Tài chính - Chứng khoán
Dòng ngân hàng hụt hơi, VN-Index thêm một lần thất bại trước ngưỡng 1.400 điểm
Thanh Thủy - 18/10/2021 18:09
Áp lực bán tăng mạnh kể từ sau 14h. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn, nhất là ông lớn ngân hàng quay đầu lao dốc.
Cổ phiếu của PV Gas trở thành trụ đỡ chính nâng đỡ VN-Index.

VN-Index kịp giữ sắc xanh sau cú đảo chiều bất ngờ, GAS trở thành trụ đỡ

Giao dịch thăng hoa ngay từ đầu phiên đã đưa VN-Index nhiều lần vượt qua mốc 1.400 điểm trong phiên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời bất ngờ xuất hiện từ giữa phiên chiều, kéo một loạt cổ phiếu quay đầu giảm.

VN-Index vẫn kịp tăng nhẹ 2,83 điểm (+0,2%) lên 1.395,53 điểm. Dù vậy, số lượng mã giảm vẫn áp đảo so với số mã tăng. HNX-Index tăng 0,04 điểm (0,01%) lên 384,88 điểm. UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,07%) xuống 99,37 điểm. Phiên giao dịch ngày 18/10 ghi nhận biến động mạnh nhưng đến cuối phiên nỗ lực tăng điểm trước đó đều đã bị xóa bỏ.  

VN-Index kịp giữ lại sắc xanh sau cú lao dốc từ giữa phiên chiều.

Cổ phiếu Vietcombank tiến đến mốc 97.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tụt sâu về 95.000 đồng/cổ phiếu. Nhịp hồi phục nhẹ phiên ATC kịp kéo cổ phiếu này đóng cửa tại 96.500 đồng/cổ phiếu (-0,52%). Trong khi đó, trái với “cú lật mặt” của VCB, CTG giảm dần đều và đóng cửa ở mức gần thấp nhất trong phiên 30.200 đồng/cổ phiếu (-1,47%).

Đây cũng là hai cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số sàn HoSE phiên 18/10 bên cạnh SAB, GVR, MWG... Ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu đóng vai trò trụ đỡ. Cổ phiếu của ông lớn ngành dầu khí PV Gas tăng hơn 4% và đóng góp 2,31 điểm tăng cho chỉ số chung. Trái với ba ông lớn ngân hàng có vốn Nhà nước, một số cổ phiếu ngân hàng tư nhân như VPB, TCB lại tăng tốt và nằm trong top 10 cổ phiếu tác động tích cực đến chỉ số. Dù giao dịch phân hóa, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở nhóm nhà băng.

Sự tuột dốc của các cổ phiếu dòng ngân cùng một số ông lớn vốn hóa khác như VIC, SAB là nguyên nhân chính kéo theo sự đảo chiều của VN-Index.

Trên sàn HNX, động lực tăng chính của chỉ số là tân binh KSF của CTCP Tập đoàn KS Finance lại là cổ phiếu kéo chỉ số chung giảm điểm nhiều nhất. Tuy vậy, các trụ cột khác như PVS hay các cổ phiếu bất động sản khác như IDJ, L14, ID, API… kéo chỉ số tăng nhẹ.

Đa phần các cổ phiếu dầu khí đều giao dịch khởi sắc với mức tăng trên 3% như PVD (+4,2%), GAS (+4%), BSR (+3,9%)... Cổ phiếu hai đơn vị phân phối xăng dầu gồm PLX và OIL lần lượt tăng 1,5% và 2,7% so với phiên cuối tuần trước. Xu hướng tăng của giá dầu vẫn là trợ lực chính cho nhóm này. Dầu Brent hiện đang giao dịch ở mức giá 85,9 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Cùng với nhóm dầu khí, sắc xanh cũng phủ rộng ở nhóm cổ phiếu chứng khoán với khá nhiều cổ phiếu tăng trên 3% như BSI, VCI, VDS, VND…

Giao dịch sôi động, khối ngoại tiếp tục chốt lời HPG

Bên cạnh những biến động mạnh về giá, sàn chứng khoán phiên đầu tuần còn ghi nhận sự sôi động với tổng giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 28.885 tỷ đồng, tăng 4,3% so với phiên cuối tuần trước. Tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường phiên này đạt 27.509 tỷ đồng, tăng 9,6%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 9,5% lên mức 22.454 tỷ đồng.

Khối ngoại trở lại bán ròng sau phiên mua ròng hiếm hoi phiên cuối tuần trước. Giá trị bán ròng gần 663 tỷ đồng, tiếp tục tập trung chốt lời cổ phiếu HPG. Cổ phiếu SSI cũng bị bán ròng hơn 93 tỷ đồng, khiến ông lớn ngành chứng khoán chỉ tăng nhẹ trong khi đa phần cổ phiếu nhóm này đều bật lên khá tốt.

Với việc VN Index tạm thời thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 1.400 điểm trong phiên, Chứng khoán VCBS đánh giá xu hướng chung của VN Index trong những phiên tới sẽ vẫn tiếp tục vận động tích lũy đi ngang trong vùng 1.380 – 1.400 điểm.

“Áp lực chốt lời nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện trong bối cảnh chỉ số đang trong quá trình tìm kiếm động lực để bứt phá tiếp”, báo cáo từ công ty chứng khoán này cho hay. So với mức đỉnh lịch sử, VN-Index hiện cũng chỉ còn cách chưa đến 30 điểm.

Tin liên quan
Tin khác