Doanh nghiệp
Doanh nghiệp thời 4.0 và hệ quy chiếu… phi truyền thống
Khánh An - 04/09/2017 08:03
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang biến những thứ từng là không thể, thành có thể, phá vỡ mọi giới hạn của sức sáng tạo. Đây cũng là thời điểm vàng để nền kinh tế Việt Nam có thể ký tên vào thị trường thế giới.

Giấc mơ thế hệ

Thông tin về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị bỏ hơn một nửa trong số khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh hiện tại khiến ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) phấn khích.

“Nếu thoát được “cùm” của Nghị định 109, tôi sẽ ngay lập tức lên máy bay, đưa gạo Việt tới Mỹ”, ông Thiện viết trên trang facebook cá nhân.

Nỗ lực xóa bỏ rào cản kinh doanh của Chính phủ đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất Bphone của Bkav.

Không chỉ một mình CEO của Cỏ May phấn khích, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ tâm sự này với nhiều lời động viên. Một viễn cảnh đẹp cũng được hình dung, đó là sự song hành của gạo, cá tra và nhiều sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu Việt Nam tại các thị trường lớn trên thế giới.

Với ông Thiện và Cỏ May, đưa gạo thương hiệu Việt tới Mỹ không phải là giấc mơ bất chợt. Hơn 30 năm trước, vào năm 1988, khi Nhà nước cho phép tư nhân được tham gia kinh doanh lương thực, Tổ hợp tác sản xuất xà bông Cỏ May do ông Phạm Văn Bên, bố của ông Thiện gây dựng từ năm 1981, đã quyết định đầu tư một nhà máy xay xát, chế biến lương thực, khởi động giấc mơ về thương hiệu gạo Việt.

“Thời điểm đó, bố tôi đã nói tới hạnh phúc của người nông dân, sự phồn vinh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bằng việc làm cho gạo Việt Nam bán được giá hơn”, ông Thiện – người kế nghiệp Cỏ May từ năm 2013 -  kể.

Nhưng, phải mất nhiều năm sau, tới năm 2012, Cỏ May mới chính thức đầu tư cho gạo chất lượng cao, với việc xây dựng nhà máy chế biến lương thực công suất 80.000 tấn/năm. Cuối năm 2013, Cỏ May lần đầu xuất khẩu gạo chất lượng cao thương hiệu Nosavina sang Singapore.

“Chúng tôi gọi đây là bước đi lịch sử đầu tiên, nhưng không thể là cuối cùng. Chúng tôi tin là gạo Việt Nam không thua bất cứ thương hiệu nào trên thế giới, kể cả thương hiệu của Thái Lan. Chúng tôi đã mất nhiều năm nghiên cứu, đã làm thử và đã thấy điều này. Nhưng, chúng tôi không muốn thua vì cái cùm… 109”, ông Thiện thẳng thắn.

Cũng giống như ông Thiện, ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang nhận trách nhiệm xây dựng Đề án thành lập Làng nghề khởi nghiệp từ các hội viên và các hộ kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ trong làng.

Như nhiều hộ dân trong làng, gia đình ông Vương đã nhiều đời làm nghề gỗ, có lúc thăng, lúc trầm, nhưng đang sống chết với nghề. Bố ông Vương là một trong những người đầu tiên trong làng lập doanh nghiệp kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, đưa hàng của làng đi khắp cả nước, ra tới thị trường Trung Quốc, Đài Loan…

“Nhưng nhu cầu thị trường thay đổi, mà làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ như hàng chục năm trước, thì không thể phát triển được. Nhiều người trẻ đã không muốn theo nghề nữa. Chúng tôi không chỉ muốn giữ lại một làng nghề mà muốn đi xa hơn bằng chính thương hiệu Đồng Kỵ”, ông Vương lý giải công việc được giao phó.

Một năm qua, ông Vương và các hội viên đã dự thảo được 50 trang của Đề án, trong đó đề xuất lập Cụm công nghiệp làng nghề gỗ Đồng Kỵ rộng 50 ha, đầy đủ cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển đồ gồ mỹ nghệ chất lượng cao. Trong tháng 9 này, cả nhóm dự kiến xin thêm ý kiến các cơ quan tư vấn chính sách, các luật sư để hoàn thiện Đề án, trước khi chính thức trình UBDN tỉnh Bắc Ninh.

“Chúng tôi đã thuyết phục được các hộ dân góp quyền sử dụng đất, góp tiền, của để xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Đồng Kỵ. Chúng tôi không đợi Nhà nước cho vốn, mà cần cơ chế và dẫn hướng cho chúng tôi”, ông Vương nói.

Bài học từ quá khứ

Chuyện của Nghị định 109/2010/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo làm khó doanh nghiệp, thậm chí bó chân doanh nghiệp sản xuất lúa gạo không có gì mới.

Suốt 7 năm qua, kể từ khi Nghị định này được ban hành, năm nào cũng có câu hỏi tại sao chỉ có hơn 100 thương nhân đủ điều kiện xuất khẩu gạo, tại sao doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có kho bãi; phải có cơ sở xay, xát; tại sao cơ quan nhà nước lại can thiệp vào cách thức sản xuất, kinh doanh…

Trong buổi làm việc đầu tiên vào ngày 30/8/2017, sau yêu cầu tái hoạt động của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư thêm lần nữa đặt lại vấn đề này.

Nhưng, một lần nữa, ông Nguyễn Đình Cung, Trưởng ban Thư ký của Tổ công tác phải nhắc lại quan điểm từ phía Bộ Công thương – cơ quan được giao quản lý nhà nước phân việc này – đó là “phải khống chế doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực”.

Nhưng cũng trong bằng đó năm, vẫn có doanh nghiệp xin cơ chế đặc thù từ Thủ tướng Chính phủ để được thí điểm xuất khẩu gạo hữu cơ, chất lượng cao, mở thị trường mới.

“Trong nền kinh tế thị trường, sản xuất cái gì, cho ai, như thế nào là việc của thị trường, nếu nhà nước can thiệp theo kiểu xin-cho thì không có đất để khoa học công nghệ, để sáng tạo, sáng kiến phát triển, cũng có nghĩa là không thể có đất cho doanh nghiệp tư nhân tham gia”, ông Cung bức xúc.

Gần 20 năm làm công việc rà soát điều kiện kinh doanh, cũng là người chắp bút cho Quyết định 19/2000/QĐ-TTg – quyết định đầu tiên bãi bỏ 84 loại giấy phép con theo đề nghị của Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2000, ông Cung thấm thía cả vòng kìm tỏa của các điều kiện kinh doanh vô lý tới doanh nghiệp cũng như khó khăn trong việc thay đổi tư duy quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Ông Cung kể, chỉ khi rà soát điều kiện kinh doanh, nhiều người chuyên gia, nhà hoạch định chính sách khi đó mới biết rằng, có những rào cản không thể hiểu nổi, kiểu như có doanh nghiệp xây dựng chỉ được cấp phép hoạt động từ Đèo Hải Vân trở ra, vì trở vào đã có doanh nghiệp khác được cấp phép; hay doanh nghiệp ở Lai Châu mà hoạt động ở Hà Nội thì phải xin phép của UBND TP.Hà Nội, ít nhất cũng phải do phó chủ tịch ký… Nhờ việc rà soát, công bố bỏ giấy phép, trong vòng 2 năm, 2000-2002, số doanh nghiệp thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp là trên 55.000, vượt qua tổng số 45.000 doanh nghiệp được thành lập trong 10 năm thực hiện Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp (từ 1991-1999).

Đặc biệt, số doanh nghiệp tư nhân trong các ngành nghề được bãi bỏ giấy phép – chủ yếu là các ngành sản xuất, chế biến, chế tạo - tăng đột biến trong nhiều năm sau đó, cùng với các bước gia nhập thị trường thế giới của Việt Nam, qua các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Thậm chí, nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh mới xuất hiện, có chỗ đứng nhanh chóng.

Đây cũng chính là thời điểm Công ty TNHH Cỏ May đã đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản công nghiệp với công suất 120.000 tấn/năm, dây chuyền nhập ngoại,  cùng với nhiều doanh nghiệp tư nhân, đưa cá tra của Việt Nam ra thế giới. Hiện tại, Cỏ May tiếp tục là một trong những nhà sản xuất xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam.

“Chúng tôi không muốn lỡ cơ hội đưa tên tuổi hàng hóa Việt Nam ra thị trường thế giới”, ông Thiện nói.

Thế nhưng, mong muốn này không thể thực hiện được nếu Nhà nước không thay đổi tư duy. Khi đánh giá Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2005 để tiến hành sửa đổi, CIEM đã có nghiên cứu về tác động của công cuộc đổi mới tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, thời điểm trước năm 2000, đó là những doanh nghiệp mua chỗ nọ, bán chỗ kia. Còn giờ, doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại, phát triển phải có sản phẩm mới, cách làm mới, phải tích tụ được ruộng đất, nguồn lực để áp dụng khoa học, công nghệ. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đưa doanh nghiệp Việt Nam tới cơ hội sáng tạo không giới hạn, để tham gia vào nền kinh tế thế giới.

“Nhưng ý tưởng mới cần sự hậu thuẫn, tạo điều kiện để được ra đời, như đề xuất của các hộ làng nghề Đồng Kỵ. Chỉ khi doanh nghiệp sẵn sàng hiến kế, sẵn sàng đầu tư đổi mới cách nghĩ, cách làm, khi đó, Việt Nam mới thực sự có khu vực kinh tế tư nhân là động lực phát triển”, ông Cung nói.

Ý kiến - Nhận định

 Phá trì trệ để bừng nở tinh thần sáng tạo”

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Môi trường kinh doanh đã tháo bỏ khó khăn cho một vài doanh nghiệp, một vài nhóm doanh nghiệp, nhưng chưa phải là tất cả.
So với yêu cầu mà Chính phủ đặt ra, là gia nhập nhóm ASEAN 4 về môi trường kinh doanh, so với các thông lệ của OECD, thì yêu cầu cải cách thể chế, đưa nền kinh tế kinh tế về quỹ đạo tăng trưởng bền vững vẫn còn khoảng cách lớn.
Nền kinh tế đòi hỏi cải cách toàn diện, dứt khoát, phải áp dụng tư duy mới, quy trình mới, cách làm mới để những sáng tạo phi truyền thống có thể được dung dưỡng, phát triển và bừng nở.
Đây là lý do chúng tôi đề nghị bỏ hơn một nửa trong số khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh hiện tại và việc này cần tiếp tục làm. Vì nếu các ý tưởng kinh doanh mới còn bị ràng buộc bởi những điều kiện kinh doanh hiện hữu thì không thể xuất hiện được.

Tư duy quản lý nhà nước chưa theo kịp nhận thức mới về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân”

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Tôi đã từng nói, nếu muốn biết doanh nghiệp thế nào, hãy nhìn vào hành động của từng công chức. Khoảng cách giữa quy định và thực thi vẫn tồn tại, cản trở hiệu lực của các chính sách tốt. Nhưng, đó chưa phải là nút thắt lớn nhất.
Tôi muốn nhắc lại câu hỏi của đại diện một bộ quản lý chuyên ngành, khi nghe VCCI kiến nghị bỏ xác nhận đủ điều kiện, thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước công bố tiêu chí để doanh nghiệp tự thực hiện, việc kiểm tra chuyển sang hậu kiểm. Ông ấy thắc mắc, nếu không đóng dấu xác nhận thì cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra kiểu gì. Rõ ràng, nút thắt vẫn ở tư duy quản lý nhà nước, do không theo kịp nhận thức mới về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, nên chưa thể xóa bỏ định kiến, vẫn nghi ngờ doanh nghiệp.
Phải nhấn mạnh, rào cản thị trường này tác động trực tiếp tới doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp mới - một động lực quan trọng của tăng trưởng.

Tin liên quan
Tin khác