũng buộc phải đặt câu hỏi, làm thế nào để giải quyết dứt điểm các vướng mắc đã kéo dài dai dẳng mà các bộ, ngành đã phát hiện bất cập, có đưa ra giải pháp?

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn toàn có thể kiến nghị Chính phủ, để Chính phủ trình Quốc hội đưa vào kế hoạch sửa đổi điều khoản bất cập của luật, theo cơ chế một luật sửa nhiều luật. Quốc hội có cơ chế, nhưng chỉ làm được khi có sự chủ động của Chính phủ, mà trong trường với doanh nghiệp thuốc thú y là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu Bộ không hành động, thì sẽ không thể giải quyết được”, bà Thảo thẳng thắn.

Rõ ràng, phản ứng chính sách cũng như trách nhiệm giải trình của các bộ đang là vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, nhưng không nhận được tín hiệu rõ ràng.

Tương tự, các vướng mắc trong thủ tục phòng cháy, chữa cháy cũng đã vài năm, cả Bộ Xây dựng và Bộ Công an đều cam kết sửa đổi, hoàn thiện văn bản khi đối thoại với doanh nghiệp.

Nhưng mấy năm rồi, cho tới thời điểm này, theo bà Thảo, tình trạng vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện dự thảo. Trong bối cành này, rất nhiều doanh nghiệp lại tiếp tục đợi có quy định để thực thi...

Tin liên quan
Tin khác