Báo cáo Di động Ericsson khẳng định, dữ liệu băng thông rộng tăng vọt trong đại dịch Covid-19 |
Theo Báo cáo Di động Ericsson tháng 11/2019, lưu lượng di động được dự báo tăng 27% mỗi năm trong giai đoạn từ 2019 đến 2025. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu đã dẫn tới sự bùng nổ dữ liệu bởi người dùng trên thế giới dành nhiều thời gian hơn cho việc học và làm việc tại nhà theo chỉ thị và hướng dẫn của Chính phủ.
Những thay đổi lớn về thói quen hành vi con người này là nguyên nhân dẫn tới những thay đổi có thể định lượng trong việc sử dụng các mạng băng thông rộng di động trên thế giới. Một hình thức tương tác xã hội mới đã hình thành, ở đó kết nối internet băng thông rộng cho phép nhiều hoạt động giải trí trong nhà cũng như các cuộc gặp gỡ ảo với bạn bè và người thân, vừa giúp đảm bảo an toàn.
Các nghiên cứu của Ericsson chỉ ra rằng, lưu lượng thoại tăng trung bình từ 20% đến 70% trên các hệ thống mạng với số lượng và thời lượng cuộc gọi gia tăng do có nhiều người sử dụng trong giai đoạn Covid-19. Người dân đang dành nhiều thời gian để trực tuyến tại nhà, và kết quả là tạo ra nhiều lưu lượng hơn mỗi ngày.
"Hầu hết các nhà mạng đang chứng kiến sự gia tăng từ 10-20% trong lưu lượng dữ liệu (cả tải lên và tải xuống) trên mạng di động của mình, trong đó các dịch vụ truyền phát video đóng góp phần không nhỏ trong sự gia tăng này", Báo cáo của Ericsson chỉ rõ.
Trong vài thập kỷ qua, mọi thế hệ kết nối di động băng thông rộng đã cho phép người dùng có được chất lượng nội dung nâng cao cũng như sức mạnh của di động với khả năng sử dụng dữ liệu mọi lúc, mọi nơi khi làm việc, học tập và giải trí.
Video đang ngày càng được nhúng vào trong mọi định dạng nội dung trực tuyến, và trở thành yếu tố chính khiến dữ liệu di động tăng mạnh. Lưu lượng video trên mạng di động được dự báo tăng trưởng 30% hàng năm đến 2025, chiếm 75% tổng lưu lượng di động so với hơn 60% trong năm 2019.
Tại Việt Nam, Ericsson cam kết đảm bảo các nhà mạng di động đã sẵn sàng cho nhu cầu dữ liệu tăng trưởng mạnh trong các năm tới, đặc biệt khi mạng 4G hiện tại và 5G tương lai đang ngày càng được sử dụng trong các ứng dụng Công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh (Smart City), như sản xuất thông minh, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh và y tế điện tử.
Ericsson cũng hợp tác chiến lược với các nhà mạng di động của Việt Nam trong cung cấp các tính năng internet băng thông rộng di động nhằm hỗ trợ cho khát vọng kinh tế số của Chính phủ, nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực công nghệ cao và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững tại Việt Nam
Các nhà mạng di động tại Việt Nam đang chứng tỏ rằng họ có thể mang tới hiệu năng và độ tin cậy mạng cần thiết nhằm hỗ trợ cả người dùng cuối lẫn doanh nghiệp trong thời điểm cần nhất này. Ericsson đang hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng di động Việt Nam như Viettel, VNPT, Mobifone và Vietnamobile, nhằm đảm bảo ngành viễn thông cung cấp kết nối internet băng thông rộng thông suốt, chất lượng cao và ổn định cho các dịch vụ công, các doanh nghiệp và các hộ gia đình của Việt Nam.
Thực tế tại Việt Nam, chính phủ, doanh nghiệp và toàn xã hội đang ứng phó chủ động và hiệu quả trước nạn dịch Covid-19, như sớm đưa ra các hành động chiến lược, quyết đoán và rõ ràng để đẩy lùi đại dịch thành công. Các nhà mạng di động cũng sớm có những bước đi như vậy.
Các nhà mạng thực hiện những thay đổi cần thiết về gói dữ liệu – tăng dung lượng gói lên hoặc cho phép các cuộc gọi hay dữ liệu không giới hạn trong giai đoạn này. Thậm chí, họ còn nhanh chóng và linh hoạt ứng phó với tình hình hiện tại, một số nhà mạng di động toàn cầu và trong nước đã và đang lên kế hoạch điều chỉnh đầu tư vào hệ thống mạng để nâng cao công suất, đáp ứng nhu cầu tăng vọt về dữ liệu mà các hệ thống mạng đang trải qua.