Lo sức mua hàng Tết
Thông tin về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm... tiếp tục duy trì xu hướng tăng, với sức mua trên thị trường đang phục hồi tốt hơn, dự kiến tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước.
Chuẩn bị cho dịp mua sắm sôi động nhất trong năm, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ sớm với lượng hàng dự trữ được tính toán phù hợp với sức mua của người tiêu dùng, nhằm đảm bảo nguồn cung, đồng thời tránh tồn hàng, đọng vốn.
Nhìn vào sự chuẩn bị hàng Tết của một số doanh nghiệp, có thể thấy được phần nào về sức mua hàng Tết.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản (Vissan) đã chuẩn bị nguồn thực phẩm Tết trị giá 540 tỷ đồng, để cung ứng ra thị trường gần 1.100 tấn thực phẩm tươi sống, 3.800 tấn thực phẩm chế biến, tương đương sản lượng thực hiện dịp Tết Nguyên đán năm ngoái.
Trước đó, theo kết quả của một khảo sát người tiêu dùng trong nước của Kantar, công ty nghiên cứu thị trường về ngành hàng tiêu dùng nhanh, dịp Tết này, người tiêu dùng sẽ không chi tiêu mua sắm nhiều như những năm trước, mà có xu hướng mua sắm cầm chừng và cân nhắc mua sản phẩm vừa đủ dùng.
Cụ thể, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19 chỉ trên dưới 21%); gần một nửa số gia đình được khảo sát thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.
Năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 6,232 triệu tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm trước đó (năm 2022 tăng 20%).
“Thực tế, trong những tháng cuối năm, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có xu hướng giảm đáng kể so với đầu năm (6 tháng đầu năm tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022; cả năm ước tăng 9,6%)”, Bộ Công thương chỉ rõ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, người dân có xu hướng chi tiêu chọn lọc hơn, ưu tiên cho nhóm hàng hóa thực phẩm thiết yếu và cắt giảm những mặt hàng không cần thiết.
Cùng với đó, nhu cầu sắm Tết cũng như sức mua tích trữ hàng hóa của người dân đang giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng.
“Chỉ mùng 2 Tết là hàng hóa bày bán tại chợ dân sinh. Từ vài năm nay, gia đình không có thói quen tích trữ nhiều hàng hóa thiết yếu. Hơn nữa, nhu cầu ăn uống cũng thay đổi nhiều so với trước”, bà Hoàng Thị Hương, trú tại 20 - ngõ Quỳnh (Bạch Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Theo thông lệ, sức mua hàng hóa tăng mạnh trong khoảng 2 tuần sát Tết, tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu.
Bán lẻ “chạy” nhiều chương trình ưu đãi
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá với nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong những ngày cận Tết.
Từ đầu tháng 1/2024, hệ thống siêu thị của Central
Retail đã tổ chức Lễ hội thịt heo. Chương trình áp dụng tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market trên toàn quốc, với khoảng 40 sản phẩm thịt heo tươi chủ lực như thịt vai heo, thịt đùi heo, thịt ba rọi heo. Lễ hội áp dụng 2 dạng khuyến mãi: khuyến mãi thường (lên tới 30%) và áp dụng giá sốc mỗi ngày (giảm giá tới 40%.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho biết: “Lễ hội thịt heo được mở rộng ra tất cả sản phẩm thịt heo đang kinh doanh tại siêu thị của Central Retail, với kỳ vọng đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu, phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân”.
Trong cao điểm mấy ngày sát Tết, Công ty Vissan sẽ thực hiện các chương trình giảm giá sốc, giảm giá sâu dành cho khách hàng mua sắm Tết “trễ”, với mức giá ưu đãi giảm 10 - 30%. Ngoài ra, nhằm kích cầu mua sắm cho người tiêu dùng sau Tết, Vissan khuyến mãi giảm 10 - 20% tại các hệ thống siêu thị và điểm bán sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong khi đó, MM Mega Market (Việt Nam) phối hợp với các nhà cung cấp chuẩn bị cung ứng hàng hóa cuối năm và dụp Tết, với mục tiêu bình ổn giá cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu, cùng với chương trình giá sỉ cho các mặt hàng thực phẩm tươi sống.