Trụ sở Ban Quản lý dự án 3 - đơn vị quản lý Dự án VRAMP. |
Án phạt nghiêm khắc
Sau gần 1 năm kể từ khi phát hiện những hành vi gian dối trong quá trình đấu thầu tại các gói thầu RAP/CP22, RAP/23 thuộc Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP), cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã ký ban hành Quyết định số 604/QĐ-BGTVT về việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Theo đó, Bộ GTVT chấp thuận đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cấm Công ty TNHH Xây dựng Thành An (mã số doanh nghiệp 0600642471; địa chỉ: Đội 2, xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) và Công ty cổ phần Đầu tư CIC (mã số doanh nghiệp 0104355705; địa chỉ: Tổ 51 phố Trung Kính, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư và các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sử dụng vốn do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.
Thời gian áp dụng việc cấm dự thầu đối với 2 nhà thầu này là trong vòng 3 năm kể từ ngày Quyết định số 604 có hiệu lực, do nhà thầu vi phạm quy định tại điểm c, khoản 4, Điều 89, Luật Đấu thầu ngày 26/11/2013. “Giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai thực hiện các thủ tục công khai quyết định xử lý vi phạm đảm bảo đúng quy định hiện hành và quy định của nhà tài trợ”, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu.
Được biết, Dự án VRAMP có tổng mức đầu tư 301,7 triệu USD, trong đó vốn vay của WB là 250 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) là 1,7 triệu USD và đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 50 triệu USD. Dự án có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực bảo trì đường bộ này được Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án 3 (PMU3) là đại diện chủ đầu tư. Trong đó, RAP/CP22, RAP/23 là những gói thầu xây lắp, bảo trì được đấu thầu rộng rãi công khai trong nước theo Luật Đấu thầu và hướng dẫn của nhà tài trợ.
Theo hồ sơ vụ việc, Công ty TNHH Xây dựng Thành An (Công ty Thành An) có hành vi kê khai gian dối năng lực thi công khá trắng trợn tại hồ sơ dự thầu Gói thầu RAP/CP22. Tại E-HSDT (hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng) của Liên danh Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Đức - Công ty TNHH Xây dựng Thành An (Liên danh Minh Đức - Thành An, Công ty Thành An sẽ đảm nhận thi công phần công việc với tỷ lệ 28,1% giá chào thầu tương đương 16.3 tỷ đồng (sau giảm giá), thi công toàn bộ hạng mục cầu Bản Hôm và các hạng mục khác của gói thầu.
Để chứng minh kinh nghiệm cho phần công việc đảm nhận (thi công cầu Bản Hôm), Công ty Thành An có kê khai hợp đồng tương tự và gửi kèm các tài liệu chứng minh trong E-HSDT về Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Phú - Xuân Tân (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) do UBND huyện Xuân Trường làm chủ đầu tư, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Theo thông tin chính trong E-HSDT, đây là công trình giao thông cấp III, cầu bê tông cốt thép dự ứng lực, có bề rộng toàn cầu 8 m, chiều dài toàn cầu tính đến đuôi mố là 41.107 m. Tại hạng mục này, Công ty Thành An thi công hoàn thành từ tháng 6/2015 - 6/2017 với giá trị hoàn thành 22,169 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét E-HSDT, Ban Quản lý dự án 3 (bên mời thầu), Tổ chuyên gia đấu thầu nhận thấy có sự chưa phù hợp giữa quy mô cầu (chiều rộng mặt cầu 8 m) và quy mô đường (chiều rộng nền đường 5 m) trong cùng một quyết định/dự án, do đó tiến hành kiểm tra xác minh thông tin với chủ đầu tư UBND huyện Xuân Trường.
Qua kiểm tra, xác minh, phát hiện Công ty Thành An đã trình bày sai sự thật về nội dung hợp đồng tương tự số 02/2015/HĐKT, có hành vi gian lận, không trung thực, chỉnh sửa lại giấy tờ hợp đồng so với hợp đồng thực tế.
Cụ thể, theo xác nhận của Phòng Kinh tế Hạ tầng, UBND huyện Xuân Trường, Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Phú - Xuân Tân chỉ có duy nhất hạng mục cầu sông Sò có chiều rộng mặt cầu 5 m, dài 27 m, giá trị khoảng 4 tỷ đồng. UBND huyện Xuân Trường không hề cung cấp các tài liệu xác nhận thi công công trình như hồ sơ mà Công ty Thành An cung cấp trong E-HSDT.
Điều đáng nói là, Công ty Thành An đã chủ động thừa nhận sự không chính xác về hợp đồng tương tự trong E-HSDT của nhà thầu trên Hệ thống đấu thầu mạng quốc gia (Văn bản số 26/XDTA ngày 2/6/2021).
Sai phạm tinh vi
Giống như Công ty Thành An, hành vi gian lận, chỉnh sửa, kê khai không đúng giá trị hợp đồng, hồ sơ tài liệu pháp lý liên quan nhằm đạt được tiêu chí của hồ sơ mời thầu về hợp đồng tương tự cũng được Công ty cổ phần Đầu tư CIC (CIC) sử dụng khi tham gia đấu thầu Gói thầu RAP/CP23.
Được biết, Gói thầu RAP/CP23 có mục tiêu nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 2 đoạn Km284+600 - Km285+995 đi qua địa phận huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang có giá dự toán 201,254 tỷ đồng. Tại gói thầu này, CIC tham gia với tư cách thành viên trong liên danh với Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An với phần công việc chiếm khoảng 35% giá trị hợp đồng.
Tại hồ sơ dự thầu, CIC kê khai Hợp đồng Gói thầu XL-14A Xây lắp trạm thu phí thuộc Dự án BOT Hà Nội - Bắc Giang do Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú CIC (công ty thành viên của CIC) - Công ty TNHH Hợp Tiến thực hiện (trúng thông qua chỉ định thầu), với tổng giá trị 163,726 tỷ đồng. Trong đó, Văn Phú CIC đảm nhận 91,2% giá trị hợp đồng (tương ứng 149,388 tỷ đồng), Hợp Tiến đảm nhận 8,8%.
Qua đánh giá, Tổ chuyên gia đấu thầu cho rằng, Hợp Tiến chỉ đảm nhận tỷ lệ rất nhỏ khối lượng công việc trong Liên danh, thậm chí ít hơn cả các trường hợp thầu phụ là một điều bất thường. Thêm vào đó, việc một hợp đồng có giá trị 163,726 tỷ đồng, thời gian thi công chỉ trong 3 tháng là không khả thi. Để làm rõ thông tin, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 3 đã có văn bản gửi các cơ quan được giao thẩm quyền tại Gói thầu XL-14A đề nghị cung cấp tài liệu liên quan.
Trên cơ sở các tài liệu được thu thập, Tổ chuyên gia xác định, Hợp đồng XL-14A ký kết giữa Công ty cổ phần Đầu tư BOT Hà Nội - Bắc Giang với Liên danh Văn Phú CIC - Hợp Tiến chỉ có giá trị 70,144 tỷ đồng, trong đó giá trị quyết toán hoàn thành hợp đồng của Văn Phú CIC là 64,049 tỷ đồng. Tổ chuyên gia kết luận, CIC có hành vi trình bày sai sự thật, can thiệp chỉnh sửa, làm giả giấy tờ, tài liệu liên quan đến Hợp đồng XL-14A, kê khai khống giá trị hợp đồng lên gấp 133% so với giá trị thực tế.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), hành vi của 2 nhà thầu nói trên đã vi phạm điểm c, khoản 4, Điều 89 của Luật Đấu thầu về các hành vị bị cấm trong đấu thầu: Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, tại mục 3 Chương I (Chỉ dẫn nhà thầu), Mục 2.1, 2.2 Chương VI (Chính sách của WB - Gian lận và tham nhũng) quy định trong E-HSMT (hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, bảng yêu cầu báo giá đối với gói thầu áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng) cũng nêu rõ: Hành vi gian lận là bất cứ hành vi nào hay việc bỏ sót thông tin, bao gồm cả việc trình bày sai sự thật một cách cố ý hay vô tình, khiến cho một bên khác hiểu nhầm hoặc cố gắng khiến cho một bên khác hiểu nhầm để thu lợi về mặt tài chính hoặc các lợi ích khác, hoặc để tránh né một nghĩa vụ.
Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, theo quy định của Việt Nam, nhà thầu vi phạm lỗi trên sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm (khoản 1, Điều 122, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP).
Theo quy định tại mục 1.16 Hướng dẫn đấu thầu của WB, nếu phát hiện hành vi gian lận, WB sẽ hạn chế một công ty hoặc cá nhân tại bất kỳ thời điểm nào theo các thủ tục trừng phạt đang có hiệu lực của Ngân hàng, bao gồm cả tuyên bố việc không hợp lệ, vĩnh viễn; hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm việc được trao thầu trong một hợp đồng do Ngân hàng tài trợ, được chỉ định làm nhà thầu phụ, tư vấn, nhà cung ứng hoặc cung cấp dịch vụ cho một công ty khác hợp lệ và được trao thầu trong một hợp đồng do Ngân hàng tài trợ.
“Như vậy, việc Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất hình thức cấm Công ty Thành An, Công ty CIC tham gia hoạt động đấu thầu là phù hợp với các quy định của Việt Nam và của WB”, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông xác nhận.
Đối với vụ việc này, Bộ GTVT đã quyết định cấm 2 doanh nghiệp trên tham gia hoạt động đấu thầu tại tất cả dự án do bộ này quản lý và dự án do WB tài trợ với thời gian là 3 năm. Ngoài ra, hai nhà thầu này còn bị chấm dứt hợp đồng với vai trò thành viên liên danh và bị tịch thu giá trị bảo lãnh thực hiện 2 hợp đồng nói trên.