Vào ngày thứ Sáu cuối cùng của tháng 8, một vài công nhân xếp hàng bên ngoài nhà máy lắp ráp điện tử của Foxconn ở tỉnh Bắc Giang, với túi hồ sơ xin việc cầm sẵn trong tay. Tài xế xe tải 30 tuổi, Nguyễn Thành Công, chia sẻ với tờ Rest of World trong khi chờ đến lượt mình phỏng vấn: “Tôi không biết người ta sản xuất cái gì ở đây”, Công nói và nhún vài. Tuy nhiên dù muốn hay không, anh sẽ có mặt tại nhà máy vào tuần tiếp theo, tham gia vào dây chuyền sản xuất cáp sạc iPhone.
Việt Nam là trung tâm sản xuất thiết bị thông minh lớn thứ ba thế giới cho các thương hiệu như Apple và Samsung. Với việc Apple đang chịu sức ép mở rộng dây chuyền sản xuất ra ngoài lãnh thổ Trung Quốc, các đối tác của hãng như Foxconn và Luxshare-ICT cũng cần nhanh chóng tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu lắp ráp các đơn đặt hàng mới cho AirPods và bộ sạc cáp.
Tại Việt Nam, Foxconn cần tuyển dụng khoảng 24.500 công nhân lắp ráp trong khi đối thủ của họ là Luxshare cũng có nhu cầu tuyển 24.000 người. Đây là con số không hề nhỏ, nếu đặt trong bối cảnh hàng trăm nghìn công nhân Việt Nam đã bị mất việc trong giai đoạn từ đầu năm đến nay.
Nhưng thị trường lao động cần thời gian để phục hồi trở lại. Ivan Lam, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao tại Counterpoint Research, nói với Rest of World: “Việc sa thải lao động hàng loạt trước đây đã khiến nhiều người phải quay về quê hương, khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lại số lượng nhân sự tương tự”.
Hầu hết hoạt động tuyển dụng hiện nay diễn ra ở Bắc Giang, nơi Foxconn và Luxshare đặt nhiều nhà máy lắp ráp Apple Watch, AirPods và bộ sạc cho Apple cũng như cho các gã khổng lồ công nghệ khác. Bắc Giang từ lâu được biết đến như một trung tâm lắp ráp công nghệ quy mô lớn, với hàng loạt người lao động từ các tỉnh khác đổ về để tìm kiếm công việc lương cao hơn và thoải mái hơn so với làm nông nghiệp.
Một trong số họ là chị Vương Thị Liêm, 43 tuổi. Trước đại dịch, chị làm việc cho Luxshare khoảng một năm nhưng sau đó nghỉ việc để về quê chăm sóc cháu nhỏ. Hiện tại, các cháu đã lớn và Liêm có thời gian rảnh rỗi, nên chị quyết định quay trở lại nhà máy, tránh xa cái nắng oi bức trên cánh đồng lúa.
“Bộ phận nhân sự của công ty đã sắp xếp chỗ ở (miễn phí) cho tôi,” Liêm nói với Rest of World bên ngoài nhà máy của Luxshare-ICT. "Thật tuyệt vời. Ở nhà cũng làm được gì đâu? Chỉ phí thời gian".
Bất chấp sự nhiệt tình của mình, Liêm đang tiến gần đến giới hạn độ tuổi cao nhất đối với một công nhân Luxshare - 45 tuổi đối với nữ và 40 tuổi đối với nam. Mặc dù vậy, Bắc Giang vẫn rất cần những lao động nhập cư như Liêm, khi nguồn nhân công của tỉnh cơ bản chỉ đáp ứng được 60% số chỉ tiêu cần tuyển dụng từ phía các nhà máy.
Kể từ tháng 7 đến nay, Luxshare luyên tục duy trì quá trình tuyển dụng công nhân, với hy vọng có thể lấp đầy hàng trăm vị trí mỗi ngày. Trên thực tế, công ty mới đạt được một nửa số lượng tuyển dụng cần thiết.
Ảnh: New York Times. |
Để thu hút người lao động, một số công ty đã đơn giản hóa thủ tục tuyển dụng và bổ sung thêm nhiều ưu đãi. Công ty con New Wing Interconnect Technology của Foxconn đã nới lỏng các quy định về độ tuổi và kinh nghiệm của người lao động, đồng thời đề nghị trả mức lương tháng lên tới 10 triệu đồng/người, cùng với ký túc xá cho công nhân nhập cư và xe đưa đón đi làm.
Một dòng trong quảng cáo tuyển dụng của nhà lắp ráp máy tính xách tay Đài Loan (Trung Quốc) Wistron còn nhấn mạnh: “Cho phép có hình xăm nhỏ”. Đây là một ngoại lệ hiếm hoi đối với các quy định nghiêm ngặt về yêu cầu không xăm hình. Ở Bắc Giang, người ta có thể dễ dàng tìm thấy những mẩu quảng cáo về dịch vụ xóa hình xăm gần các khu công nghiệp.
Pegatron, một đối tác của Apple, gần đây đã bắt đầu các đợt tuyển dụng mới, với nhiều phúc lợi hơn cho người lao động ngoại tỉnh như thu nhập hàng tháng lên tới 13 triệu đồng và được trợ cấp để học ngoại ngữ. Phía Khu công nghiệp DEEP C (Đình Vũ, Hải Phòng), nơi Pegatron đặt nhà máy, cũng đang đặt ra nhiều kế hoạch để biến DEEP C thành một thành phố thu nhỏ, giúp người lao động không cần phải đi xa mà vẫn đáp ứng được nhu cầu xã hội và giải trí cho họ.
“Hiện tại, tôi tin rằng thách thức lớn đối với các nhà máy tại DEEP C là chưa thực sự thu hút được nhân công. Cụ thể hơn là giữ chân nhân sự,” Koen Soenens, giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Deep C, nói với Rest of World. “Bởi vì mỗi doanh nghiệp mới đến với Deep C là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng”.
Theo Rest of World, cuộc chiến cạnh tranh để giữ chân nhân công sẽ ngày càng gay gắt khi nhiều nhà sản xuất dịch chuyển hoạt động sang Việt Nam. Riêng với Apple, theo truyền thống, tháng 9 là thời điểm công ty công bố sản phẩm mới cũng như các kế hoạch nâng cấp sản phẩm. Do đó, đối tác của họ cũng cần gấp rút tuyển dụng công nhân, đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ tốt và môi trường làm việc thân thiện.
Nhưng những công nhân như Nguyễn Thành Công luôn có kế hoạch của riêng mình. Trong mắt anh, công việc ở Foxconn chỉ là công việc tạm thời trong vài năm. Một khi hoạt động xuất khẩu trái cây giữa Việt Nam và Trung Quốc hồi phục hoàn toàn, anh sẽ quay lại ngồi sau tay lái xe tải.
"Tôi thích lái xe. Đó là công việc dành cho tôi, vì tôi được tự do”, Công nói. “Nhưng đây (xin việc tại Foxconn) là một bước tiến mới để tôi kiểm tra giới hạn của bản thân, xem liệu mình có thể duy trì công việc này không.”