Một số địa phương bày tỏ mong muốn được xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển để tạo sức bật cho địa phương. |
Bắt đầu “cuộc chơi” mới
Ít ngày trước, đoàn công tác của Công ty CT - Strategies Việt Nam (thuộc Công ty Tư vấn chiến lược CT Strategies - Mỹ) đã tới Đồng Nai để khảo sát, đề xuất việc thành lập khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh này. Đây không phải là lần đầu tiên CT Strategies đến Đồng Nai và Đồng Nai cũng không phải là địa phương duy nhất mà CT Strategies tìm đến trong thời gian qua. Công ty tư vấn đến từ nước Mỹ này đang tư vấn, đề xuất hình thành các khu thương mại tự do tại một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Ngãi…
Khu thương mại tự do là mô hình đã được thành lập tại nhiều quốc gia, nhằm thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình này vẫn còn mới. Gần đây, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương đã bày tỏ mong muốn được xây dựng khu thương mại tự do để khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo sức bật cho kinh tế - xã hội địa phương.
Thậm chí, Hải Phòng, trong Quy hoạch tổng thể giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã tính đến định hướng thành lập khu thương mại tự do trong Khu kinh tế ven biển phía Nam Thành phố. Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu muốn phát triển khu thương mại tự do gắn với khu vực Cái Mép.
Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã đưa ra chủ trương hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ.
Mới đây, khi xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển TP. Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP. Đà Nẵng gắn với cảng Liên Chiểu và Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ngoài khu thương mại tự do, tại Đà Nẵng, đề xuất thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc thí điểm thành lập trung tâm tài chính quốc tế nhằm tận dung ngay các lợi thế hiện tại của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đối với khu vực và thế giới, đón đầu xu hướng dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các thị trường tài chính truyền thống, vừa triển khai vừa nghiên cứu để hạn chế các rủi ro tiềm ẩn từ việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế. “Điều này sẽ tạo ra động lực mới cho quá trình chuyển dịch nhanh cơ cấu dịch vụ giá trị gia tăng cao của TP. Đà Nẵng”, ông Minh cho biết.
Ở Việt Nam, ngoài Đà Nẵng, thì TP.HCM cũng dự kiến thí điểm xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Đầu tàu kinh tế này thậm chí đã có những bước đi đầu tiên trong việc chuẩn bị xây dựng mô hình kinh tế được đánh giá là có nhiều ưu thế vượt trội này.
“Việc phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam là một sáng kiến mang tính thay đổi cuộc chơi”, ông Denzel Eades, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam đã nói như vậy.
Còn ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho rằng, thúc đẩy phát triển trung tâm tài chính là “cơ hội vàng” đối với Việt Nam. Cơ hội để thu hút đầu tư cả gián tiếp và trực tiếp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
Đón đầu sự phát triển
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng là một trong những người tiên phong đề xuất việc phát triển các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, cũng như các khu thương mại tự do ở Việt Nam. Đây là những mô hình kinh tế mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.
Nhiều năm trước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã luôn muốn thúc đẩy việc xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Ông nói rằng, Việt Nam đang ở “thời cơ vàng, ngàn năm có một” để thành lập được trung tâm tài chính quốc tế, ở TP.HCM và Đà Nẵng.
“Có một điểm đặc biệt là, nếu ta lấy compa quay một vòng khoảng cách tương đương 3 giờ bay với trung tâm là TP.HCM hay Đà Nẵng, thì sẽ bao phủ toàn bộ khu vực ASEAN, rất thuận lợi. Hiện nay, chúng ta không trùng múi giờ với 21 trung tâm tài chính quốc tế. Đó là cơ hội rất hẹp. Dòng tiền có thể hình thành và luân chuyển suốt 24 giờ trên khắp các trung tâm tài chính đó. Đấy là khe rất hẹp để chen vào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.
Bộ trưởng nhiều lần lấy Cayman là một ví dụ sinh động trong phát triển trung tâm tài chính quốc tế. Hòn đảo này 40 năm trước là một quốc đảo nghèo khó, nhưng với việc thành lập trung tâm tài chính, hàng trăm ngân hàng đã đăng ký thành lập ở đây, trong đó có 50 ngân hàng lớn nhất thế giới. Cayman cũng trở thành trung tâm tài chính quốc tế lớn nhất thế giới, ước tính mỗi ngày, dòng tiền chảy qua đó khoảng 2.000 tỷ USD.
“Chúng ta có rất nhiều lợi thế. Làm trung tâm tài chính quốc tế thì sẽ mang lại cơ hội vô cùng lớn cho đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và nhấn mạnh, cần phải làm ngay để không bỏ lỡ thời cơ.
Đó là lý do mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu về mô hình phát triển trung tâm tài chính và cả các khu thương mại tự do ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Thượng Hải.
Đầu năm nay, nhân chuyến công du tới Davos (Thụy Sỹ) của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, một cuộc tọa đàm về tiềm năng và cơ hội đầu tư vào thị trường tài chính Việt Nam đã được tổ chức. Tại sự kiện, các tập đoàn đều cho rằng, Việt Nam đang trên con đường trở thành một trung tâm tài chính và hoàn toàn có thể tạo được bước nhảy vọt trong lĩnh vực này.
Có mặt tại sự kiện đó, TS. Philipp Rösler, cựu Phó thủ tướng Đức, người được Thủ tướng mời tham gia Tổ nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM, bày tỏ sự tin tưởng vào tiềm năng của thị trường Việt Nam. Ông cho rằng, một trung tâm tài chính sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TP.HCM nói riêng, khu vực và toàn bộ Việt Nam nói chung, thậm chí là có thể vượt ra ngoài khu vực ASEAN.
Cơ hội đang mở ra. Các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, các khu thương mại tự do nếu được xây dựng và phát huy hiệu quả, sẽ tạo sức bật cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các động lực tăng trưởng truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Khai thác các động lực tăng trưởng mới là điều đã được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây. Bởi vậy, điều quan trọng trong thời điểm hiện nay chính là xây dựng thể chế, chính sách cho các mô hình trung tâm tài chính quốc tế, cũng như khu thương mại tự do.