Đầu tư Phát triển bền vững
Đồng Hỷ (Thái Nguyên): Hành trình thoát nghèo từ nghề nông ở Cầu Lưu
Hà Quang - 24/11/2021 10:04
3 năm qua, người dân Cầu Lưu góp đất, góp công làm đường và thụ hưởng thành quả từ cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới.
Người dân Cầu Lưu thay vì làm việc riêng lẻ giờ đã biết làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau. 

Nằm ở phía Đông xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, năm 2018, xóm Cầu Lưu có 150 hộ với 620 nhân khẩu với 19 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Năm 2018, từ nguồn vốn hỗ trợ dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân và các dự án tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống tại địa phương” của tổ chức INKOTA (Cộng hòa Liên bang Đức), 20 hộ dân có con đường đi qua đã hiến 1 phần đất canh tác để mở rộng và cứng hóa con đường, từng bước cải thiện đời sống người dân trong xóm. Con đường bê tông dài 280m rộng 3m ở xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ trước đây là đường đất nhỏ hẹp và lầy lội vào mùa mưa, rất khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất và vận chuyển hàng hóa nay là con đường chính đưa nông sản, hàng hóa của bà con ra thị trường.

Trong khuôn khổ của dự án còn có chương trình tập huấn trồng, chăm sóc và chế biến chè cho người dân xóm Đồng Lâm. Tại lớp tập huấn, các học viên đã được hướng dẫn về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho chè đến thu hoạch và chế biến chè theo tiêu chuẩn chè an toàn.

Chị Nguyễn Thị Luấn, xóm Đồng Lâm, xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ cho hay: "Tôi đi tập huấn thu được nhiều kiến thức hay. Trước đây, tôi phun thuốc sai, hái chè cũng sai, sao chè cũng không đúng kỹ thuật. Sau khi nghe hướng dẫn và làm theo, tôi đã tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chè, bán được giá cao hơn".

Bà Quách Thị Yến, trưởng nhóm rau sạch xóm Cầu Lưu cho biết, “sản phẩm rau sạch của nhóm được trồng an toàn, không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu hóa học do vậy bán ra chợ mọi người rất thích mua. Ai hỏi gì chúng tôi đều nói quy trình canh tác như thế nào, mọi người mua đều thấy an tâm. Đường xá thuận tiện, việc bán nông sản cũng thuận lợi hơn. Năm 2019, vườn rau nhà bà Yến cho thu hoạch gần 1 tấn rau, sau khi trừ chi phí, bà yên được hơn 5 triệu đồng riêng tiền bán rau”.

Sản phẩm chè sạch Cầu lưu năng suất, chất lượng, bán được giá cao hơn.

“Người dân trong xóm thay vì làm việc riêng lẻ giờ đã biết làm việc theo nhóm, chia sẻ kinh nghiệm học tập lẫn nhau. Chúng tôi cũng áp dụng Quản lý cộng đồng vào các công việc chung của toàn xóm như họp dân, bình xét hộ nghèo. Như hôm trước, xóm thực hiện rà soát hộ nghèo, nếu như trước đây, Ban quản lý xóm sẽ tự rà soát hộ nào ra khỏi hộ nghèo nhưng giờ học cách huy động sự tham gia người dân của dự án, chúng tôi đánh danh sách toàn bộ hộ nghèo trong xóm, phát cho các hộ, các hộ sẽ quyết định ý kiến của mình, sau đó chúng tôi tập hợp lại thành danh sách chung, mọi người ai cũng cảm thấy hài lòng”,  Ông Dương Văn Chung, trưởng Nhóm nòng cốt xóm Cầu Lưu cho biết.

Theo bà Bùi Thị Tĩnh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Lợi, huyện Đồng Hỷ: "Khi triển khai dự án trên địa bàn xóm Cầu Lưu này, người dân ở đây được hưởng lợi từ những con đường, bờ kè, sửa chữa những con đường đi lại cho nhân dân góp phần vào thực hiện tiêu chí về làm đường trong xây dựng nông thôn mới. Trong khi thực hiện dự án, những buổi tập huấn, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, kỹ năng sản xuất trong chế biến chè. Hiện nay, dự án đang thực hiện tổ hợp tác chè góp phần nâng cao thu nhập của người dân".

Người góp đất, người góp công, con đường đất dẫn vào Cừu Lưu xưa kia nay là đường bê tông lưu thông dễ dàng.

Bà Bùi Kim Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đồng Hỷcho biết: "Sau hai năm thực hiện dự án, tôi thấy tư duy của người dân trong quản lý cộng đồng đã được thay đổi. Người dân đã biết lựa chọn vấn đề ưu tiên, lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Cái được thứ hai là thay đổi thói quen trong sản xuất, thói quen sử dụng những hóa chất độc hại bừa bãi, người dân đã biết sử dụng phương pháp an toàn theo hướng bền vững. Thứ ba, người dân từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ đã biết phối hợp với nhau tạo thành tổ phụ nữ hoặc nhóm liên kết sản xuất để tạo thành mô hình sản xuất tập thể".

Đó là 2 trong tổng số 25 tiểu dự án thuộc Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của người dân và các dự án tự quản nhằm cải thiện điều kiện sống tại xã Tân Lợi”. Đến nay, đã có 18 tiểu dự án thực hiện thành công, gồm: 5 tiểu dự án về phát triển kinh tế, 13 tiểu dự án về cơ sở hạ tầng với tổng ngân sách trên 1,5 tỷ đồng. Từ đây đã có 1.899m đường bê tông được xây dựng; 260 m đường được mở mới; 1 cây cầu tràn; 1 tuyến đường điện phục vụ khu vực sản xuất; 128 m kè đường; 3 nhóm sản xuất chè an toàn và 1 mô hình rau sạch.

Với những gì mà người dân Cầu Lưu đã làm được trong ba năm qua, hành trình thoát nghèo của người dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều hộ gia đình đã từng bước có tích lũy, vươn lên xây dựng đời sống kinh tế ấm no từ chính các sản phẩm nông nghiệp trên vùng đất quê hương.

Tin liên quan
Tin khác