- Thới Lai phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện
- Tài xế đòi thối lại 100 đồng, BOT Ninh An ở Khánh Hòa xả trạm
- "Cuộc chiến" giảm giá ô tô: Doanh nghiệp lắp ráp qua thời lãi đậm
- Tài xế đòi thối lại 100 đồng, BOT Ninh An ở Khánh Hòa xả trạm
- Cần Thơ: Thới Lai đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư
- Đầu tư 9.725 tỷ đồng xây 37,42 km cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Khu phố thương mại Chợ trung tâm Thới Lai ngày một khang trang. |
Là huyện ngoại thành của TP. Cần Thơ, tuy xuất phát điểm thấp, nhiều khó khăn trong kết cấu hạ tầng, giao thông và nguồn nhân lực, nhưng đến nay, huyện Thới Lai được ghi nhận có nhiều thay đổi đáng kể chỉ sau hơn 10 năm thành lập.
Nổi bật năm 2022, kinh tế nông nghiệp Thới Lai phát triển toàn diện, trong đó hơn 70% diện tích “cánh đồng lớn” đạt hiệu quả cao, hàng năm đóng góp trên 300.000 tấn lúa hàng hóa phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người lên trên 64,654 triệu đồng/ người/ năm (2022), tăng hơn 6,454 triệu đồng so với 2021 và tăng giá trị sản xuất bình quân đất đạt trên 170 triệu đồng/ha (tăng gần 10 triệu đồng so với 2021).
Thế mạnh của Thới Lai chính là, xây dựng có hiệu quả mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng lúa sạch”, với tổng diện tích trên 13.000 ha, vận động nông dân trồng lúa chất lượng cao để xuất khẩu, thực hiện tốt cải cách hành chính, đồng hành, chia sẻ, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tăng cường đầu tư và thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Phát huy kết quả năm 2022, quý I/2023, kinh tế Thới Lai có nhiều khởi sắc, đơn cử, sau 2 năm nỗ lực, xã Định Môn đã hoàn thành toàn bộ 8 tiêu chí, 38 chỉ tiêu về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 71,65 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,04%, có 4/4 trường đạt chuẩn quốc gia. Hiện trên địa bàn Định Môn có 2 hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả (Đồng Tâm và Đồng Tiến) góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ sang tập trung theo hướng sản xuất sản phẩm hàng hóa quy mô.
Ngoài ra, Định Môn phát triển sản xuất hữu cơ trên nhãn Idor, với diện tích 215 ha đảm bảo liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, được chứng nhận VietGAP và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Trên địa bàn huyện còn có ba xã Tân Thạnh, Xuân Thắng và Trường Xuân A cũng vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Đến nay, diện mạo thị trấn trung tâm huyện lỵ Thới Lai đã có nhiều khởi sắc, khang trang sạch đẹp và văn minh, với nhiều công trình phục vụ công tác quản lý điều hành và phúc lợi công cộng đã được xây dựng mới như: trung tâm hành chính huyện, quảng trường, khu hành chính của thị trấn, chợ Thới Lai, Trung tâm Y tế, trường trung học, tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nổi bật, Khu đô thị mới ngay trung tâm huyện được xây dựng khang trang, hiện đại với diện mạo mới, được kết nối hạ tầng thuận lợi nhanh chóng hình thành các dự án khu dân cư và khu chức năng đô thị, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện .
Thới Lai đang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng: Dự án đường dây 500 Kv Ô Môn - Thốt Nốt, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, giai đoạn 1, đoạn qua huyện Thới Lai, với các thủ tục, trình tự, áp giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng phải đúng tiến độ và đúng quy định.
Tăng cường nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng lúa sạch”, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng gạo xuất khẩu, tăng lợi nhuận trên diện tích đất, kết hợp với quy hoạch vùng trồng, vùng nguyên liệu tập trung phù hợp với đặc thù của từng địa phương trên địa bàn huyện và triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71 triệu đồng/người/năm trong năm nay.
Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết, song song với nhiệm vụ thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị. Thới Lai sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hoạt động hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tăng thu nhập cho người dân; nhất là quan tâm hỗ trợ và tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Đi liền với nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác cải cách hành chính từ huyện đến xã, thị trấn, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và mang lại hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp, thu hút đầu tư và các nguồn lực xã hội. Tuyên truyền và triển khai hướng dẫn cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến gắn với việc đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; qua đó làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện và xác định trách nhiệm của cán bộ, công chức địa phương trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, phục vụ tốt cho người dân và doanh nghiệp.