Thông tin được ông Orkhan Mammadov, Chủ tịch cơ quan phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Azerbaijan, chia sẻ tại “Diễn đàn Đầu tư và Kinh doanh Quốc tế”, do Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tổ chức chiều ngày 30/5.
Sau 65 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và thiết lập ngoại giao với nước Cộng hòa Azerbaijan, thương mại và đầu tư giữa 2 nước đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Như trong năm 2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Azerbaijan đạt 702,5 triệu USD, tăng 730% so với năm 2021.
Khoảng 5.000 cựu sinh viên Việt Nam sang học tập về lĩnh vực Dầu khí tại Azerbaijan.
“Tuy nhiên, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có thể hợp tác sâu rộng hơn nữa với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch”, ông Orkhan Mammadov bày tỏ.
Bên cạnh các doanh nghiệp Azerbaijan, diễn đàn cũng chào đón sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Với Kazakhstan, năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan trong năm 2023 đạt 401,8 triệu USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Kazakhstan đạt 391,0 triệu USD. Nhập khẩu của Việt Nam từ Kazakhstan đạt 10,8 triệu USD.
Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan tại ASEAN sau Singapore.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, việc Turkish Airlines mở 2 đường bay thẳng từ Hà Nội, TPHCM (Việt Nam) tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào năm 2016 không chỉ là cầu nối giao thông quan trọng mà còn góp phần xóa dần khoảng cách và tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác lâu dài.
“Diễn đàn tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tới các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của nước khác. Một sân chơi để tìm kiếm nhân tài cùng học hỏi, đầu tư”, TS. Định Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết Việt Nam là quốc gia có tiềm năng sản xuất và xuất khẩu nhiều chủng loại mặt hàng, bao gồm cả hàng công nghiệp và nông nghiệp.
Việt Nam sở hữu lợi thế và có thể xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại, xơ sợi, giày dép, đồ gỗ, sắt thép, gạo, thủy sản, trái cây nhiệt đới, gia vị (hạt tiêu, quế, hồi, nước xốt), cà phê, chè, cao su, thực phẩm chế biến (trái cây sấy khô, đóng hộp, mì, bún miến khô)...
Cùng với đó, Việt Nam cũng mong muốn được đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ như giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, logistics, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính,…
“Diễn đàn là một cơ hội thiết thực để các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam và các nước Azerbaijan, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, từ đó vượt qua khoảng cách địa lý để trở thành những bạn hàng thương mại, đầu tư của nhau trong tương lai”, ông Trần Thanh Hải bày tỏ.