Khu di sản Hoàng thành Thăng Long thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Ảnh: Hồng Hạnh |
Hàng loạt sản phẩm mới hấp dẫn
Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, sở hữu gần 6.000 di tích, khoảng 1.200 lễ hội, 1.350 làng nghề cùng nền ẩm thực đa dạng... Tiềm năng, thế mạnh này đang được người làm du lịch Thủ đô đẩy mạnh khai thác để tạo sức bật mới cho ngành kinh tế xanh sau khoảng lặng do Covid-19.
Ngay sau khi Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Du lịch TP. Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với các doanh nghiệp, điểm đến để thực hiện các chương trình kích cầu trên cơ sở tăng cường liên kết, qua đó giảm giá tour, nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mới.
Tiêu biểu, phải kể tới tour tham quan dành cho du khách trong nước với chủ đề “Chạm vào quá khứ” do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist thực hiện. Chương trình mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo, như: khám phá Đoan Môn, chiêm ngưỡng những di vật quý giá phát lộ từ lòng đất, khám phá Nhà D67 và 2 căn hầm bí mật của Tổng hành dinh; dâng hương tưởng nhớ 52 vị tiên đế; trải nghiệm nước giếng Hoàng cung... Bên cạnh đó, Trung tâm đã nâng cấp dịch vụ, cải tạo hạ tầng, như lắp đặt hệ thống tra cứu điện tử, wifi miễn phí… để phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu.
Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết: “Để kích cầu du lịch, Trung tâm có nhiều ưu đãi dành cho khách tham quan, như miễn phí thuyết minh tại điểm cho đoàn từ 15 khách; miễn phí gửi ô tô từ 16 chỗ cho đoàn khách du lịch; giảm giá cho đoàn từ 50 người trở lên. Ngoài ra, Trung tâm còn tặng thêm dịch vụ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên đế tại Điện Kính Thiên. Từ khi mở cửa trở lại đến nay, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón gần 10.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm”.
Độc đáo không kém là tour “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” kéo dài 45 phút, tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, cũng do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Hanoitourist tổ chức, bắt đầu từ ngày 24/7 vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.
Trong lần khai mạc tour mới đây, di tích Nhà tù Hỏa Lò đã đón nhận lượng lớn khách tham quan. Vì thế, Ban Tổ chức dự kiến, mỗi tối thực hiện khoảng 3 tour, từ 19 - 22h30. Du khách sẽ được khám phá trại giam nam tù tập thể, trại giam nam tù chính trị, ngục tối, cây bàng, các cửa cống ngầm, trại giam nữ tù chính trị, máy chém, xà lim tử hình, đài tưởng niệm… Điều đặc biệt của tour trải nghiệm này là đơn vị tổ chức đã tạo nên các cung bậc cảm xúc từ hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh hoàn toàn khác biệt so với ban ngày. Hành trình sẽ đánh thức cảm xúc, giác quan của du khách, điều mà những chuyến tham quan vào ban ngày chưa làm được trọn vẹn.
Trong khi đó, ngay khi đón khách trở lại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo ấn tượng với dòng sản phẩm lưu niệm chuyên biệt bằng vật liệu truyền thống như gốm, sứ, tre, vải... của các làng nghề Hà Nội, gắn với truyền thống khoa bảng Việt Nam - giá trị đặc trưng của khu di tích
Để làm mới sản phẩm du lịch, quận Hoàn Kiếm đang xây dựng Đề án Thí điểm đưa trục Hàng Đào - chợ Đồng Xuân trở thành tuyến du lịch mới, đồng thời kết nối không gian đi bộ mở rộng phía Nam khu phố cổ với không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận thành thể thống nhất… Bên cạnh đó, nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí cũng xây dựng các sản phẩm, dịch vụ mới nhằm thu hút khách.
Lượng du khách đến Hà Nội trong tháng 6 tăng 60%
Tháng 6 vừa qua, khách quốc tế đến Hà Nội đạt 13.000 lượt, giảm 96,8% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt khoảng 779.000 lượt, giảm 65% so với năm 2019. Mặc dù lượng khách giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng đã tăng hơn 60% so với tháng 5 và có chiều hướng tăng mạnh vào những tháng tiếp theo. Tổng thu từ khách du lịch trong tháng 6 ước đạt 2.313 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, du khách đến Hà Nội đạt 4,93 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế đạt 987.000 lượt, khách nội địa đạt 3,95 triệu lượt. Tổng thu từ du khách đạt 18.900 tỷ đồng.
Làng gốm Bát Tràng cũng không chịu kém cạnh. Chủ tịch UBND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi cho hay: “Địa phương đã khởi động lại mô hình du lịch thông minh, cung cấp wifi miễn phí, khai thác sử dụng máy thuyết minh tự động, cổng thông tin điện tử du lịch, ứng dụng (apps) du lịch Bát Tràng, xe điện thông minh... để phục vụ du khách”
Cùng với các điểm đến và chính quyền địa phương, thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội đã phối hợp với Công ty Vận tải Đường sắt Hà Nội tổ chức kích cầu du lịch bằng đường sắt. Hai bên đã xây dựng các tour trọn gói đi lại bằng tàu hỏa đến các điểm du lịch tại Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Vinh, Lào Cai... hoặc các điểm du lịch có tuyến đường sắt đi qua với giá khuyến mại.
Ông Trương Quốc Hùng Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội chia sẻ: “Thời gian tới, các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội nói chung cũng như doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ nói riêng sẽ tiếp tục thuê nguyên chuyến tàu đưa du khách
tới các điểm du lịch tại Huế, Lào Cai, Vinh...”.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hà Nội, đến nay, đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu, điểm du lịch đăng ký tham gia Chương trình Liên minh kích cầu, qua đó tổ chức 346 tour sản phẩm liên kết đưa khách từ Hà Nội đi du lịch tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Liên kết cùng phát triển
Để kích cầu du lịch nội địa, Sở Du lịch TP. Hà Nội và các doanh nghiệp lữ hành đã phối hợp, liên kết chặt chẽ với các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên cả nước để có những bước đi đồng bộ, vững chắc. Từ đầu tháng 5, ngành du lịch Thủ đô đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết du lịch với các địa phương như Lai Châu, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình…
Với vai trò quản lý nhà nước, Sở Du lịch TP. Hà Nội đảm nhiệm việc kết nối, quảng bá điểm đến; doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch cụ thể, bảo đảm an toàn, hấp dẫn.
Đánh giá hiệu quả các hoạt động liên kết, ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội nhấn mạnh, việc liên kết vùng du lịch giúp hoạt động lữ hành của các địa phương chuyên nghiệp hơn; giúp các doanh nghiệp lữ hành tìm kiếm điểm đến mới, tăng cường sự trao đổi thu hút khách giữa các địa phương.
Cũng theo ông Thắng, lợi thế liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh Đồng bằng Bắc bộ, miền Trung và các tỉnh Tây Bắc chính là sự khác biệt, bổ trợ cho nhau. Sản phẩm chủ lực của Hà Nội là du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí…, trong khi thế mạnh của các địa phương trong vùng là du lịch văn hóa, tâm linh, danh lam thắng cảnh, sinh thái, ẩm thực và du lịch biển…
Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội
Thực hiện kích cầu, giảm giá lúc này là cần thiết, nhưng quan trọng hơn cả là các đơn vị cần bắt tay khai thác tiềm năng điểm đến, chuyên nghiệp hơn trong quá trình phục vụ du khách.
Tới đây, bên cạnh việc kích cầu, ngành du lịch Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá sản phẩm mới. Các doanh nghiệp du lịch có thể đăng ký vào trang kích cầu du lịch Hà Nội do Sở Du lịch TP. Hà Nội quản lý để giới thiệu tour, điểm du lịch mới và các dịch vụ lưu trú, vui chơi, mua sắm, ẩm thực. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ giúp du lịch Hà Nội nhanh chóng lấy lại sức bật phát triển hậu Covid-19.
Tại Hội thảo Đánh giá kết quả khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tỉnh Lai Châu mới đây do Sở Du lịch TP. Hà Nội phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức, ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lai Châu khẳng định: “Tỉnh Lai Châu mong muốn ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch - lữ hành Hà Nội liên kết với du lịch của địa phương để xây dựng tour du lịch đặc trưng, thu hút du khách đến Lai Châu”.
Bên cạnh những cái bắt tay, các chuyên gia du lịch cho rằng, Hà Nội và các địa phương cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư để kích cầu du lịch. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch chỉ ra rằng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư cao, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển như hiện nay, xu hướng tiếp cận thông tin du lịch qua kênh online ngày càng phổ biến, vì vậy, du lịch Đồng bằng sông Hồng cần xây dựng và triển khai cổng thông tin chung của du lịch toàn vùng, thông qua website, ứng dụng di động, cập nhật thông tin, xúc tiến du lịch đến với du khách trong và ngoài nước.
“Trung tâm xúc tiến du lịch của các tỉnh, thành phố phải tăng cường liên kết, hợp tác trong việc phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, cung cấp hình ảnh, sản phẩm du lịch đặc sắc, thông tin điểm đến cho du khách”, ông Kiên nhấn mạnh.
Về định hướng và giải pháp phát triển du lịch Thủ đô, ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc phụ trách Sở Du lịch TP. Hà Nội cho hay: “Tới đây, Hà Nội cùng các địa phương sẽ tập trung xây dựng, đa dạng hóa sản phẩm của các địa phương theo hướng tạo ra các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, chất lượng, tạo sự khác biệt và khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của du khách; đồng thời phối hợp xúc tiến, quảng bá hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, với các di sản, danh thắng đặc sắc. Đặc biệt, cần tăng cường trao đổi thông tin quản lý trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch cũng như đào tạo nguồn nhân lực”.
Việc du lịch Hà Nội đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước không chỉ giúp phát huy lợi thế của mỗi địa phương, mà còn cùng nhau mở rộng thị trường khách nội địa. Đây là hướng đi đúng đắn để du lịch Hà Nội nói riêng, du lịch Việt Nam nói chung đủ sức bật dậy sau khoảng lặng do Covid-19.