Thời sự
Du lịch - linh hồn cho sự phát triển của miền Trung
Hoài Thanh - 20/08/2019 11:23
Ngành công nghiệp không khói đang dần khẳng định vai trò chủ lực cho sự phát triển kinh tế miền Trung.
Khu vực miền Trung đang hội tụ những yếu tố cần thiết để phát triển dịch vụ du lịch cao cấp.

Vận hội phát triển

Trong những hội nghị du lịch gần đây, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch luôn khẳng định vị thế của khu vực miền Trung trên bản đồ du lịch Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, giải pháp nào để du lịch miền Trung phát huy hết lợi thế sẵn có để vươn lên phát triển đúng vị thế đang được kỳ vọng.

Ở khu vực phía Bắc, Vịnh Hạ Long đã khẳng định tên tuổi, với thương hiệu mang tầm quốc tế trên phương diện về địa danh thắng cảnh, nhưng nếu xét dưới góc độ phát triển toàn diện của ngành du lịch, đòi hỏi phải hội đủ những yếu tố cần, từ hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ hỗ trợ, hệ thống vành đai mang tính dây chuyền, các sản phẩm mang tính đặc trưng để tạo lợi thế thu hút du khách… thì phải nói rằng, miền Trung đang đứng trước vận hội lớn để đạt đến đỉnh cao của ngành công nghiệp không khói này.

Ông Matthias Wiesmann, Tổng giám đốc điều hành Furama Resort Đà Nẵng, người đã có ít nhất hơn chục năm gắn bó với du lịch miền Trung nhìn nhận, miền Trung Việt Nam là một trong số ít những nơi trên thế giới hội tụ những yếu tố cần thiết để phát triển dịch vụ du lịch cao cấp. Đây là khu vực có nhiều di sản văn hóa thế giới như Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; đan xen những nét văn hóa truyền thống phi vật thể như lễ hội truyền thống, giai điệu dân ca, phong tục tập quán… Chưa kể, nét đặc trưng nhất của miền đất này chính là di tích văn hóa Chămpa, một dấu ấn lịch sử - văn hóa độc đáo.

Theo ông Matthias Wiesmann, những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với điều kiện tự nhiên ban tặng là dải bờ biển cát trắng trải dài hàng trăm ki-lô-mét đang mang lại cho miền Trung những giá trị vô cùng to lớn để hỗ trợ phát triển du lịch.

Năm 2018, toàn vùng đã đón trên 54 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 11,9 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu nhập từ du lịch đạt gần 121.670  tỷ đồng, bằng 39,8 % số lượt khách quốc tế, 32,6% lượt khách nội địa và bằng 19,4% tổng thu nhập du lịch cả nước.

“Mặc dù tiềm năng khá lớn, nhưng điều kiện tự nhiên cũng tạo nên những thử thách nhất định cho vùng đất này. Dải đất hẹp, núi sát biển đã hạn chế giao thông đi lại. Chưa kể, điều kiện kinh tế của các địa phương trong khu vực còn nhiều hạn chế, đã ảnh hưởng nhất định đến việc triển khai hệ thống hạ tầng xuyên suốt hỗ trợ phát triển du lịch”, ông Matthias Wiesmann nhìn nhận.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, mặc dù về tư duy đã thật sự mở cánh cửa cho du lịch miền Trung, nhưng để khu vực này phát triển như kỳ vọng là không dễ dàng. Vì vậy, điều cần thiết đầu tiên là làm thế nào để dải đất này thu hút nhiều tên tuổi lớn trong giới đầu tư hạ tầng du lịch. Trong khu vực, mới chỉ có Đà Nẵng thực hiện được điều này, với sự hiện diện của các tên tuổi lớn như Hyatt Regency, Furama, Novotel…

Xét về điều kiện tự nhiên, các tỉnh miền Trung khá tương đồng, vậy tại sao chỉ mới Đà Nẵng làm được điều đó? Có thể dễ dàng nhận thấy, Đà Nẵng đã đầu tư mạnh hệ thống hạ tầng như đường sá, cầu cảng, sân bay… Đây chính là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, Đà Nẵng chỉ mới đạt đến điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Để phát triển toàn diện hơn, Đà Nẵng cần có chiến lược phát triển những dịch vụ hỗ trợ tương xứng với đẳng cấp hạ tầng du lịch đang có. Bởi lẽ, du khách di chuyển bằng máy bay hạng sang, ở khu nghỉ dưỡng 5 sao, nhưng thụ hưởng các dịch vụ hỗ trợ chỉ mới đạt chuẩn dưới 3 sao, là chưa thành công toàn diện.

Tâm điểm cho định hướng quy hoạch

Trước đây, Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã từng từ chối rất nhiều dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng, do quan ngại các dự án này tác động tiêu cực đến môi trường và ảnh hưởng đến chiến lược phát triển Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch trong tương lai. Đến nay, câu chuyện đó vẫn còn nguyên giá trị trong việc quy hoạch định hướng phát triển chiến lược, liên quan đến sự lựa chọn của các địa phương Vùng Duyên hải miền Trung trước nhu cầu phát triển.

Nhiều bài học về quy hoạch vẫn còn đó. Đơn cử, Đà Nẵng được nhiều chuyên gia đánh giá là thành phố được quy hoạch bài bản nhất trên cả nước, nhưng từng giai đoạn phát triển của Đà Nẵng cũng có những tồn tại, là bài học cho nhiều địa phương khác.

Chẳng hạn, việc bố trí Khu công nghiệp An Đồn (Sơn Trà) trước đây được đánh giá là bước đệm để kích hoạt kinh tế bờ Đông sông Hàn, nhưng khi du lịch phát triển, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế địa phương, thì Khu công nghiệp An Đồn lại là “quy hoạch lỗi” cho định hướng phát triển bền vững của Thành phố. Hoặc hàng loạt dự án hạ tầng du lịch được bố trí sát biển trước đây là sức hút đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhưng đến thời điểm hiện tại lại là một vấn đề khiến Đà Nẵng phải “đau đầu” tìm giải pháp.

Tất nhiên, mỗi thời điểm có bối cảnh khác nhau. Nếu như trước đây, Đà Nẵng không mạnh dạn kêu gọi đầu tư với quyết tâm trở thành trung tâm du lịch biển, thì không dễ để Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn bậc nhất đối với du khách trong và ngoài nước.

“Khi nền kinh tế đạt điểm phát triển nào đó, thì sự bền vững sẽ được nhìn nhận thấu đáo hơn. Đà Nẵng đã và đang điều chỉnh theo hướng lấy giá trị văn hóa và môi trường làm tâm điểm cho sự phát triển du lịch của mình để đảm bảo sự bền vững”, một chuyên gia nhìn nhận.

Tại một hội nghị gần đây, TS. Trần Du Lịch từng khẳng định, miền Trung chỉ có thể lấy du lịch làm tâm điểm để phát triển và chỉ có du lịch mới thay đổi diện mạo của miền Trung. Ý kiến này đã và đang được chứng minh bằng thực tiễn. Dải đất miền Trung kéo dài từ Nghệ An đến Bình Thuận luôn lấy biển làm tâm điểm để quy hoạch và du lịch đang chiếm phần lớn trong cơ cấu kinh tế các địa phương vùng này.

Đơn cử như Quảng Bình, điểm nhấn từ Phong Nha - Kẻ Bàng đang đưa Quảng Bình trở thành “vương quốc hang động”. Chính điểm nhấn này đã tạo hấp lực cho nhiều lĩnh vực khác phát triển như du lịch hay bất động sản. Hoặc với Thừa Thiên Huế, ngoài giá trị văn hóa truyền thống hình thành từ Cố đô Huế đã tạo nên thương hiệu riêng, tất cả những hoạch định phát triển từ đô thị hay đến Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đều lấy du lịch biển làm điểm nhất, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư.

Quảng Nam cũng vậy, giá trị cốt lõi của du lịch Quảng Nam hình thành từ Phố cố Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Hai địa danh này tạo nên thương hiệu riêng cho Quảng Nam, cũng chính giá trị văn hóa này đã và đang trở thành tâm điểm cho tầm nhìn quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương này. Chẳng hạn, Khu kinh tế mở Chu Lai được định hình và quy hoạch phát triển dọc tuyến Nam Hội An, trong đó, định hướng quy hoạch phát triển hạ tầng du lịch trở thành kim chỉ nam trong tầm nhìn phát triển của tuyến đường ven biển này. Trong tương lai gần, chuỗi đô thị du lịch kéo dài từ Điện Dương xuyên qua Hội An đến Núi Thành sẽ là điểm nhấn quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Với lợi thế tương đồng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay Khánh Hòa, Ninh Thuận cũng không thể tách rời chiến lược phát triển kinh tế lấy du lịch làm định hướng chung. Quảng Ngãi vẫn đang dần hiện thực hóa phát triển đô thị ra hướng biển, biến Lý Sơn thành “đảo ngọc” về du lịch ở miền Trung. Tại Bình Định, trung tâm tỉnh lỵ Quy Nhơn cũng không đứng ngoài xu thế trở thành thành phố du lịch…

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH:

Du lịch miền Trung chưa thực sự tạo đột phá.

PGS-TS. Phạm Trung Lương

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, du lịch miền Trung còn một số hạn chế, chưa phát huy đầy đủ những lợi thế so sánh và tiềm năng du lịch to lớn của Vùng, năng lực cạnh tranh chưa cao và dễ bị tổn thương dưới tác động của các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Điều này đồng nghĩa, sự phát triển du lịch của Duyên hải miền Trung chưa thực sự bền vững, chưa tạo được đột phá trong phát triển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng nói chung và của từng địa phương, nhất là các địa phương có tiềm năng du lịch trong vùng nói riêng theo tinh thần Nghị̣ quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị”.

Đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC

Doanh nghiệp có thể tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch cao cấp, nhưng việc vận hành các quần thể 5 sao sẽ là một nhiệm vụ bất khả thi, nếu nguồn nhân lực tại địa phương chỉ đạt mức 1 - 2 sao. Hiện năng suất lao động trong ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống của Việt Nam chỉ đạt hơn 76 triệu đồng/lao động, bằng 74,4% mức năng suất lao động chung của nền kinh tế cả nước và ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực.

Trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực hiện tại chính là rào cản lớn trong thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn chất lượng. Do vậy, miền Trung nên sớm có các chính sách ưu tiên đầu tư từ ngân sách và hợp tác quốc tế trong đào tạo, để xây dựng những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Tin liên quan
Tin khác