Phát biểu tại toạ đàm, bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành này sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo.
Trong khi đó, thực tế hiện tại một số ngành nông nghiệp chưa thực sự thu hút được người học, tuyển sinh gặp khó khăn. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nền nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu cấp bách và là thách thức lớn nhất đối với các cơ sở đào tạo nông nghiệp. Việt Nam tuy có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp nhưng đa số nguồn nhân lực trong nông nghiệp (với tỷ trọng khoảng 46%) chưa đáp ứng được yêu cầu của việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết. |
Cùng phát biểu tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhận định, việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ kiến thức và kĩ năng, phẩm chất và thái độ đáp ứng các yêu cầu và đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp thông minh có vai trò quan trọng, mang tính quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông – lâm – ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo cần sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới.
Các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông – lâm – ngư nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ gắn kết đào tạo với thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn mà Bộ đang triển khai tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận với thực tế sớm, để kiến thức, kỹ năng gắn liền với cuộc sống, để khi ra trường các em có thể phát huy ngay trong điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học là rất cần thiết.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, để thay đổi thực trạng thiếu hụt nhân lực chất lượng ngành nông nghiệp thì các cơ sở đào tạo phải đổi mới chương trình đào tạo.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ phát biểu. |
“Không phải chỉ các trường nông – lâm – ngư nghiệp gói gọn trong 54 cơ sở kể trên mới đào tạo được nhân lực cho ngành nông nghiệp. Nhiều ngành công nghệ thông tin, khoa học quản lý từ hàng trăm cơ sở đào tạo cũng có thể đào tạo nhân lực cho nông nghiệp, bởi ứng dụng cần từ khâu sản xuất đến chế biến ứng dụng công nghệ cao”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Về lâu dài, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ đang kiến nghị sử dụng mã ngành linh hoạt, liên ngành tích hợp tạo thuận lợi thực tiễn cho sinh viên. “Có hướng dẫn tạo điều kiện cho các trường đại học và doanh nghiệp liên kết đào tạo nhân lực. Tạo hệ sinh thái cùng nhau trong 1 môi trường ngay tại nhà trường hoạc doanh nghiệp để khoảng cách thực tiễn và đào tạo nhà trường không còn quá xa”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Đặc biệt, thực hiện mạnh đề án đổi mới sáng tạo trong các trường đại học. “Trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp xây dựng nhiều mô hình đổi mới sáng tạo, để nhân lực không chỉ là vấn đề qua đào tạo mà phải thực tiễn”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Có cùng quan điểm, theo GS-TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, cần có chính sách và chương trình đầu tư thỏa đáng cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp. Coi đây là sự đầu tư đào tạo nhân lực cho những ngành mà Nhà nước rất cần nhưng khó tuyển sinh.
Ngoài ra, chính phủ cần có chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các trường nông, lâm, ngư nghiệp và các cơ sở giáo dục có liên quan để thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và mỗi xã là một sản phẩm.