Các doanh nghiệp ngành nhựa đạt tăng trưởng mạnh trong giai đoạn thị trường giảm tốc vừa qua |
Đảo chiều phút chót
Quý II/2022 ghi nhận biến động tăng bất thường của giá xăng dầu trong nước cũng như trên toàn thế giới. Với 1 lần giảm và 8 lần tăng, giá bán lẻ xăng RON 95-III tại thời điểm ngày 30/6 ở mức 32.870 đồng, tăng 16,8% chỉ trong một quý và tăng bình quân gần 55% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, điều khá nghịch lý là Petrolimex, đầu mối phân phối xăng dầu nắm thị phần lớn lớn nhất và tích trữ được lượng lớn tồn kho trong xu hướng tăng của giá hàng hóa, vẫn báo lỗ gần 279 tỷ đồng, dù doanh thu tăng tới 80%.
Ngày 30/6 là thời điểm khép lại hoạt động kinh doanh quý II/2022, nhưng con số lợi nhuận của Petrolimex lại phải “chốt” vào thời điểm lập báo cáo tài chính. Ba lần điều chỉnh giảm trong tháng 7 đã kéo giá xăng xuống thấp hơn mức giá đầu tháng 4 và khiến công ty mẹ Petrolimex phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6/2022.
“Điều này nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho các nhà đầu tư”, đại diện Petrolimex cho hay.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cũng buộc doanh nghiệp này phải nhập khẩu để bù đắp sản lượng, tích trữ lượng tồn kho kỷ lục vượt mốc tỷ đô. Vì vậy, chỉ một thay đổi nhỏ của giá xăng trên lượng xăng dầu lớn cũng đã làm “phình to” khoản trích lập dự phòng.
Theo lãnh đạo Petrolimex, nếu không trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho, thì lợi nhuận hợp nhất trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn là 1.552 tỷ đồng, gấp 5,3 lần con số ghi nhận trên báo cáo tài chính. Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2022 tổ chức đầu tháng 6, ông Trần Ngọc Năm, thành viên Hội đồng Quản trị, kiêm Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng ước tính mức lợi nhuận 5 tháng đầu năm đã hoàn thành 44% kế hoạch cả năm. Nhưng, biến động giá xăng trong giai đoạn ngắn lập báo cáo tài chính đã kéo tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau 6 tháng của Petrolimex giảm xuống dưới 10%.
Trong khi đó, PV Oil - đầu mối xăng dầu lớn thứ hai cả nước vẫn báo lãi gấp đôi cùng kỳ năm 2021. Doanh thu gấp rưỡi cùng kỳ cùng việc không trích lập dự phòng quá lớn cho hàng tồn kho giúp lợi nhuận của PV Oil đạt 620 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng khoản lãi quý II đã bỏ xa lợi nhuận mục tiêu cả năm, giúp PV Oil vượt 94,7% kế hoạch sau nửa đầu năm.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng của giá xăng. Khoảng chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm (crack margin) tốt hơn nhiều cùng kỳ cộng với doanh thu tăng vọt giúp doanh nghiệp sản xuất - chế biến này báo lãi gần 10.000 tỷ đồng trong quý II và 12.930 tỷ đồng trong nửa đầu năm, gấp 9,5 lần kế hoạch cả năm. Dù cũng dự phòng giảm giá tồn kho gần 454 tỷ đồng, song con số này chỉ tương đương 3,35% giá trị tồn kho của Công ty, làm giảm nhẹ khoản lãi “khủng” thu về. Kết quả kinh doanh của Lọc hóa dầu Bình Sơn vẫn đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Biến động biên lợi nhuận
Giá cả hàng hóa với những nhịp biến động liên tục khiến rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán “thấp thỏm”.
Mặt hàng tôn thép từng vào pha tăng mạnh trong giai đoạn tháng 3/2020 - tháng 5/2021. Tiếp đó, đà giảm đã diễn ra rõ rệt từ tháng 10/2021 đến nay, nới rộng chênh lệch kết quả kinh doanh quý II/2022 so với cùng kỳ tại hầu hết doanh nghiệp trong ngành này. Việc tích trữ tồn kho trong xu hướng giá tăng giúp các doanh nghiệp cải thiện biên lợi nhuận, nhưng lại là “con dao hai lưỡi” kéo giảm biên lãi gộp và chất tăng chi phí dự phòng trên lượng tồn kho hiện có.
Từ giữa tháng 7 đến nay, giá thép có nhịp phục hồi từ mức thấp nhất trong 21 tháng, nhưng không tác động đến kết quả kinh doanh quý II. Hòa Phát - doanh nghiệp đứng đầu ngành thép về quy mô tài sản và thị phần - phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thêm 575 tỷ đồng trong riêng quý II/2022. Tồn kho đến cuối quý II/2022 đã tăng vọt và đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của Công ty sau 3 quý giảm nhẹ liên tiếp. Trong đó, giá trị thành phẩm và nguyên vật liệu có mức tăng mạnh nhất, lần lượt là 52,9% và 30,3%. Một số công ty cũng phải trích dự phòng tồn kho lên đến trăm tỷ đồng. Doanh thu bán hàng của một số doanh nghiệp vẫn giữ được tăng trưởng, nhưng biên lãi gộp lao dốc khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh, có doanh nghiệp giảm đến 40% so với cùng kỳ.
Sau vài quý cải thiện về doanh thu và biên lợi nhuận gộp trong giai đoạn đầu khi Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan cách đây hơn một năm, ngành đường cũng đã thu hẹp biên lợi nhuận trong quý II vừa qua. Nguyên nhân bởi giá đường giao kỳ hạn đã rơi xuống còn khoảng 17,5 UScent/pound vào cuối tháng 7.
Cùng với đó, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ngành đường còn đối mặt với xu hướng tăng của giá vật tư nông nghiệp và đầu ra gặp “bế tắc” trong 5 tháng gần đây, mặc dù đường nhập khẩu có nguồn gốc Thái Lan đã bị áp thuế, thị trường thời gian qua đã có sự dịch chuyển và gia tăng bất thường đối với lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia thuộc ASEAN.
Nhẹ gánh chi phí đầu vào
Dự kiến chiều tối nay (10/8) theo giờ Việt Nam, số liệu lạm phát tháng 7 của Mỹ, cũng là tâm điểm theo dõi của giới đầu tư tuần này, sẽ được công bố. Nhiều dự báo kỳ vọng, con số lạm phát của Mỹ trong tháng 7 sẽ chỉ khoảng 8,7%, thấp hơn so với tháng 6 (9,1% - mức cao nhất trong hơn 40 năm qua). Giá nhiều hàng hóa thô (đặc biệt là mặt hàng xăng dầu, khí đốt) đã hạ nhiệt thời gian qua được kỳ vọng sẽ kéo lạm phát điều chỉnh.
Trong khi nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng vì giá đầu ra giảm, giai đoạn giảm tốc này lại khá thuận lợi cho nhà sản xuất phụ thuộc vào giá cả hàng hóa là nguyên vật liệu đầu vào. Đó là trường hợp của Công ty Nhựa Bình Minh và Công ty Nhựa Tiền Phong. Cả hai doanh nghiệp này đều báo lãi phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Lợi nhuận của Nhựa Bình Minh liên tục lao dốc từ quý III/2020, thậm chí thua lỗ vào quý III/2021 khi thị trường miền Nam “tê liệt” vì các lệnh giãn cách xã hội và giá nguyên liệu nhựa biến động mạnh (tăng 1,6 lần trong năm 2021). Tuy nhiên, cũng từ quý thua lỗ này, lợi nhuận của Nhựa Bình Minh liên tục tăng trưởng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp của Nhựa Tiền Phong cũng đã hồi phục 3 quý liên tiếp. Cùng với sự mở rộng nhanh của doanh thu, Nhựa Tiền Phong báo lãi quý II/2022 cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động với lợi nhuận trước thuế đạt 212 tỷ đồng. Dù mới hoàn thành 56% kế hoạch doanh thu, nhưng Nhựa Tiền Phong đã đạt 82,4% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Theo Tổng giám đốc Nhựa Bình Minh, ông Nguyễn Hoàng Ngân, giá nguyên liệu nhựa giảm trong khi giá bán vẫn giữ nguyên và không tăng chiết khấu, giúp Công ty đạt biên lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiềm ẩn tính bất ổn, nên doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình để có mức tồn kho hợp lý.
Thời gian qua, giá vật liệu xây dựng (sắt thép, xi măng, sơn, gạch, đá, dây điện...) cũng tăng cao. Với phần nhiều nhà thầu xây dựng, giá vật liệu xây dựng tăng sẽ đội chi phí và tăng tương ứng ở giá thầu, nên không bị ảnh hưởng. Khi đó, chủ đầu tư là bên gặp khó và có thể phải lựa chọn chậm lại tiến độ thi công. Giá các loại vật liệu hạ nhiệt sẽ là yếu tố giúp tiết giảm chi phí dự án, hạn chế tình trạng thi công cầm chừng.
Một doanh nghiệp khác cũng được các chuyên gia phân tích kỳ vọng hưởng lợi từ sự đi xuống của giá đầu vào là Vinamilk. Nguyên liệu sữa đã tăng giá mạnh trong nửa cuối năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, tạo áp lực làm giảm biên lợi nhuận gộp chung của các công ty trong ngành. Tuy nhiên, điểm tích cực là giá nguyên liệu sữa đang có tín hiệu suy giảm và đi ngang vài tháng gần đây. Việc cải thiện biên lợi nhuận gộp cùng mức nền so sánh thấp cùng kỳ sẽ là cơ sở để nhiều doanh nghiệp đạt được mức tăng trưởng tốt ở nửa cuối năm 2022.
Ở thời điểm hiện tại, giá dầu Brent đang tiến gần về mức giao dịch tại thời điểm bắt đầu xảy ra xung đột Ukraine hồi cuối tháng 2/2022 nhờ những đợt giảm mạnh 2 tháng gần đây.