Tòa nhà Petroland Tower. |
Chỉ trong thời gian từ đầu tháng 12/2021 đến nay, cơ cấu cổ đông tại Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng và Đô thị dầu khí (Petroland) đã ghi nhận hàng loạt biến động với giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, với tổng cộng hơn 36 triệu cổ phiếu được mua vào và hơn 66,78 triệu cổ phiếu được bán ra, trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Công ty là 98,87 triệu cổ phiếu.
Ở chiều bán ra, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) hoàn tất bán 36 triệu cổ phần qua giao dịch thỏa thuận vào ngày 7/12/2021 và thoái toàn bộ 36% vốn tại Petroland. Đối ứng với giao dịch này là 4 nhà đầu tư cá nhân đã mua vào đúng lượng cổ phiếu PVC bán ra và trở thành cổ đông lớn bao gồm bà Lê Thị Tư (8,516 triệu cổ phiếu), bà Đỗ Thị Hiền (7,93 triệu cổ phiếu), ông Lê Văn Thăng (8,515 triệu cổ phiếu), ông Nguyễn Văn Vinh (11,053 triệu cổ phiếu).
Trước giao dịch, bà Đỗ Thị Hiền đã sở hữu 16,03 triệu cổ phiếu Petroland, còn ông Nguyễn Văn Vinh sở hữu 9,03 triệu cổ phiếu. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch, 4 nhà đầu tư cá nhân này đã sở hữu tổng cộng 61,08 triệu cổ phiếu, tương đương 61,8% vốn tại Công ty.
Các giao dịch đáng chú ý khác liên quan đến CTCP Dịch vụ và Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Phương Nam - tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Tấn Thụ, Chủ tịch HĐQT của Petroland. Ngôi Sao Phương Nam mới trở thành cổ đông lớn tại Petroland sau khi mua vào 11,2 triệu cổ phiếu vào đầu tháng 8/2021, nhưng đến đầu tháng 12/2021 đã bán ra 10,7 triệu cổ phiếu. Giao dịch được hoàn tất ngay trước khi PVC thoái vốn.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau khi bán ra phần lớn cổ phần đang nắm giữ, Ngôi Sao Phương Nam lại đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu Petroland trong thời gian từ ngày 24/12/2021 đến 21/1/2022. Ngay sau đó, ông Nguyễn Tấn Thụ cũng đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu PTL 31/12/2021 đến 28/1/2022. Với tổng lượng mua vào lên đến 30% vốn tại doanh nghiệp, nhiều khả năng cơ cấu cổ đông tại Petroland sẽ tiếp tục còn nhiều biến động.
Với việc cổ đông lớn PVC đã hoàn tất thoái vốn và các cổ đông lớn mới xuất hiện, với sự đồng thuận được thể hiện qua việc công bố chiến lược cho giai đoạn tới với những mục tiêu tham vọng, có cơ sở để kỳ vọng những xung đột giữa các nhóm cổ đông kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm đã đi đến hồi kết để mở ra giai đoạn phát triển mới cho Công ty sau nhiều năm hoạt động kinh doanh ì ạch, kém hiệu quả.
Ngay sau những biến động lớn trong cơ cấu cổ đông, HĐQT Petroland đã công bố thông tin về việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường, dự kiến tổ chức vào ngày 28/2/2022 tại TP.HCM, nhằm thông qua các nội dung về thay đổi cơ cấu HĐQT và Ban Kiểm soát.
Trong chia sẻ gần đây, lãnh đạo Petroland cho biết, Công ty đang có kế hoạch mua vài dự án đô thị có quy mô tương đối lớn, phát triển các quỹ đất lớn sẵn có trên cả nước. Đối với năm 2022, dự kiến Công ty sẽ mua, M&A quỹ đất từ 500 đến 1.000 ha. Song song với đẩy mạnh huy động nguồn vốn từ thị trường, mở rộng cơ cấu danh mục dự án và đầu tư sâu các dự án sẵn có. Chiến lược vốn hóa tỷ USD được cụ thể hóa bằng từng hành động chiến lược cho mỗi giai đoạn như 1 tỷ USD vào năm 2023 và 5 tỷ USD vào năm 2030.
Đây rõ ràng là tham vọng lớn của Ban lãnh đạo trong bối cảnh kinh doanh của Công ty vốn không mấy khả quan những năm gần đây, lỗ lũy kế lớn, nhiều dự án bị treo kéo dài, quy mô nguồn vốn hạn chế.
Cụ thể, trong suốt giai đoạn từ 2012 đến nay, kết quả kinh doanh của Petroland nhiều năm lỗ lớn, trong khi những năm có lãi thì kết quả lại khá thấp. Nguồn thu chủ yếu từ mảng cung cấp các dịch vụ như cho thuê văn phòng, quản lý tòa nhà, quản lý chung cư và kinh doanh bất động sản thứ cấp có biên lợi nhuận mỏng.
Tính đến 30/9/2021, Báo cáo tài chính của Petroland cho biết, quy mô tổng tài sản hợp nhất đạt 1.193,8 tỷ đồng, trong đó phải thu là khoản mục có giá trị lớn nhất với 637,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại Báo cáo kiểm toán soát xét bán niên 2021, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ với các khoản công nợ phải thu của Công ty với các đơn vị như CTCP Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (117,1 tỷ đồng), Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Anh Minh (61,3 tỷ đồng), CTCP Vạn Khởi Thành (36 tỷ đồng)… Điều này tương ứng tiềm ẩn nhiều rủi ro với bức tranh tài chính, kinh doanh của Công ty và sẽ là những việc mà Ban lãnh đạo cần giải quyết dứt điểm.
Về cơ cấu nguồn vốn, với việc đang lỗ lũy kế 275,1 tỷ đồng đến ngày 30/9/2021 cũng sẽ hạn chế đáng kể các phương án tăng vốn để tái đầu tư của Công ty trong thời gian tới, chẳng hạn việc tăng vốn qua chào bán đại chúng không đủ điều kiện thực hiện.