Nhiều dự án điện mặt trời chưa có văn bản chấp nhận kết quả nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước Ảnh: Đức Thanh |
Quy định chồng chéo
Với thực tế phát sinh các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa vào vận hành các công trình điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải phát văn bản hỏi Bộ Xây dựng và Bộ Công thương để có hướng dẫn cụ thể, nhằm đảm bảo thỏa đáng quyền lợi của các bên trong dự án điện mặt trời.
Cụ thể, theo quy định của Luật Xây dựng 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung tới thời điểm này, các công trình năng lượng từ cấp III trở lại sẽ phải kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.
Các quy định hiện nay cũng xác định, dự án điện mặt trời có quy mô dưới 10 MW thuộc cấp III, quy mô từ 10-30 MW là cấp II và trên 30 MW là cấp I.
Nghĩa là, các dự án điện mặt trời được xây dựng ồ ạt trong 3 năm trở lại đây với đại đa số đều trên 50 MW sẽ thuộc diện phải có cơ quan có thẩm quyền thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu.
Trong các nhà máy điện mặt trời đã được công nhận COD trước ngày 1/1/2021 (thời điểm hết hiệu lực áp dụng giá ưu đãi - FIT theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), chỉ có 41 nhà máy điện có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước thời điểm này.
Hơn 100 dự án điện mặt trời còn lại hoặc có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu sau ngày 1/1/2021 hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Tất cả các dự án này vẫn đang phát điện lên lưới theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0).
Cũng tại khoản 1, Điều 29, khoản 1, Điều 30, khoản 1, Điều 31, Nghị định 137/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 08/2018/NĐ-CP và Nghị định số 17/2020/NĐ-CP) về điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện, truyền tải điện và phân phối điện có quy định: “Các hạng mục công trình nhà máy điện (đối với hoạt động phát điện), có trang thiết bị công nghệ, công trình đường dây và trạm biến áp (đối với hoạt động truyền tải, phân phối điện)... được kiểm tra, nghiệm thu đạt yêu cầu theo quy định”.
Hay điểm d, khoản 1, Điều 51, Thông tư số 39/2015/TT-BCT cũng quy định: “Lưới điện, nhà máy điện và các thiết bị điện sau điểm đấu nối của khách hàng đề nghị đấu nối chỉ được phép chính thức đưa vào vận hành sau khi đã được nghiệm thu chạy thử từng phần, toàn phần, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật tại điểm đấu nối quy định tại Mục 2 chương này và quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan đến nghiệm thu công trình”.
Song một số văn bản quy phạm pháp luật khác lại không có quy định về kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg , Thông tư số 16/2017/TT-BCT, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, Thông tư số 18/2020/TT-BCT.
Lúng túng trả tiền mua điện
Hiện tại, nhiều dự án điện mặt trời tuy đã phát điện lên lưới, nhưng thiếu văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền khi tiến hành rà soát lại hồ sơ.
Bởi vậy, EVN đã phải hỏi các cơ quan liên quan về cách xử lý để không tự đẩy mình vào “thế khó” vì trả tiền không đúng đối tượng được hưởng mức giá quy định - được cho là rất hấp dẫn - khi EVN cũng chỉ là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chứ không phải là cơ quan quản lý để phân định.
Theo văn bản của EVN gửi tới Bộ Xây dựng và Bộ Công thương, dù EVN có trách nhiệm thi hành với tư cách là bên mua điện, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay lại không có bất cứ quy định rõ ràng nào về trách nhiệm của EVN đối với nội dung kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cụ thể, khoản 2, Điều 11, Luật Điện lực nêu rõ: “Chủ đầu tư dự án điện lực có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường”.
Cạnh đó, theo điều khoản cam kết của các PPA giữa EVN và các chủ đầu tư thì từng bên của hợp đồng tự có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật liên quan áp dụng cho mình.
PPA cũng không quy định việc bên hợp đồng còn lại phải chịu trách nhiệm về việc tuân thủ hay vi phạm quy định pháp luật có liên quan của một bên trong hợp đồng.
Mặt khác, PPA giữa EVN và các chủ đầu tư điện mặt trời thực hiện theo các mẫu hợp đồng do Bộ Công thương hướng dẫn. Theo đó, hiện quy định ngày vận hành thương mại là ngày nhà máy/tổ máy đáp ứng các “quy định của pháp luật có liên quan”.
Nhưng mẫu hợp đồng mua bán điện hiện tại cũng chưa quy định cụ thể phạm vi các “quy định pháp luật có liên quan” bao gồm việc cung cấp văn bản chấp thuận về kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền hay không, để làm cơ sở xem xét và triển khai thực hiện.
Thực tế này đang dẫn tới cách hiểu và vận dụng khác nhau và phát sinh các khó khăn, vướng mắc cũng như rủi ro cho EVN trong quá trình triển khai.
Cũng có thực tế, Nghị định số 15/2013/NĐ-CP cho phép chủ đầu tư được quyền tổ chức nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng nếu quá thời hạn theo quy định mà không nhận được văn bản về kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, Nghị định số 06/2021/NĐ-CP lại không còn quy định về nội dung này, làm hạn chế sự chủ động của các chủ đầu tư trong quá trình nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng.
Đặc biệt, nội dung này gây ra khó khăn cho cả chủ đầu tư và bên mua điện (EVN) đối với việc đưa vào vận hành các công trình điện cấp bách, đảm bảo an ninh cung cấp điện.
EVN kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu áp dụng cho lĩnh vực năng lượng với đặc thù công trình không thể dừng vận hành sau khi đóng điện nghiệm thu, việc dừng vận hành có thể ảnh hưởng tới an ninh cung cấp điện.