Chế biến sâu giúp doanh nghiệp vượt khó
Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (Godaco) cho rằng, một thời gian dài đã qua, ngành chế biến thủy sản tăng trưởng chủ yếu dựa vào quy mô và xuất khẩu sản phẩm thô.
Doanh nghiệp thuỷ sản đang dịch chuyển mô hình sản xuất để phát triển bền vững. |
Tức là nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung đầu tư mở rộng nhà máy chế biến và chủ yếu xuất khẩu theo dạng nguyên con hoặc fillet. Mà tăng trưởng về quy mô chỉ mang tính nhất thời và nếu quy mô đạt giới hạn, đến mức nào đó sẽ không tăng được nữa doanh nghiệp sẽ gặp khó.
Nhận định, chỉ có tăng về chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng mới mang tính bền vững. Vì thế, mới đây, Godaco đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng tại Khu công nghiệp An Hiệp, Bến Tre, với vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu USD. Lô sản phẩm đầu tiên của nhà máy này cũng đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
“Tại nhà máy này công ty mời các chuyên gia về thực phẩm của Nhật Bản hỗ trợ. Cũng từ nguyên liệu thô là cá, tôm, nhà máy sẽ tạo ra hàng chục sản phẩm chế biến khác nhau, đưa thẳng vào các siêu thị, tập đoàn kinh doanh thực phẩm. Khi nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng đi vào hoạt động ổn định, Godaco sẽ giảm dần quy mô chế biến các sản phẩm thô như hiện nay”, ông Đạo nói.
Được biết, với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, nhà máy đi vào vận hành được coi là chiến lược đầy bất ngờ mà Gò Đàng bung sức ngay tại thời điểm nhiều doanh nghiệp trong ngành đều gặp khó như hiện nay. Song, lợi nhuận cho sự đầu tư này cũng không hệ nhỏ khi ước tính nhà máy với hoạt động chuyên chế biến sâu, giá trị gia tăng sẽ mang về kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cho Godaco bình quân 50 triệu USD mỗi năm.
Theo đó, mục tiêu của Godaco trong vòng 3 năm nữa sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng chiếm từ 30 - 40% trong tổng giá trị sản phẩm xuất khẩu. Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2015, Gò Đàng đã khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm mang tính giá trị gia tăng cao như: cá tra tẩm bột, cá tra tẩm gia vị, chả giò, xúc xích cá tra, burger cá tra…
Tương tự, là doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam, nhờ tập trung các đơn hàng chế biến sâu như: tôm hấp chín, tôm bao bột, tôm chiên… Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã vượt khó, duy trì đà tăng trưởng dù giá tôm trên thị trường giảm mạnh.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta khẳng định, duy trì chế biến sâu các sản phẩm từ tôm sẽ tiếp tục là chiến lược của doanh nghiệp này trong năm 2024 và dài hạn. Cụ thể là hoàn thiện nhà máy Tam An và Sao Ta 2 được dự báo sẽ giúp doanh nghiệp nâng sản lượng tôm chế biến sâu thêm 26% so với năm 2023.
Đại diện Sao Ta kỳ vọng giá tôm ấm dần lên từ nửa cuối năm 2024 sẽ giúp biên lợi nhuận của Thực phẩm Sao Ta cải thiện 0,1% so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng công suất thiết kế của 2 nhà máy mới là 20.000 tấn/ngày, trong đó nhà máy Tam An và Sao Ta 2 đã vận hành được lần lượt là 20% và 2%.
Chính nhờ chiến lược tập trung chế biến sâu, nâng giá trị sản phẩm mà doanh số tiêu thụ 6 tháng đầu năm của Sao Ta đạt 95 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ. Qua đó, hoàn thành 45% kế hoạch cả năm.
Một ông lớn ngành tôm khác là Minh Phú có lợi nhuận đi lùi trong thời gian qua bởi ảnh hưởng giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, cạnh tranh gay gắt với các nước khác tại một số thị trường như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản…, nên công bố sẽ thực hiện chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, tập trung vào chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng và giữ chất lượng nguyên liệu đầu vào để đối mặt và vượt qua các thách thức nêu trên.
Còn nhiều trở ngại
Đề án phát triển ngành chế biến thuỷ sản giai đoạn 2021-2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ rõ vai trò thiết yếu của chế biến sâu trong thuỷ sản. Cụ thể, mục tiêu của đề án đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thuỷ sản chế biến phải đạt 6%/năm. Còn tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%. Qua đó, nâng giá trị chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa đạt 40.000 - 45.000 tỷ đồng góp phần vào giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 đến 16 tỷ USD.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận chiến lược gia tăng giá trị thuỷ sản bằng cách chế biến sâu cũng gây nhiều áp lực cho doanh nghiệp về câu chuyện vốn đầu tư, chi phí vận hành, đào tạo nhân lực tay nghề cao…Vì thế, hiện nay, phân khúc này chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp quy mô, vốn nhỏ còn nhiều khó khăn để thực hiện.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn về việc tại sao không chuyển hướng sang chế biến sâu dù có thị phần xuất khẩu khá lớn tại nhiều nước, một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL chia sẻ, để tham gia chế biến sâu sản phẩm thuỷ sản doanh nghiệp phải đầu tư quy trình bài bản từ nuôi trồng con giống đến sản xuất chế biến và tìm đầu ra. Mà vốn cho việc này là rất lớn, trong khi nguồn tài chính của các doanh nghiệp thuỷ sản hiện cũng gần như cạn kiệt sau thời gian dài đơn hàng lẫn giá trị sụt giảm.
Hay như ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Trường Giang chia sẻ vẫn “chưa gia nhập” cuộc đua phân khúc chế biến sâu và hiện nhà máy của doanh nghiệp này tập trung hết công suất cho các sản phẩm thô phục vụ xuất khẩu và duy trì sự quan sát diễn biến thị trường.
Bởi theo ông Văn, giai đoạn này đầu tư cho chế biến sâu là phải bỏ ra một khoản đầu tư rất lớn mới có thể tạo ra sản phẩm đủ chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm có sẵn trên thị trường. Trong khi doanh nghiệp thuỷ sản thời gian qua hầu như đều thua lỗ nên nguồn tài chính gần như không nhiều cho chuyển đổi đầu tư.
Dù tiên phong làm sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu nhưng theo ông Đạo muốn đầu tư vào sản phẩm phân khúc này, nói thì dễ nhưng làm rất khó.
“Ít nhất phải lành mạnh về tài chính, tập trung đầu tư vào nguồn lực lao động có tay nghề cao, nghiên cứu tìm thị trường và làm ra các sản phẩm có tính khác biệt. Ai cũng có thể nói được nhưng không phải ai cũng làm được. Godaco cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm sản phẩm giá trị gia tăng mới có được thương hiệu như hiện nay và sẽ quyết tâm, chỉ có thế mới mong phát triển bền vững”, đại diện Gò Đàng phân tích.