Hoan nghênh đề xuất của Bộ Tài chính về việc giảm mức thu của 36 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng cuối năm, nhưng doanh nghiệp vẫn còn một số thắc mắc.
Theo Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đang được lấy ý kiến doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã giảm mức thu của 36 loại phí, lệ phí từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023. Tỷ lệ giảm từ 10-50% tùy loại phí, lệ phí.
Đáng chú ý, nhiều loại phí liên quan đến hoạt động thẩm định các điều kiện và cấp giấy phép kinh doanh với mức giảm là 50% so với quy định hiện hành, như lệ phí cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân, phí thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc phí thẩm định báo cáo kinh tế - kỹ thuật;
Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch hay phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài; Lệ phí cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy và chữa cháy… cũng có mức giảm 50%.
Tuy nhiên, góp ý cho Dự thảo Thông tư, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp, VCCI thắc mắc, một số loại phí khác cùng tính chất như trên. nhưng mức giảm lại khá thấp.
Ví dụ, phí thẩm định điều kiện kinh doanh trong hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động giảm 30%; phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản giảm 10%; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự, giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm mật mã dân sự giảm 20% …
“Điều này có thể khiến chính sách giảm phí trở nên thiếu rõ ràng, tại sao thủ tục cùng tính chất mức giảm lại khác nhau. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát Dự thảo và nâng mức giảm của các loại phí trên lên bằng các loại phí có tính chất tương tự”, VCCI gửi kiến nghị tới Bộ Tài chính.
Cùng với đó, VCCI nhắc tới danh mục hơn 220 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, rất nhiều ngành nghề đầu tư kinh doanh trong số này đang được quản lý theo cơ chế thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh.
Trong khi đó, Dự thảo mới chỉ giảm các mức phí liên quan đến hoạt động thẩm định điều kiện kinh doanh và cấp phép của khoảng 9-10 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này khiến cho mức độ tác động của chính sách giảm phí bị hạn chế đáng kể.
Trong văn bản gửi tới Bộ Tài chính, VCCI kiến nghị Ban soạn thảo cân nhắc rà soát các loại phí liên quan đến cấp phép kinh doanh của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để giảm thêm các loại phí.