Ngành xi măng đang dư thừa công suất, nhiều đơn vị phải sản xuất cầm chừng Ảnh: Đức Thanh |
Ế ẩm, nhưng vẫn có dự án mới
Nếu không có gì thay đổi, cuối năm nay, Dự án Nhà máy Xi măng Xuân Sơn (Hòa Bình), tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, công suất 2,3 triệu tấn/năm sẽ được đưa vào vận hành.
Thông tin mới nhất từ chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm, dự án đã cơ bản hoàn thành 97% khối lượng hạng mục dây chuyền nghiền, cũng như nhiều hạng mục khác, giá trị đầu tư đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.
Có thêm dự án mới lẽ ra phải là điều đáng mừng với ngành sản xuất, nhưng xi măng thì không như vậy, bởi tổng công suất thiết kế toàn ngành đã vượt nhu cầu tiêu dùng nội địa từ nhiều năm nay, hiện dư thừa khoảng 50-60 triệu tấn, thậm chí hơn.
Gần 3 năm nay, tiêu thụ nội địa lẫn xuất khẩu suy giảm, tồn kho lớn, có đến 42 dây chuyền xi măng phải dừng hoạt động từ 1 đến 6 tháng, thậm chí một số dây chuyền dừng cả năm, tương ứng công suất dừng hoạt động chiếm 30% tổng công suất thiết kế toàn ngành, tức hơn 30 triệu tấn. Nhiều nhà máy ngấp nghé bờ vực phá sản, nên dự án mới đi vào vận hành trong thời gian này chỉ làm tăng thêm gánh nặng tiêu thụ, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành thêm khốc liệt, nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm dưới giá thành.
“Sức khỏe” doanh nghiệp ngành xi măng chưa bao giờ bi đát như hiện nay, khi áp lực tài chính tăng cao do vay đầu tư lớn, dòng tiền cho sản xuất lưu thông không được đảm bảo.
Ngoài dự án xi măng Xuân Sơn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng, với kế hoạch vận hành cuối năm 2024, ngành xi măng đang có 4 dây chuyền công suất 11,4 triệu tấn, dù đã đầu tư xong, nhưng sợ không tiêu thụ được nên chưa đưa vào vận hành.
Lo lắng sản xuất tiếp tục phình to, mà dư thừa công suất đã quá lớn, trong những công văn gửi Chính phủ gần đây, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) kiến nghị, không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng, rà soát đầu tư các dự án xi măng, mục tiêu không làm gia tăng thêm dư thừa sản lượng.
Sở hữu 10 đơn vị thành viên, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, trong 120 năm thành lập, chưa lúc nào khó như bây giờ. “Một số dây chuyền trong hệ thống 10 doanh nghiệp xi măng của Vicem đã phải dừng lò, tiêu thụ kém, thu nhập giảm, nhưng chúng tôi quyết không bán dưới giá thành sản xuất”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vicem nói.
Tại Hội nghị gỡ khó cho xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, đại diện cho các doanh nghiệp xi măng, ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Viem đã trực tiếp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu hút cả vốn trong nước và vốn FDI đầu tư vào xi măng, nhằm giảm áp lực cho sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Khánh, 3 năm nay, tiêu thụ nội địa chỉ quanh quẩn 60 triệu tấn, trong khi công suất thực tế 123 triệu tấn và có thể hơn con số này rất nhiều thì bán đi đâu.
Thống kê của VNCA cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, sản xuất và tiêu thụ xi măng, clinker chưa khá hơn, chỉ tương đương năm ngoái, với tổng sản lượng 44 triệu tấn, các nhà máy chạy 70-75% công suất thiết kế; tiêu thụ gần 44 triệu tấn, bằng so với cùng kỳ.
Đề nghị đưa xi măng trở lại quy hoạch
Doanh thu bán hàng lao dốc, nhẹ thì giảm lãi, còn đa phần là thua lỗ, vài chục dây chuyền đã và đang phải tạm dừng sản xuất, chấp nhận xuất khẩu dưới giá thành sản xuất, tài chính cực khó khăn… là tình cảnh chung của doanh nghiệp ngành xi măng lúc này.
Báo cáo mới nhất từ VNCA, tổng số dây chuyền xi măng đã đầu tư trên toàn quốc là 92 dây chuyền. Giai đoạn 2011-2020, đầu tư ồ ạt vào xi măng, toàn ngành có thêm 26 dây chuyền, công suất 41 triệu tấn/năm, nâng tổng số dây chuyền xi măng cả nước lên con số 85, tổng công suất thiết kế hơn 104 triệu tấn.
Năm ngoái, tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinker chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.
“Dư cung xi măng càng lớn hơn, khi 6 năm nay không còn quy hoạch ngành nữa, việc xét duyệt chủ yếu do địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ. Cần phải xem xét lại việc thực hiện quy hoạch, cấp phép cho các dự án xi măng”, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA kiến nghị.
Trên thực tế, năm 2017, Luật Quy hoạch có hiệu lực đã bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, trong đó có sản phẩm xi măng, từ đó việc đầu tư các dự án sản xuất xi măng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Trước tình trạng dư thừa công suất sản xuất xi măng trên toàn quốc, dẫn đến khó kiểm soát tình hình cung cầu xi măng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mới đây, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ nghiên cứu đề xuất thiết lập lại quy hoạch lĩnh vực này.
“Hiện nay, áp lực về dư thừa công suất sản xuất clinker trong nước là vô cùng lớn, khoảng 50 triệu tấn, trong khi tốc độ xây dựng rất chậm, dẫn đến áp lực nợ xấu của ngành xi măng đang và sẽ trở thành gánh nặng đối với nền kinh tế, nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản”, Bộ Xây dựng lo ngại.