Thị trường vào “cơn khát”đầu thu
Ngoại trừ hơn 413.000 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ lắp đặt đầu thu kỹ thuật số DVB-T2, dự kiến khi triển khai Đề án Số hóa truyền hình sẽ có khoảng 12 triệu hộ gia đình phải chuyển đổi thiết bị thu để xem truyền hình số bằng đầu thu DVB-T2. Đề án Số hóa truyền hình dự tính sẽ tạo ra một thị trường đầu thu lên tới 350 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đầu thu Việt Nam. Nhưng, dường như doanh nghiệp Việt đang bỏ lỡ cơ hội kinh doanh rất lớn này.
Từ 24h ngày 15/8/2016, tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ đã chính thức ngừng phát sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất, chính thức hoàn thành giai đoạn I của Đề án Số hóa truyền hình tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương (cùng với Đà Nẵng đã ngắt sóng analog từ tháng 11/2015).
Tại các cửa hàng bán đồ điện tử, nhu cầu khách tìm mua đầu thu kỹ thuật số tăng đột ngột. Ảnh: Đức Thanh |
Khu vực 4 thành phố lớn và địa bàn 19 tỉnh lân cận cần tắt sóng trong giai đoạn I của Đề án có dân số chiếm gần 50% dân số cả nước, với khoảng 10 triệu hộ dân. Số hộ dân phải chuyển đổi dùng đầu thu truyền hình số là tương đối lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, ngay sau khi tắt sóng analog, thị trường đầu thu truyền hình số DVB-T2 ở nhiều địa phương đã “nóng” lên, đặc biệt ở các địa phương Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Trên thị trường, các loại đầu thu DVB-T2 tiêu thụ mạnh bất thường, nhiều đại lý đầu thu đã “cháy hàng” ngay sau tuần đầu tắt sóng.
Theo ông Huỳnh Phú, Phó giám đốc Công ty Vũ Hồng Minh, tại thị trường miền Nam, sản phẩm của Công ty đang tiêu thụ rất mạnh, nhất là sau khi HTV7 và HTV9 bị cắt sóng analog. Từ ngày 16/8/2016, mỗi ngày Công ty Vũ Hồng Minh xuất kho cho các đại lý khoảng 4.000 - 5.000 bộ đầu thu.
Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Việt cũng cho biết, từ ngày tắt sóng analog đến nay, mỗi ngày công ty ông xuất kho khoảng 5.000 bộ, nhiều loại lắp ráp không kịp nhu cầu của đại lý, đến nay những model giá thấp đã hết hàng. “Sau ngày tắt sóng, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến, Hùng Việt đã phải tổ chức cho công nhân làm 3 ca, năng suất tăng lên mỗi ngày 7.500 sản phẩm, nhưng cũng chỉ đủ tiêu thụ hết trong ngày. Đặc biệt là tuần sau khi tắt sóng, có những ngày các đại lý phải đến công ty ngồi chờ, hàng ra đến đâu là hết đến đó”, ông Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý và Phát triển sản phẩm công nghệ của VNPT Technology cho biết, VNPT Technology hiện có 5 dây chuyền hiện đại, có công suất tối đa 1,2 triệu thiết bị/tháng. VNPT Technology cũng là đơn vị cung cấp sản phẩm DVB-T2 cho các dự án cung cấp đầu thu cho các hộ nghèo theo Đề án Số hóa truyền hình. Liên danh VNPT Technology - VN Post trúng 2 gói thầu mua sắm và lắp đặt bộ thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 trên địa bàn TP.HCM và 6 tỉnh phụ cận và gói cung cấp cho TP. Cần Thơ và 5 tỉnh phụ cận. UBND TP. Hà Nội cũng đã chọn VNPT Technology làm nhà cung cấp cho dự án cung cấp và lắp đặt đầu thu DVB-T2 cho hơn 19.000 hộ nghèo tại Thủ đô trước khi tắt sóng analog.
Khó cạnh tranh về giá
Trên thị trường chỉ có 4 doanh nghiệp trong nước sản xuất, lắp ráp đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2, bao gồm: VNPT Technology, Hùng Việt, Vũ Hồng Minh, Ưng Bình Châu. Hiện tại, giá đầu thu DVB-T2 trên thị trường là 400.000 - 500.000 đồng/bộ (hàng nhập lậu Trung Quốc), loại nhập khẩu và loại sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam có giá bán lẻ từ 700.000 đồng - 2 triệu đồng/chiếc tùy loại. Cụ thể, giá đầu thu DVB T2 VTV là 590.000 - 720.000 đồng/bộ, đầu thu DVB T2 VJV từ 500.000 - 650.000 đồng/bộ, đầu thu VNPT Technology từ 750.000 - 890.000 đồng/bộ, đầu thu DVB T2 GBSHD giá 760.000 đồng/bộ…
Theo phản ánh của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp sản xuất đầu thu DVB T2, từ cuối năm 2015, cơ quan hải quan đã ra quyết định truy thu thuế nhập khẩu đầu thu DVB-T2 với mức thuế 35%. Điều này làm giá đầu thu nhập khẩu tăng lên, khiến các doanh nghiệp không dám nhập khẩu số lượng lớn.
Mặt khác, giá đầu thu của Trung Quốc nhập lậu chỉ rẻ bằng 50% hàng sản xuất trong nước đã khiến nhiều doanh nghiệp không dám mạo hiểm đầu tư nhập hàng hoặc sản xuất quy mô lớn.
Có thể thấy rằng, doanh nghiệp sản xuất, cung cấp và kinh doanh đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB T2 đang ở vào “thế kẹt”. Đứng trước một cơ hội kinh doanh lớn, trước một thị trường đầu thu lên tới khoảng 350 triệu USD, nhưng không thể làm chủ thị trường. Đây là điều tiếc nuối cho các doanh nghiệp Việt, bởi nếu sớm chuẩn bị, tính toán được nhu cầu thị trường và các yếu tố cạnh tranh, thì họ đã có thể hốt bạc.