Chiều 13/10, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã tổ chức thông tin về công tác ứng phó với đợt mưa lũ từ ngày 10-12/20/2017.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, trong đợt mưa lũ từ ngày 10-11/10/2017, hoàn lưu áp thấp đã gây mức lớn tại các tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La, các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc bộ và các tỉnh Bắc Trung bộ với tổng lượng từ 250-350 mm. Riêng Hoà Bình, mưa phổ biến từ 350 – 450 mm, đặc biệt tại Bất Bọt (Thanh Hoá) lên tới trên 600 mm.
Điều này đã gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Thanh Hoá, Ninh Bình; sạt lở đất và lũ quét tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Hoà Bình, Yên Bái, Sơn La và đặc biệt nghiêm trọng xẩy ra sạt lở tại xã Phú Cường, Tân Lạc, Hoà Bình.
Tính đến 14g ngày 13/10, đã có 55 người chết, 38 người mất tích và 31 người bị thương.
Tại sự cố sạt lở đất ở xã Phú Cường, Tân Lạc, Hoà Bình vùi lấp 4 hộ dân với 18 người hiện còn 9 người mất tích vẫn đang được tìm kiếm. Cũng đã có 189 nhà bị sập; 30.827 nhà bị ngập; 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp.
Ngành nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nhiều trong đợt mưa lũ này với 22.926 ha lúa bị ngập; 29.192 ha hoa mày bị thiệt hại; 16.303 ha cây trồng lâu năm, hàng năm và cây ăn quả tập trung. Có 5.747 con gia súc và 174.793 con gia cầm bị chết và cuốn trôi.
Cho tới chiều 13/10, nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến tại Yên Bái, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá.
Trong đợt mưa lũ này cũng ghi nhận 60 sự cố trên các tuyến đê tại Thanh Hoá, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định.
Trả lời báo chí về việc dự báo chưa chính xác và liệu có tâm lý coi thường áp thấp nhiệt đới nên có sự lơi là, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng, dự báo mưa đã khó, dự báo chính xác định lượng mưa bao nhiêu lại càng khó hơn, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng như vậy.
Vẫn theo ông Cường, các website dự báo của thế giới cũng không đưa ra dự báo lượng mưa mà chỉ có biểu tượng có mưa, mưa to hay mưa nhỏ.
Ngoài ra, khi bị ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, bão thường xảy ra mưa rất lớn và chủ yếu mưa vào ban đêm hoặc gần sáng, do đó, các bản tin dự báo cuối giờ chiều là rất quan trọng. Tuy nhiên do tính thời điểm diễn ra mưa nên công tác ứng phó có những khó khan nhất định. Để khắc phục những hạn chế trong khâu dự báo, thời gian tới cơ quan khí tượng thủy văn cần được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại như các hệ thống quan trắc, radar...Ngoài ra, khi sản xuất ra các bản tin dự báo rồi thì khâu truyền bản tin này đi đến với các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng cũng là một vấn đề, cần được nâng cấp, ông Cường nói.