Du lịch
Du lịch outbound: Nhu cầu cao, nhiều điểm đến mới hấp dẫn
Hạnh Nguyên - 04/10/2022 08:05
Đón đầu nhu cầu du lịch outbound (du lịch ra nước ngoài) ngày càng cao của du khách Việt hậu Covid-19, các doanh nghiệp lữ hành đã tung ra nhiều sản phẩm, điểm đến mới hấp dẫn.

Theo thống kê của Booking.com về chỉ số tự tin du lịch (Travel Confidence Index), Việt Nam đứng thứ 2 thế giới với 85% người Việt có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới.

Chỉ số này cho thấy, nhiều khách du lịch Việt Nam rất lạc quan đón nhận những thay đổi về du lịch hậu đại dịch, kể cả gián đoạn trên hành trình hay việc tăng chi phí du lịch. Số liệu cũng thể hiện mức độ tự tin tiếp nhận khách du lịch quốc tế của người Việt. Đây là tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch Việt, tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Phần đông du khách Việt dự định đặt 1 - 2 chuyến du lịch trong năm nay (62%). 45% người được khảo sát cho biết, họ muốn đến các địa điểm nổi tiếng gần Việt Nam (từ 3 đến 8 giờ bay), thay vì những chuyến đi ngắn (dưới 3 giờ bay) hoặc dài (hơn 8 giờ bay). Đáng chú ý, có đến 82% người được khảo sát chia sẻ rằng, họ cảm thấy thoải mái với việc Việt Nam mở cửa biên giới trở lại, trong đó 75% tự tin về khả năng chào đón du khách quốc tế của ngành du lịch.

Đón đầu nhu cầu du lịch ra nước ngoài như “lò xo bị nén lâu ngày muốn bật ra” của người Việt, hàng loạt công ty đang giới thiệu những gói tour hấp dẫn với nhiều điểm đến khá mới lạ như Mông Cổ, Ấn Độ, Nam Phi…

Theo ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt tăng khá nhanh kể từ sau khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn bộ ngành kinh tế xanh.

“Khách du lịch Việt chủ yếu đi châu Âu vì có chính sách nhập cảnh rất cởi mở. Các điểm đến khu vực ASEAN cũng được nhiều khách du lịch lựa chọn. Bên cạnh đó, du khách Việt cũng quan tâm và đăng ký tour Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, lượng khách vẫn chưa thể bằng thời điểm năm 2019, chỉ đạt khoảng 60-70%”, ông Hoan chia sẻ và cho biết, những yếu tố ảnh hưởng tới tâm lý của khách nhiều nhất là về giá, do chi phí đi tour nước ngoài đang cao hơn khoảng 20-25% so trước Covid-19.

Với điểm đến mới như Mông Cổ, ông Phạm Duy Nghĩa, CEO Vietfoot Travel cho biết, đơn vị này đã phối hợp cùng Mongolian Airlines và đối tác dịch vụ mặt đất Mông Cổ để tổ chức chương trình Farmtrip khám phá quê hương của Thành Cát Tư Hãn - bản hùng ca của thảo nguyên bất tận chất lượng cao. Tại Mông Cổ, đoàn đã khảo sát các điểm đến Thủ đô Ulan Bato, Khu du lịch Tsonjin Boldog, Công viên quốc gia Terelj Lodge, trải nghiệm hoạt động văn hóa và cuộc sống của các thổ dân du mục trên cao nguyên Gobi, cố đô Golden; thưởng thức show diễn văn hóa nghệ thuật Mông Cổ...

Các thị trường xưa nay được nhiều khách Việt Nam yêu thích cũng đang khởi sắc. Đơn cử, từ ngày 7/9, du khách Việt Nam đã có thể đến du lịch Nhật Bản theo hình thức tour trọn gói cũng như du lịch cá nhân có đặt dịch vụ qua công ty du lịch. Tour đi Hàn Quốc cũng được khai thác từ tháng 6.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc ban Tiếp thị Vietravel cho hay, hơn 1.500 lượt khách quan tâm và đăng ký đặt chỗ các tour du lịch Hàn Quốc và Nhật Bản dự kiến khởi hành từ nay đến ngày 30/11. “Đây là 2 trong số những điểm đến thu hút lượng khách du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè 4 - 6 người, bởi phong cảnh đẹp mùa thu”, bà Khanh cho biết.

Trong khi đó, tại Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, trừ Trung Quốc, Đài Loan, hầu hết các tuyến du lịch ngoài nước như trước dịch đã mở lại. Tour Nhật Bản mùa thu đang triển khai bán. Lữ hành Saigontourist dự kiến phục vụ 20.000 lượt khách tham gia các tour nước ngoài từ nay đến cuối năm.

Tuy nhu cầu cao và công ty lữ hành cũng tung ra nhiều sản phẩm, điểm đến mới hấp dẫn, nhưng chặng đường phục hồi của du lịch outbound vẫn còn nhiều rào cản. Chẳng hạn, thị trường Nhật Bản chỉ mới khởi động trở lại và đến nay, các công ty đang mở bán thăm dò. Còn thị trường Hàn Quốc, nhiều khách vẫn e ngại với yêu cầu chứng minh tài chính để xét duyệt visa. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lữ hành như “ngồi trên đống lửa” khi nhu cầu du lịch Hàn Quốc chững lại, trong khi dịch vụ đã được công ty đặt với đối tác cho thời gian tới.

Mặc dù còn nhiều gian nan, nhưng hầu hết các doanh nghiệp du lịch dự báo thị trường outbound sẽ còn tăng trưởng tốt từ nay đến cuối năm. Các doanh nghiệp cũng nhận định, Ấn Độ là điểm đến kỳ vọng sẽ thu hút khách Việt thời gian tới, bởi các hãng hàng không liên tục mở đường bay trực tiếp đến nước này.

Theo Tổng cục Thống kê, trước Covid-19, khoảng gần 10 triệu lượt người Việt đi du lịch nước ngoài mỗi năm. Doanh thu du lịch ra nước ngoài thường chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng doanh thu du lịch quốc tế của các doanh nghiệp lữ hành.

Tin liên quan
Tin khác