- Cơ nghiệp trăm tỷ của bún tươi Nguyễn Bính
- Cơ nghiệp trăm tỷ của bún tươi Nguyễn Bính
- Doanh nhân Đoàn Thị Kiều Vân: Làm mỹ phẩm thuần chay BIOQ từ vỏ thanh long
- Doanh nhân Mã Thanh Danh: Kinh doanh giống như chơi bóng đá
- Doanh nhân Tạ Thanh Hải, Đồng sáng lập Công ty Công nghệ OLLI: Đưa AI đến từng ngóc ngách cuộc sống người Việt
- Doanh nhân Phạm Quốc Anh, Tổng giám đốc CTCP Thiết kế Xây dựng và Phát triển Minimal: Khởi nghiệp từ nét vẽ tối giản
Doanh nhân Nguyễn Thị Bính, Giám đốc CTCP Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính. |
Doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu sợi bún tươi
Gần đây, bún tươi của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nguyễn Bính (Công ty Nguyễn Bính) được một số đơn vị đầu mối thu mua để xuất đi Mỹ, Đức, Australia…
Thời gian đầu, bà Bính dự kiến tập trung xuất bún tươi, bánh phở và nui tươi, sau đó tiếp tục mở rộng sang các mặt hàng khác. Bún tươi hiện là sản phẩm chủ lực của Công ty Nguyễn Bính, chiếm khoảng 70% tổng doanh thu hằng năm, bánh phở chiếm 10%, còn lại là các sản phẩm khác, như nui tươi, bánh canh, mì quảng… Tất cả sản phẩm đều được cấp đông trước khi xuất khẩu.
“Sau thời gian tìm hiểu, nhiều đơn vị mua hàng tấn bún tươi, bánh canh của Nguyễn Bính mỗi tháng để xuất khẩu trực tiếp, hoặc chế biến món ăn rồi xuất sang nhiều nước. Ngoài ra, chúng tôi cũng chuyển giao công nghệ cho một vài đơn vị để sản xuất”, bà Bính chia sẻ.
Các đầu mối đặt hàng của Công ty Nguyễn Bính chủ yếu là Việt kiều đang kinh doanh tại các khu chợ có người Việt, người Hoa sinh sống. Họ mua bún tươi và cấp đông, rồi phân phối ra thị trường. Đặc biệt, tại thị trường Mỹ, các loại bún tươi, bánh phở tươi được người Việt, người gốc Hoa và cả người Mỹ bản xứ rất ưa chuộng, bởi sản phẩm này rất tiện lợi, trữ được lâu dài, chỉ cần rã đông là dùng được ngay và dễ chế biến, không cần mất thời gian trụng qua nước sôi như bún khô.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về cơ hội làm ăn với các đối tác nước ngoài, bà Bính cho biết, một doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị ở Berlin (Đức) đã đề nghị chuyển giao công nghệ, mở nhà máy quy mô 2.500 m2 để sản xuất bún tươi sạch truyền thống của Nguyễn Bính, cung cấp cho cộng đồng người Việt ở Đức.
“Tôi bán công thức cho họ, giúp họ làm bản vẽ nhà xưởng, mua sắm dây chuyền thiết bị và cung cấp một số máy móc. Bỏ qua yếu tố tiền nong, với tôi, cuộc hợp tác này vô cùng có ý nghĩa, vì nó khai phá cho tôi 1 hướng đi mới, giúp tôi suy nghĩ theo hướng làm thế nào để bán công thức bún sạch truyền thống ra nhiều thị trường hơn. Trong tương lai, tôi muốn nhân rộng mô hình này và luôn chào đón những cú bắt tay mới đến từ các đối tác có nhu cầu”, nữ doanh nhân sinh năm 1970 chia sẻ.
“Đưa bún tươi ra thị trường nước ngoài rất khó, nhưng chúng tôi đã làm được. Bún tươi được cấp đông và bảo quản tốt có thể dùng trong 1 năm. Với bí quyết riêng, sau khi rã đông, sợi bún của Nguyễn Bính không bị giảm chất lượng, thậm chí còn ngon hơn”, bà Bính tự hào.
Thời gian đầu, khi mới bắt tay khởi nghiệp, với kinh nghiệm gia truyền hàng chục năm từ làng bún nổi tiếng ở quê hương Hà Tây, bà Bính kỳ vọng sớm tạo dựng vị thế riêng. Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở, thương hiệu sản xuất các loại bún chứa chất bảo quản, thậm chí cả hóa chất, để kéo dài thời gian sử dụng và bán với giá rẻ, khiến Công ty Nguyễn Bính không cạnh tranh được ở thị trường nội địa.
Bởi vậy, bà Bính chọn cho mình hướng đi mới là xuất khẩu. Chủ thương hiệu bún sạch Nguyễn Bính ước tính, nếu mọi việc thuận lợi, doanh thu xuất khẩu một năm có thể bằng 3 - 5 năm bán tại thị trường nội địa.
Gian nan vì “một mình một hướng”
Bà Bính chia sẻ, điều khó khăn nhất đối với việc sản xuất và kinh doanh bún sạch truyền thống chính là phải cạnh tranh với các cơ sở sản xuất bún “bẩn” trên thị trường. Các cơ sở này dùng hóa chất công nghiệp, gạo chỉ cần ngâm hai giờ là có thể đưa vào sản xuất, thời gian bảo quản sản phẩm kéo dài. Trong khi đó, sản xuất theo công thức truyền thống phải mất tới 17 ngày kể từ lúc ngâm gạo và qua tổng cộng 15 công đoạn mới cho ra sản phẩm chất lượng, thời hạn bảo quản sản phẩm ngắn, giá lại cao.
“Quá trình làm ra sợi bún sạch truyền thống trải qua nhiều công đoạn, từ vo, ủ gạo, rồi lại vo và ngâm, sau đó xay tráng gạo, rồi xay thành bột, tách bột, tách nước, đánh trộn cho đều, đấu trộn với hồ ép, rửa lại, cuối cùng chia bắt thành sợi bún. Chỉ cần sai một chút ở bất kỳ công đoạn nào, sợi bún sẽ bị chua, rã, lên men. Bún sạch truyền thống chỉ có thể bảo quản trong vòng 24 giờ là bị vi sinh xâm nhập, giá lại cao hơn, nên rất khó cạnh tranh với các loại bún bẩn”, bà Bính bày tỏ.
Nhiều năm trước, sản phẩm của Công ty Nguyễn Bính là sự lựa chọn hàng đầu của các hàng quán, siêu thị, cửa hàng, trường học… Tuy nhiên, khi thị trường xuất hiện các loại bún giá rẻ, thời hạn bảo quản dài hơn, bún Nguyễn Bính bị đánh bật ra khỏi các kệ hàng siêu thị, hàng quán, bếp ăn trường học.
“Chỉ có nơi nào ưu tiên chất lượng, thì mới dùng sản phẩm của Công ty Nguyễn Bính. Không dùng chất bảo quản, không trộn bột lọc, bột mì, nên sợi bún của Nguyễn Bính chỉ dùng trong một ngày, khó cạnh tranh với các loại có chất bảo quản, trộn bột thêm. Dù tiên phong làm bún sạch, nhưng ‘một mình một ngựa’, nên chúng tôi chỉ chiếm 2 - 3% thị phần trong nước”, bà Bính trải lòng.
Để làm ra sợi bún chất lượng, dẻo dai, ngon, giòn đặc trưng, khâu quan trọng nhất là chọn gạo. Bà Bính kể, sau khi quyết định lập nghiệp tại TP.HCM, bà đi khắp các tỉnh miền Tây - vựa gạo của cả nước - để tìm cho được loại gạo phù hợp.
“Gạo ở Long An, Cần Thơ thì quá dẻo; gạo Cà Mau làm xám sợi bún; gạo Sóc Trăng chất lượng không đều, chỉ có vùng đất Ba Tri, Bến Tre là hạt gạo đủ yếu tố ngon, khô, dẻo, phù hợp để làm ra sợi bún chất lượng nhất”, chủ thương hiệu Nguyễn Bính tiết lộ.
Tốt nghiệp trung cấp ngành điện, học qua nghề cơ khí, quản trị kinh doanh, nhưng bà Bính lại không làm việc trong những ngành này. Có thời gian, bà mở quầy bán thịt heo ngoài chợ… Chăm chỉ làm việc, tích góp một thời gian, bà Bính có trong tay kha khá tài sản, nhà cửa. Quyết tâm theo đuổi nghề làm bún gia truyền, có lúc, bà rơi vào cảnh trắng tay, nhưng đã nỗ lực, quyết tâm vực dậy.
“Đi học, rồi đi làm nhiều nghề, tôi dành dụm mua được 4 căn nhà ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, khối tài sản đáng mơ ước của nhiều bạn bè cùng trang lứa. Rồi cũng vì mê làm bún, mà tôi bị thua lỗ, bán hết tài sản, nhưng tôi không bỏ cuộc. Lúc khởi nghiệp lại, tôi chỉ còn 6 triệu đồng. Tôi nấu mẻ bún mới, mang ra chợ tặng miễn phí. Cũng nhờ vậy, nhiều người biết đến, rồi truyền tai nhau mua bún của tôi. Không ngừng nỗ lực, tôi đã xây dựng được cho mình thương hiệu bún Thủ Đức (bún tươi Nguyễn Bính)”, bà Bính kể lại hành trình khởi nghiệp đầy khó khăn.
Kiên trì với mục tiêu
Công việc đang khá thuận lợi, nhưng bà chủ thương hiệu bún tươi Nguyễn Bính vẫn còn nhiều trăn trở. Bà chia sẻ, dù sản phẩm của Nguyễn Bính đã được xuất khẩu, nhưng do vốn còn hạn chế, quy mô sản xuất, lưu trữ còn nhỏ, nên Công ty phải qua đơn vị trung gian, chứ chưa thể tự xuất trực tiếp.
Đầu năm nay, nhiều đối tác từ Mỹ, Đức đến đặt hàng, đề nghị nhập trực tiếp bún tươi Nguyễn Bính, bà Bính quyết định mở rộng quy mô nhà xưởng, tăng công suất, nhưng lại gặp nhiều trở ngại.
“Tôi thuê một kho xưởng ở TP.HCM để mở rộng quy mô, đáp ứng đơn hàng xuất khẩu, nhưng bị lừa đảo và đang trong quá trình theo đuổi vụ kiện. Giải quyết xong những vướng mắc này, tôi sẽ tiếp tục tính toán việc xuất khẩu trực tiếp”, bà Bính nói.
Để có thể trực tiếp xuất khẩu sản phẩm, Công ty phải hoàn thiện quy trình, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và quy cách đóng gói. Hiện doanh nghiệp đang nâng cấp nhà máy, sử dụng hệ thống nước lọc RO để sản xuất thay thế nước máy. Ngoài ra, dây chuyền sản xuất nui tươi cũng được lắp mới... Đây là bước chuẩn bị cần thiết cho kế hoạch xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhất là xuất khẩu vào Mỹ trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, bà Bính tiết lộ, qua tìm hiểu, nghiên cứu, doanh nghiệp đang thử nghiệm hợp tác với một đơn vị chuyên về công nghệ sấy thăng hoa để tạo ra sợi bún tươi thương hiệu Nguyễn Bính phục vụ xuất khẩu. Với việc sử dụng công nghệ sấy thăng hoa, sản phẩm đảm bảo chất lượng, mùi vị chuẩn bún tươi, sạch, truyền thống, đồng thời giải quyết được “bài toán” về bảo quản, giúp sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các loại bún khô trên thị trường. Bà Bính kỳ vọng, dòng sản phẩm tiện lợi, chất lượng này sớm ra mắt và chinh phục khách hàng.
“Để thực hiện mục tiêu xuất khẩu bún tươi, chúng tôi đã nâng cấp dần nhà máy 350 m2. Nhà máy tuy nhỏ, nhưng chúng tôi cố gắng tinh gọn và đạt đủ các tiêu chuẩn. Trước mắt, Công ty sẽ tăng vốn để sớm mở rộng nhà máy. Về vận hành, quản lý doanh nghiệp, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ, sử dụng các phần mềm quản lý sản xuất, quản lý nhân sự nhằm tăng năng suất, giảm chi phí để tối ưu lợi nhuận”, bà Bính chia sẻ.
Sau nhiều ngày tập trung lên bản vẽ, làm việc với chục kỹ sư, Công ty Nguyễn Bính vừa hoàn thành mở rộng xưởng sản xuất ở đường Huỳnh Văn Nghệ (quận Tân Bình, TP.HCM) với công suất lên đến 45 tấn bún thành phẩm mỗi ngày. Trong năm tới, bà Bính sẽ đưa vào vận hành lò hơi để sản xuất bún truyền thống. Công nghệ này cho phép làm nóng từ xa, tăng độ an toàn lao động, không phát thải khí carbon, giảm khói bụi...
“Khi mở rộng nhà máy, bên cạnh việc duy trì 20 dòng sản phẩm làm từ gạo như nui, phở, bánh ướt, bánh hỏi..., Công ty sẽ tìm thêm nguồn nguyên liệu sạch, hữu cơ từ các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long để nghiên cứu phát triển thêm sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng. Chúng tôi quyết tâm sớm trực tiếp xuất khẩu bún tươi thương hiệu Nguyễn Bính tới các thị trường trên thế giới”, bà chủ bún tươi Nguyễn Bính tự tin nói.