Chuyển đổi số - Kinh tế số
Doanh nghiệp tạo nên mặt bằng tăng trưởng mới sau 3 năm chuyển đổi số
Hải Yến - 08/04/2023 08:28
Nhà sản xuất bóng đèn, phích nước hàng đầu phía Bắc, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nói rằng, đã chuyển đổi số thành công, nhờ đó sau 3 năm, doanh thu tăng trưởng gấp đôi.
Lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, doanh nghiệp tăng trưởng doanh số gấp đôi nhờ chuyển đổ số. (Ảnh: HY).

Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) chia sẻ với báo giới thông tin này khi đề cập tới câu chuyện doanh nghiệp chuyển đổi số tại Diễn đàn Công nghệ  Amazon Web Services Cloud 2023.

Trước đó, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này chỉ duy trì ở mức 8-10%/năm, nhưng sau 3 năm chuyển đổi số, tốc độ tăng trưởng trung bình của Rạng Đông đã vượt 20%, tức là tăng trưởng gấp đôi. Mốc chuyển đổi số của doanh nghiệp này vào năm 2020.

Báo cáo tài chính quý IV và lũy kế cả năm 2022 mà doanh nghiệp công bố hồi đầu năm nay với kết quả kinh doanh cao kỷ lục. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần quý cuối năm 2022 đạt 2.806 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế  đạt gần 210 tỷ đồng trong quý cuối năm 2022, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của Rạng Đông đạt 6.909 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế công ty đạt 486 tỷ đồng, tăng 18%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà công ty này ghi nhận được kể từ năm 2006 đến nay.

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, những con số này chứng minh rằng, sau khi chuyển đổi số, doanh nghiệp đã tạo nên 1 mặt bằng tăng trưởng mới. 

Hiện tại, Rạng Đông có thể quản lý nền sản xuất thông minh, trở thành một doanh nghiệp thực số, tăng năng suất lao động, nâng cao trình độ tự động hóa, nâng cao năng lực điều hành theo thời gian thực, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường.

"Phải có lộ trình chuyển đổi số cụ thể. Vì số hóa, chuyển đổi số phải gắn với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng tôi phải chia ra từng giai đoạn trong từng năm, mỗi giai đoạn giải quyết 1 số vấn đề", ông Kết chia sẻ.

Theo đó, giai đoạn đầu của chuyển đổi số là giai đoạn "dò đá tìm đường", số hóa 1 số quy trình riêng lẻ. Giai đoạn 2 trên cơ sở quy trình được số hóa thì đồng bộ hóa từng phần rồi tiến tới đồng bộ hóa toàn phần và làm cho bánh đà tăng trưởng nó bắt đầu quay. Giai đoạn 3 mới bắt đầu xây dựng nền sản xuất thông minh, linh hoạt".

Thực tế, Rạng Đông đã tập trung chuyển đổi số trong 6 lĩnh vực:, bao gồm: Hoàn thiện phát triển hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ;  xây dựng các nhà máy sản xuất thông minh; chuẩn hóa và tối ưu hóa quy trình tổ chức; phát triển triển khai Marketing 4.0; phát triển mô hình DBM – O2O (Online to Offline và Offline to Online) và cuối cùng là công nghệ kết nối và công nghệ dữ liệu.

Có được kết quả ấn tượng ban đầu sau chặng đường đầu tiên thực hiện số hóa, nhưng ông Kết bộc bạch: "Sẽ không có hình mẫu chung nào về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, mà dựa vào lĩnh vực kinh doanh, phạm vi hoạt động, điều kiện tài chính, mỗi doanh nghiệp có sự chuyển đổi không giống nhau".

Vì chuyển đổi số không phải chỉ là vấn đề áp dụng công nghệ mà còn là vấn đề chuyển đổi về mặt tư duy, nhận thức, chuyển đổi về chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh và chuyển đổi mô hình điều hành. Đặc biệt trong chuyển đổi số người ta phải thực hiện việc chuẩn hóa quy trình, tối ưu hóa mô hình điều hành, mô hình tổ chức.

"Cơ duyên" là Rạng Đông đã lựa chọn AWS, nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây với nhiều giải pháp phục vụ doanh nghiệp, vừa tối ưu mục tiêu kinh doanh, và tiết kiệm chi phí đầu tư

Khi một doanh nghiệp sử dụng dịch vụ điện toán đám mây của AWS, thì không cần phải đầu tư ban đầu, chỉ cần trả tiền cho dịch vụ tùy theo mức độ sử dụng. Các giải pháp của AWS giúp doanh nghiệp tiết kiệm tài chính, khắc phục được hạn chế về nguồn nhân lực, vẫn giúp mang lại độ ổn định, độ tin cậy rất cao, nhờ đó, giúp gia tăng được giá trị cho khách hàng trải nghiệm.

Tại Việt Nam, AWS đã giúp hàng nghìn DNVVN thuộc các lĩnh vực khác nhau thực hiện chuyển đổi số hoạt động kinh doanh nhờ tận dụng sức mạnh của đám mây AWS, bao gồm các khách hàng từ lĩnh vực giáo dục (VietED, Online Management Training), dịch vụ tài chính (Mcredit), sản xuất (Điện Quang, Đồng Tâm Group), bán lẻ và hàng tiêu dùng (Merchize, Uniben, ACFC Group) ..

Trong nỗ lực hỗ trợ các khách hàng doanh nghiệp hạn chế về tài chính AWS vừa cho ra đời AWS Lift - một chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số với mức hỗ trợ lên tới 85.000 USD (tương ứng 1,96 tỷ đồng) trong 12 tháng.

Nói với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn tại Diễn đàn Công nghệ, ông Gunish Chawla, Giám đốc điều hành bộ phận Doanh nghiệp thị trường tầm trung & doanh nghiệp vừa và nhỏ của Amazon Web Services (AWS) ASEAN cho biết, khoảng 98% doanh nghiệp Việt có quy mô vừa và nhỏ, nhưng lại đóng góp tới 50% GDP và tạo việc làm cho hơn 70% lao động, thì công nghệ điện toán đám mây giải quyết nhiều vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. 

Tin liên quan
Tin khác