Doanh nghiệp
Doanh nghiệp xuất khẩu lo mất thêm chi phí từ ngày 1/4
Hải Yến - 23/03/2014 10:05
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là hàng dệt may đang phản ứng rất không thuận với Công văn số 1767/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/4/2014). Theo họ, công văn này khiến tăng chi phí vận tải, lưu kho… của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may đang lo ngại về việc sẽ mất thêm chi phí vận tải, lưu kho bãi…, khi Công văn số 1767/BTC-TCHQ về tăng cường quản lý chống vi phạm lợi dụng hải quan điện tử của Bộ Tài chính có hiệu lực.

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng khi áp dụng Công văn số 1767/BTC-TCHQ

Văn bản mới gây khó doanh nghiệp

Theo nội dung của Công văn, sau khi đã tập kết hàng hóa xuất khẩu tại các địa điểm theo quy định và thông báo thời gian dự kiến đóng container, xếp hàng lên phương tiện vận tải cho cơ quan hải quan, người khai hải quan mới khai và nộp tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.

Địa điểm tập kết hàng hóa, gồm khu vực cửa khẩu, cảng biển, cảng hàng không quốc tế; ICD, kho ngoại quan, kho CFS (kho thu gom hàng lẻ để đóng vào container); địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại biên giới; kho, bãi tập kết hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp được cơ quan hải quan công nhận đủ điều kiện giám sát hải quan (kho, bãi tập kết phải có tường rào ngăn cách, có cổng, cửa để khóa, niêm phong và có camera theo dõi).

Công văn này nhằm mục đích quản lý chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, tránh tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của quy định thủ tục khai báo hải quan điện tử đối với hàng xuất khẩu để trục lợi (như các hành vi xuất khống, xuất không đúng chủng loại, khai báo số lượng không chính xác… để được hưởng hoàn thuế).

Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc, việc áp dụng Công văn số 1767/BTC-TCHQ không chỉ quản lý chặt doanh nghiệp gian lận, mà các doanh nghiệp làm ăn chân chính lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty cổ phần May 10 cho rằng, do nguyên phụ liệu dệt may phần lớn phải nhập khẩu, vì vậy, việc sản xuất, xuất khẩu hàng luôn gấp gáp, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện tập kết vật tư đồng bộ, yêu cầu kỹ thuật và thời gian giao hàng thường gấp, nên DN phải vừa hoàn thiện, vừa đóng gói. Vì thế, doanh nghiệp phải vừa lo hoàn thành thủ tục hải quan, vừa phải tính toán phương tiện vận tải thì mới tránh được tối đa các rủi ro phát sinh dẫn đến nguy cơ lỡ tàu biển.

Đặc thù của xuất khẩu tàu biển thường cao điểm vào 2 ngày trong tuần, nên nếu không chủ động khai báo trước, thì sẽ xảy ra tắc nghẽn với cả doanh nghiệp lẫn hải quan. Chưa kể, hầu như không doanh nghiệp nào có đủ điều kiện thành lập kho để tập kết hàng hóa (theo tiêu chuẩn của Hải quan), chứ chưa nói đến phát sinh chi phí.

Đề nghị duy trì theo quy trình cũ

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may, hiện đóng góp tới 15% tổng kim ngạch xuất khẩu, ông Việt đề nghị, vẫn cho thực hiện quy trình thủ tục như hiện nay, đồng thời cần phân loại doanh nghiệp để có biện pháp quản lý phù hợp, tránh để doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, đem lại nhiều công ăn việc làm, đóng góp lớn cho xuất khẩu lại bị thiệt hại vì thủ tục hải quan.

Tại thời điểm này, mỗi ngày, Tổng công ty cổ phần May Đức Giang có hàng chục lô hàng xuất khẩu tại nhiều cửa khẩu, cảng biển, như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM…, với nhiều loại hình xuất khác nhau, như đóng hàng nguyên container, đóng ghép chung container với các doanh nghiệp khác, giao hàng lẻ…

Ông Phạm Tiến Lâm, Tổng giám đốc May Đức Giang cho rằng, theo quy định hiện hành, thì người khai hải quan có thể khai và nộp tờ khai hải quan của lô hàng xuất khẩu trước khi đóng hàng.

“Như vậy, doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn, vì giảm được tối đa về thời gian, giảm nguy cơ quá tải và nhỡ tàu. Nếu áp dụng quy định mới, thiệt hại sẽ đổ dồn lên vai doanh nghiệp do thủ tục hải quan không xong kịp với giờ tàu cất máng. Hàng bị lỡ tàu phải giao bằng máy bay, doanh nghiệp phải trả thêm tiền cước, chưa kể nguy cơ bị khách hàng hủy đơn hàng …”, ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Sỹ Hoàng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Tex - Giang (Tiền Giang) cho biết, Công ty đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, cách cảng biển và kho ICD tại TP.HCM 70-80 km, nên việc tập kết hàng hóa để mở tờ khai hải quan trước khi xuất khẩu sẽ phát sinh thêm thời gian vận chuyển và các khoản chi phí.

“Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Hàng dệt may là mặt hàng mang tính thời vụ cao, thời gian giao hàng quyết định không nhỏ tới sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, để đảm bảo được chủ động sản xuất và cam kết giao hàng đúng theo hợp đồng, bà Đặng Phương Dung, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần xem xét lại quy định mới tại Công văn số 1767, cố gắng duy trì quy trình hải quan điện tử như đang áp dụng hiện nay.

Tin liên quan
Tin khác