Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân đang là mối quan tâm của cả cộng đồng doanh nhân Việt. |
1. Lần đầu tiên, chân dung doanh nghiệp tư nhân Việt Nam được vẽ bằng những nét rõ ràng. Không chỉ giữ thế áp đảo về số lượng, khu vực doanh nghiệp này đang đóng góp lớn cho nền kinh tế, cả nước cũng như các địa phương.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã cho một hình dung như vậy khi chọn trình bày các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong buổi ra mắt Sách Trắng 2019.
Về lao động, khu vực này tạo ra 8,8 triệu chỗ làm, vượt rất xa con số 1,2 triệu của khu vực doanh nghiệp nhà nước và 4,5 triệu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đây mới là con số cập nhật đến ngày 31/12/2017.
Về nguồn vốn, khu vực này cũng giữ thế áp đảo, khi thu hút 17,5 triệu tỷ đồng vốn, chiếm 53% vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 16,5% so với cùng thời điểm năm 2016. Khu vực doanh nghiệp nhà nước góp 9,5 triệu tỷ đồng và khu vực FDI góp 6 triệu tỷ đồng.
Doanh nghiệp tư nhân cũng đứng đầu về tổng doanh thu thuần, với 11,7 triệu tỷ đồng năm 2017, chiếm 56,8% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực doanh nghiệp…
Nhưng, bức tranh về doanh nghiệp tư nhân không chỉ có vậy. Trong Báo cáo Kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, những thay đổi về chất trong hoạt động đầu tư giai đoạn qua được nhìn thấy chủ yếu nhờ đầu tư của khu vực tư nhân. Những chuyển dịch trong cơ cấu nhiều ngành nghề cũng ghi nhân vai trò của khu vực này.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
“Khu vực tư nhân trong nước trở thành yếu tố quyết định tăng đầu tư trong giai đoạn này”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô (CIEM) đã rút ra kết luận này và gọi sự xuất hiện của những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn là một hiện tượng đáng khích lệ.
Nhiều người chia sẻ quan điểm với ông Dương, khi nhắc tới các dự án lớn mà khu vực này đã làm được trong những năm qua, trong bối cảnh đầu tư của doanh nghiệp nhà nước khá lặng lẽ. Đó là Sungroup với sân bay Vân Đồn; là Vingroup với Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast; là BRG với dự án Thành phố Thông minh… và vô vàn dự án vốn trước đây thuộc về doanh nghiệp nhà nước.
Nhưng, ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế còn cho rằng, những đóng góp cho nền kinh tế của khu vực kinh tư nhân còn chưa được tính đủ.
“Dưới con mắt của dân chúng và người tiêu dùng, phần lớn các tỷ phú, triệu phú của Việt Nam chưa được đánh giá như những tài năng, mà cho rằng họ lớn lên chủ yếu lớn lên nhờ thân hữu, tài nguyên… Hình ảnh này cần phải thay đổi, để có sự ghi nhận công bằng hơn cho doanh nghiệp”, ông Cung nói.
2. Ông Nguyễn Đình Cung là một trong những nhân vật hay được nhắc đến trong dòng chảy của khu vực kinh tế tư nhân, khi bàn về Luật Doanh nghiệp.
Đúng 20 năm trước, tại kỳ họp tháng 6/1999 của Quốc hội Khóa X, bộ luật được cho là mang sinh khí rõ nét nhất của cơ chế thị trường được thông qua, chính thức mở ra khái niệm mới về quyền kinh doanh, về môi trường kinh doanh, điều kiện kinh doanh…
“Lịch sử đã đặt lên vai bộ luật này sứ mệnh tạo ra môi trường để người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm, thay cho tư tưởng chỉ được làm những gì pháp luật cho phép của Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân trước đó. Đây là một cuộc cách mạng về tư duy, quan điểm phát triển trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vừa ra khỏi cơ chế tập trung, bao cấp khoảng 10 năm, những vương vấn còn nhiều”, ông Cung nhớ lại.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Ngay lập tức, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng vọt trên cả nước. Giám đốc trở thành một chức danh chứa đầy trải nghiệm mới mẻ.
“Ít ai tự gọi mình là doanh nhân. Mọi thứ đều khá mới mẻ. Giám đốc hay nhân viên đều lăn lưng vào làm. Hồi đó, các cuộc họp lấy ý kiến doanh nghiệp về cắt bỏ giấy phép con có mời doanh nghiệp. Nhiều giám đốc đi xe máy đến họp, chứ không như bây giờ”, ông Cung kể.
Không khí hứng khởi vì được tìm tòi, sáng tạo, được làm nhiều việc trước đây bị cấm lan rất nhanh và rộng. Đúng thời điểm này, Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA) được ký kết, thổi thêm làn gió mới với vô vàn cơ hội vào cộng đồng kinh doanh non trẻ của Việt Nam.
Nói theo cách hiện đại, thì nhiều doanh nhân khi đó đã bắt kịp tư duy phát triển mới, bắt kịp còn tàu hội nhập. Các thương hiệu Việt xuất hiện, lớn nhanh. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hình thành một khối có trọng lượng.
“Các cuộc làm việc, đối thoại giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành, chủ yếu là thuế, hải quan khi đó rất nóng. Vì thị trường mở cửa, doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài nhiều lên. Nhiều thứ mới mẻ với cả doanh nghiệp và cơ quam quản lý. Chính doanh nghiệp xuất nhập khẩu tư nhân hồi đó và cả hiện tại đã “dạy” công chức chúng tôi kinh nghiệm về kinh doanh, thương trường, để đưa chính sách gần với cuộc sống...”, ông Cung nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp được cho là đã hoàn thành sứ mạng lịch sử là tạo ra, mở rộng quyền tự do kinh doanh, ở mức độ nào đó, nâng được mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh, tạo ra các loại hình pháp lý về kinh doanh theo thông lệ quốc tế, từ đó tạo ra một cộng đồng kinh doanh đông đảo.
“Nhưng chưa đủ để hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam hùng hậu, đủ năng lực cạnh tranh và đủ độ tin cậy với công chung. Lúc này, doanh nghiệp tư nhân cần một cơ chế thúc đẩy khát vọng lớn lên, an tâm lớn lên của doanh nhân. Cụ thể là cần một thể chế kinh tế thị trường hoàn thiện”, ông Cung nói.
3. Ngày 5/10 vừa rồi, hơn 1.000 doanh nhân ba miền đã có mặt ở Đà Nẵng, để cùng bàn về Chủ đề: “Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh của doanh nhân” do Phòng Thương mại và Cộng nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
15 năm trước, nhiều người trong số này đã có mặt trong Lễ công bố Ngày Doanh nhân Việt Nam Việt Nam 13/10/2004 tại Hà Nội, cảm nhận được giây phút lần đầu được gọi đúng tên là doanh nhân.
Còn hiện tại, họ đến đây, vì thấy cả trách nhiệm và cơ hội của mình trong khát vọng hùng cường của nền kinh tế.
Vì xét về số doanh nghiệp trên đầu người dân, Việt Nam không thua kém các nền kinh tế trong khu vực, nhưng chưa đạt chuẩn mực trung bình. Những doanh nhân hàng đầu, những thương hiệu lớn quá ít. Năng lực doanh nghiệp theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới mới chỉ ở hạng trung bình, công nghệ sử dụng và năng suất lao động vẫn thấp...
Các doanh nghiệp đã chọn nâng cấp doanh nghiệp là yêu cầu bức thiết, đi cùng với quyết tâm đổi mới, cải cách của Chính phủ. Sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng rõ ràng, cải cách thể chế và tinh thần khởi nghiệp, tham vọng lớn lên của doanh nhân Việt đang cộng hưởng. Đây sẽ yếu tố chính trong đối sách phát triển, cho nền kinh tế Việt Nam bay lên.