Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội |
Mạnh tay đầu tư
Trong kế hoạch hoạt động của ngành du lịch, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ đầu tư mạnh tay để thay đổi hình ảnh du lịch của Thủ đô.
Theo đó, từ năm 2017, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tập trung lập và triển khai Quy hoạch Phát triển khu du lịch Ba Vì - Suối Hai thành khu du lịch quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, Sở phối hợp với UBND huyện Gia Lâm, UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây để lập và triển khai quy hoạch, đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), Làng dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) để những làng nghề này trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Không dừng lại ở đó, ông Hồng còn cho biết, Sở Du lịch sẽ xây dựng các tuyến, tour du lịch kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới; tuyến, tour du lịch Hà Nội với các địa phương trong nước và các tour du lịch tại Hà Nội.
“Ngoài ra, chúng tôi sẽ phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và chuyên gia nước ngoài thực hiện thí điểm xây dựng logo, biển chỉ dẫn và sản phẩm du lịch tại một số điểm du lịch trên địa bàn Thành phố; xây dựng Đề án Quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô”, ông Hồng nói.
Cùng với kế hoạch đầu tư nâng cấp này, điều khiến dư luận khá xôn xao là Hà Nội đã mạnh tay chi 2 triệu USD quảng bá du lịch trên kênh truyền hình CNN.
Mặc dù không nói chi tiết việc quảng bá này, ông Hồng kỳ vọng, CNN không chỉ khiến thương hiệu du lịch Hà Nội tạo dựng được chỗ đứng trên bản đồ du lịch thế giới, mà còn có thể mời gọi các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.
Cần những thay đổi nội tại để bứt phá
Từ kinh nghiệm đưa Sơn Đoòng lên Good Morning America và ra thế giới, ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Oxalis nhấn mạnh: “Khách Mỹ và châu Âu chưa bao giờ đến Đông Nam Á thì họ coi các nước khu vực này na ná như nhau, từ cảnh đẹp, chùa chiền, ngôn ngữ..., nên chúng ta không thể mãi tự đưa ra cho mình lợi thế là Việt Nam đặc biệt khiến họ phải đến”.
Cũng theo ông Á, để quảng bá thực sự hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ việc xem mình có gì vượt trội, còn việc nói mình ngàn năm văn hiến sẽ rất khó hấp dẫn du khách quốc tế. “Điều phải chú tâm là làm sao khách đến Việt Nam không gặp trục trặc gì, được sử dụng dịch vụ tốt”, ông Á nhận xét.
Chia sẻ vấn đề này, ông Phạm Hùng Cường, Giám đốc Kinh doanh (Khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake) cũng cho rằng, trước khi quảng bá ở thị trường xa hơn, Hà Nội cần giảm sự bất tiện cho du khách ở những thị trường trọng điểm của mình.
Ví dụ cho sự bất tiện, ông Cường lấy luôn dẫn chứng từ chính Tổng giám đốc của mình là ông Colin McCandless khi bay từ Australia đến Hà Nội đã phải quá cảnh ở Sài Gòn trước khi vòng về Hà Nội. “Việc không có đường bay thẳng trực tiếp từ một số thị trường trọng điểm khiến khách quốc tế không chỉ mất thời gian, mà còn khiến Hà Nội kém sức hấp dẫn”, ông Cường nói.
Nhìn ở khía cạnh thị trường nói chung, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam phân tích, trong số khách du lịch từ Mỹ đến Hà Nội có tới 90% là Việt kiều, tức là chỉ có 10% là người Mỹ; trong khi khách từ một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga đến Hà Nội rất ít.
“Nói tới Hà Nội là nói tới địa danh văn hiến, nhưng chúng ta quên mất rằng, khách quốc tế vẫn có thể lưu trú ở Hà Nội lâu hơn nếu biết khai thác du lịch sơ khai và văn hóa bản địa của người dân tộc thiểu số khu vực Ba Vì. Việc hợp tác giữa du lịch Hà Nội và các địa phương khác nên có ràng buộc. Chỉ khi việc hợp tác đủ chặt chẽ mới có thể khiến Hà Nội phong phú về tour, tuyến và như vậy mới giải quyết được phần nào bài toán giữ chân du khách quốc tế. Trong khi đó, với phân khúc nội địa, Hà Nội phải làm sao phải khơi dậy được văn hóa “đã là người Việt Nam phải một lần tới Hà Nội”, ông Bình phân tích.